Đất nền trầm lắng, môi giới chán nản tiếp khách "hỏi một lần"
(Dân trí) - Dù có bảng hàng đất nền dồi dào nhưng nhiều môi giới thừa nhận khách quan tâm chỉ hỏi một lần. Có khách xem đất xong cũng "một đi không trở lại".
Chán nản tiếp "khách hỏi một lần"
Dù tích cực đăng thông tin rao bán, anh Nguyễn Đức Trọng - một môi giới đất nền ở Hà Nội - than thở, từ nhiều tháng nay, ngày nào cũng có khách hỏi, dẫn khách đi xem đất, nhưng chưa chốt được giao dịch nào. Khách mua thì chê đắt, người bán thì "hét giá" trên trời.
Theo anh Trọng thừa nhận, thời gian này, người có đất bán ra nhiều, nhưng giá vẫn còn cao. Trong khi đó, tâm lý khách mua thì vẫn "nghe ngóng" chờ giá giảm thêm.
"Một mảng đất nền 33m2 có vỉa hè, trước mặt đường nhựa 8m nằm trong khu tái định cư Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) đang được chủ đất yêu cầu bán giá 4,7 tỷ đồng. Tôi đăng thông tin rao bán trên, nhưng cả tháng không có khách hỏi", anh Trọng nêu.
Cũng theo anh Trọng, sau cơn "sốt đất" đầu năm 2022, mặt bằng giá nhiều khu vực tái định cư Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp của huyện Thanh Trì đã đạt ngưỡng 100-140 triệu đồng/m2, gấp đôi so với thời điểm trước năm 2019. Tuy nhiên, mức giá nhiều chủ đất đưa ra ở thời điểm hiện tại chỉ thấp hơn vài triệu đồng/m2 so với giá thời điểm "sốt đất".
"Nhiều chủ đất vẫn kỳ vọng vào mức giá như đỉnh "sốt". Nhiều lúc tôi đã phải từ chối việc nhận bán, nếu chủ đất đưa ra mức giá quá cao, thị trường lúc này không thể chấp nhận", anh Trọng cho biết.
Còn theo một môi giới nhà đất khu vực Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội), giá đất nền khu vực vùng ven đã đi ngang từ giữa năm 2022. Một số lô đất nền, chủ đất phải cắt lỗ do vị trí đất không thuận lợi; áp lực tài chính phải bán.
Môi giới vùng ven này cũng thừa nhận, giao dịch đất nền vẫn diễn biến theo hướng trầm lắng. Người có đất vẫn kỳ vọng giá cao, còn khách mua thì chờ giá rẻ. Tâm lý trái chiều trên thị trường khiến giao dịch không được "chốt".
Theo báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng, tình hình thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm tiếp tục trạng thái trầm lắng. Mặc dù một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay nhưng hoạt động tại thị trường bất động sản vẫn chưa thể sôi động trở lại.
Bối cảnh thị trường khó khăn cũng là thời cơ tốt của các nhà đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính có thể mua được những bất động sản tốt với giá hấp dẫn. Tuy nhiên, nên mua đất ở những khu vực có hạ tầng, tiện ích tốt hay cạnh khu công nghiệp thì mặt bằng giá sẽ ổn định và có dư địa tăng.
Đất nền vẫn trầm lắng do niềm tin của người mua
Báo cáo của nhiều đơn vị nghiên cứu bất động sản công bố mới đây cũng cho thấy, từ quý II/2022 đến nay, phân khúc đất nền vẫn đang chứng kiến một mức độ quan tâm rất ảm đạm.
Khi thị trường "sốt nóng", đất nền là phân khúc nhận được lượng quan tâm rất lớn và có sự hấp thụ rất nhanh, nhưng khi thị trường chững lại, đất nền lại có mức độ sụt giảm sâu nhất. Bởi vì, đất nền là phân khúc mang tính đầu cơ nhiều hơn so với nhu cầu khai thác dòng tiền.
Một số chuyên gia bất động sản đánh giá, tình hình giao dịch trên thị trường đất nền vẫn trầm lắng do niềm tin của người mua. Những khó khăn về hạn mức tín dụng, lãi suất vay vẫn chưa được giải quyết triệt để khiến người mua "chùn bước".
Theo ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn - cho hay, giao dịch nhà đất khó thành công do kỳ vọng giữa người bán và người mua vẫn còn khoảng cách xa.
Cụ thể, theo khảo sát, trong những lý do mà nhà đầu tư cần rao bán bất động sản, thì 49% là để cơ cấu lại danh mục đầu tư; 23% là do không có nhu cầu sử dụng, nên rao bán lại; chỉ 22% là do kẹt tài chính, phải sang nhượng để giải quyết vấn đề kinh tế.
"Vì nhóm người bán cần "thoát hàng" do khó khăn tài chính không cao, nên phần lớn vẫn nuôi kỳ vọng sẽ bán ra bất động sản với mức có lời, lợi nhuận dao động trên dưới 10%", ông Quốc Anh chia sẻ.
Về khả năng thanh khoản, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu lãi suất giảm xuống dưới mức 10%/năm, thị trường ấm dần lên, thì làn sóng đầu tư nhà đất có thể sẽ nhen nhóm trở lại, dòng tiền với doanh nghiệp có thể "rủng rỉnh" hơn.
Ngược lại, nếu lãi suất cho vay vẫn neo cao, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, thì khả năng dòng tiền sẽ vẫn ở lại ngân hàng.