Đằng sau số tiền 250 tỷ đồng quỹ bảo trì chủ đầu tư 'om' ở 22 chung cư

Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu 15 chủ đầu tư của 22 chung cư ở Hà Nội phải trả lại cư dân 250 tỷ tiền quỹ bảo trì. Tuy nhiên 22 chung cư chỉ là số nhỏ trong số những chung cư có tranh chấp về phí bảo trì.

"Om" quỹ bảo trì 6 năm
 

15 kết luận do Thanh tra Bộ Xây dựng ban hành chỉ ra nhiều vi phạm, thiếu sót, tồn tại trong công tác công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư của các chủ đầu tư, ban quản trị (BQT) và chính quyền các cấp tại 22 chung cư ở Hà Nội.

Tại thời điểm thanh tra, nhiều chủ đầu tư đang quản lý kinh phí bảo trì tại tài khoản của chủ đầu tư với lãi suất không kỳ hạn; bàn giao chậm, bàn giao không đầy đủ kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư đối với khu căn hộ…

Đằng sau số tiền 250 tỷ đồng quỹ bảo trì chủ đầu tư om ở 22 chung cư - 1
Tại chung cư Riveside Garden, Đến tháng 12/2020, chủ đầu tư còn "om" hơn 13 tỷ đồng phí bảo trì trên tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng đã thu của khách hàng.

Tại chung cư Riveside Garden (số 349 Vũ Tông Phan, Khương Đình, Thanh Xuân) chủ đầu tư là Liên danh Công ty CP Sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Prosimex và Công ty CP Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam (nay là Công ty CP Tập đoàn Videc) đã quản lý kinh phí bảo trì không đúng quy định. Thời điểm thanh tra tháng 1/2020, chủ đầu tư đang quản lý kinh phí bảo trì tại tài khoản của chủ đầu tư với lãi suất không kỳ hạn. Đến tháng 12/2020, chủ đầu tư còn "om" hơn 13 tỷ đồng phí bảo trì trên tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng đã thu của khách hàng.

Thanh tra Bộ Xây dựng đã ra quyết định xử phạt chủ đầu tư 275 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu Công ty CP Tập đoàn VIDEC quyết toán, bàn giao nốt 13,2 tỷ đồng quỹ bảo trì cho BQT nhà chung cư.

Tại dự án khu nhà hỗn hợp và một phần nhà ở để bán cho cán bộ, chiến sỹ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14 - Bộ Công an), gọi tắt là cụm chung cư C14 dù công trình đã được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2015, tuy nhiên đến tháng 10/2020, Công ty Bắc Hà không đóng phí bảo trì đối với phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua là hơn 5,6 tỷ đồng.

Một dự án khác cũng do Công ty Bắc Hà làm chủ đầu tư là công trình hỗn hợp nhà ở (dành một phần để bán cho cán bộ, chiến sỹ thuộc Cục Ngoại tuyến và Kỹ thuật C51 và Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra C44 - Bộ Công an) và xây dựng nhà trẻ (gọi tắt là cụm chung cư C51-C44 tên thương mại là dự án 6th Element) công ty cũng không đóng kinh phí cho phần diện tích giữ lại, vi phạm Điều 108 Luật Nhà ở 2014. Cụ thể, ngày 29/9/2020, công trình được đưa vào sử dụng, đến thời điểm thanh tra (tháng 11/2020), chủ đầu tư chưa đóng phí bảo trì cho phần diện tích giữ lại số tiền gốc còn lại chưa bàn giao là hơn 25 tỷ đồng.

Đằng sau số tiền 250 tỷ đồng quỹ bảo trì chủ đầu tư om ở 22 chung cư - 2
Tại cụm chung cư C51 - C44 (tên thương mại là dự án 6th Element), đến thời điểm thanh tra chủ đầu tư chưa đóng phí bảo trì hàng chục tỷ đồng cho phần diện tích giữ lại.

Thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư 4 tòa nhà CT1, CT2A, CT2B và CT3 - Gelexia Riverside, thuộc dự án xây dựng khu nhà ở quận Hoàng Mai, Thanh tra Bộ Xây dựng đã phát hiện chủ đầu tư dự án - Công ty CP đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản HTL Việt Nam và các tổ chức, cá nhân liên quan đã bàn giao thiếu quỹ bảo trì 4 tòa nhà chung cư. Tính đến ngày 30/3/2020, chủ đầu tư mới bàn giao 49,2 tỷ đồng, số tiền quỹ bảo trì chưa bàn giao cho các BQT hơn 3 tỷ đồng.

