"Đắp chiếu" chờ đợi, bao giờ mới có nhà ở giá rẻ?
(Dân trí) - Theo chuyên gia, chúng ta rất mong muốn có nhà ở giá rẻ nhưng nếu thiếu sự quyết tâm của cả hệ thống thì nhà ở giá rẻ chỉ dừng lại ở "hô khẩu hiệu".
Khó khăn trong thủ tục pháp lý đối với thị trường bất động sản, giá nhà đắt đỏ và ngày một tăng là những vấn đề được bàn luận nhiều đến trong thời gian qua.
Mới đây, chủ một doanh nghiệp bất động sản lớn ở Việt Nam cho rằng giá nhà tăng liên tục, nhiều người nghĩ bất động sản lời rất nhiều nhưng thực tế không phải vậy.
Vị này chỉ ra rằng, yếu tố pháp lý và chính sách tín dụng của ngân hàng liên tục thay đổi là nguyên nhân rất quan trọng “đẩy” giá nhà. Các chủ đầu tư phải tính toàn bộ chi phí do chậm vào giá thành, sao doanh nghiệp có thể chịu lỗ được, bởi lỗ thì doanh nghiệp phá sản.
Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho rằng: Thời gian là vàng bạc. Một dự án chuẩn 5 năm chưa xong thì làm sao chi phí không đội lên được. Tiền bỏ ra “lãi mẹ đẻ lãi con”, rồi tất cả lại cộng vào với giá nhà.
Ông Hà cho rằng, đặc biệt với phân khúc nhà giá rẻ, nhà xã hội thì càng nên rút ngắn thời gian chờ đợi thủ tục. Để làm sao tốc độ phê duyệt dự án nhanh hơn, quy trình gọn nhẹ hơn. Điều này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm nhẹ chi phí đầu vào. Thêm nữa việc tháo gỡ khó khăn pháp lý, thúc đẩy tăng nguồn cung, khi số lượng dự án tăng lên, giá nhà cũng sẽ hạ nhiệt.
Tại hội thảo “Giải pháp phục hồi thị trường bất động sản hậu Covid-19” vừa diễn ra, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam - kỳ vọng việc các bộ ngành, địa phương cùng bắt tay vào cuộc để xử lý các nút thắt của thị trường bất động sản hiện nay.
“Hiện nay, việc thực hiện những Chỉ thị, Nghị quyết còn chậm, chưa có tác động thực sự vào thị trường bất động sản. Tôi mong muốn những chính sách đã ban hành thì phải có giải pháp và đặc biệt là những cơ quan thực hiện những giải pháp đó phải vào cuộc ngay, đưa ra giải pháp cụ thể, nhanh chóng, giúp thị trường bất động sản hồi phục và hoạt động hiệu quả” - ông Đính nói.
Ông Đính cho biết, ở rất nhiều địa phương, các dự án bị nằm đắp chiếu, chờ đợi phê duyệt. Tậm chí theo vị này, có hàng trăm dự án đã hoàn thành thủ tục nằm trên bàn của các cơ quan chính quyền địa phương nhưng chưa được xử lý.
“Thị trường đang giảm, vướng các nguồn cung. Nguyên do không chỉ từ pháp luật mà còn cần tinh thần quyết liệt, trách nhiệm của cơ quan quản lý” - ông Đính nói.
Cũng theo ông Đính, có những dự án đã xây xong móng, thậm chí một vài công trình đủ điều để bán hàng theo đúng giấy phép nhưng vẫn chưa được cấp giấy theo quy định của pháp luật để bán hàng.
“Nhiều dự án thời gian thực hiện kéo dài, ngay từ khi chuẩn bị hồ sơ. Sau đó, phải điều chỉnh lại và tổng vốn đầu tư dự án bị đội lên bởi những chi phí không mong muốn. Vậy giải pháp nào để dự án thực hiện nhanh chóng? Nhà nước, Chính phủ, các cơ quan Bộ, ngành, địa phương có liên quan cần quan tâm đến vấn đề này. Chúng ta rất mong muốn có nhà ở giá rẻ nhưng nếu thiếu sự quyết tâm của cả hệ thống thì nhà ở giá rẻ chỉ dừng lại ở hô khẩu hiệu” - ông Đính đặt vấn đề.
Cũng tại hội thảo này, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã thông tin việc đang hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp. Dự thảo sẽ được trình Chính phủ trong quý III tới. Theo đó sẽ đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi dự án có giá bán không quá 20 triệu đồng/m2.
Với hàng loạt cơ chế được đưa ra, cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tạo ra cho thị trường nguồn cung căn hộ giá rẻ, đáp ứng được phần đông nhu cầu của người dân.
Theo thông tin từ lãnh đạo Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở trung, cao cấp thì dư thừa (hiện có khoảng 70-100 triệu m2 sàn) nhưng lại thiếu nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp.
Theo tính toán, nhu cầu nhà ở của người dân đối với phân khúc trung, cao cấp (có giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên) hiện chỉ chiếm từ 20-30% tuỳ từng địa phương nhưng nhu cầu về nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) lại chiếm đến 70-80% thị trường.
Nguyễn Mạnh