Cũng theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, để xử lý hàng loạt vi phạm của Công ty CP đầu tư Hải Phát Thủ Đô - chủ đầu tư 2 dự án CT2-105 khu đô thị Văn Khê mở rộng (tên thương mại HPC Landmark) và dự án Hanoi Homeland, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan.

Cơ quan thanh tra yêu cầu Công ty CP đầu tư Hải Phát Thủ Đô sớm tổ chức hội nghị nhà chung cư để lập ban quản trị, đồng thời gửi số tiền gốc và lãi đối với số tiền 14,5 tỷ đồng quỹ bảo trì chung cư HPC Landmark và 33,1 tỷ đồng quỹ bảo trì chung cư Hanoi Homeland cho các ban quản trị tòa nhà.

Quy định đã có nhưng thực thi kém

Ghi nhận thực tế thời gian qua cho thấy, vấn đề phí bảo trì là một trong những tranh chấp dai dẳng, khó giải quyết tại nhiều dự án ở Hà Nội, từ chung cư giá rẻ cho đến cao cấp. Tuy nhiên 22 chung cư chỉ là số nhỏ trong số những chung cư có tranh chấp về phí bảo trì.

Trước đó, theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, Sở đã tham mưu cho UBND TP ra văn bản yêu cầu 25 chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị; ban hành quyết định cưỡng chế kinh phí bảo trì 2% đối với Cty CP Xây dựng số 3; ban hành quyết định ủy quyền cho UBND quận, huyện ban hành quyết định cưỡng chế kinh phí bảo trì đối với 5 chủ đầu tư…

Đồng thời, đã công khai danh sách 13 chủ đầu tư, có báo cáo UBND TP đề nghị yêu cầu bàn giao đầy đủ kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho Ban quản trị.

Nhưng có những chung cư Sở Xây dựng đã ra văn bản về việc ủy quyền cho UBND quận ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì cư dân vẫn phải chật vật "đi đòi" tiền.

Tại chung cư Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngày 27/3/2020, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1270 xử phạt vi phạm hành chính về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với Công ty TNHH Hòa Bình (Công ty Hòa Bình) - chủ đầu tư dự án do chậm bàn giao kinh phí bảo trì cho BQT. Theo đó, Công ty Hòa Bình bị phạt vi phạm hành chính với số tiền 125 triệu đồng.

Đằng sau số tiền 250 tỷ đồng quỹ bảo trì chủ đầu tư om ở 22 chung cư - 3
Cư dân Hòa Bình Green City xuống đường căn băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả sổ hồng, "tố" chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì…(Ảnh chụp ngày 14/3).

Ngày 27/5/2020, Sở Xây dựng có văn bản về việc ủy quyền cho UBND quận Hai Bà Trưng ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì nhà chung cư tòa B Hòa Bình Green City. Đến ngày 14/3 vừa qua, cư dân Hòa Bình Green City vẫn "rồng rắn" xuống đường căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả sổ hồng, "tố" chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì của cư dân…

Để giải quyết vấn đề liên quan đến quỹ bảo trì không ít kiến nghị được đưa ra nhưng thực tế vẫn còn nhiều chủ đầu tư chây ì. Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để kịp thời khắc phục các hạn chế, bất cập trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Sở Xây dựng kiến nghị, điều tra, truy cứu trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư.

Xem xét, khi thẩm định hồ sơ giao đất, cho thuê đất và các hoạt động xây dựng, phải kiểm tra danh sách các nhà đầu tư có vi phạm trong quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, đề xuất biện pháp xử lý có đủ sức răn đe, tăng cường giải pháp ra quyết định cường chế buộc phải thực hiện.

Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội cần công khai danh sách các chủ đầu tư cố tình vi phạm và không tuân thủ các quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư, kiên quyết không giao các dự án đầu tư đối với các chủ đầu tư nằm trong danh sách cố tình vi phạm.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 30/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở 2014, trong đó sửa đổi bổ sung Điều 36 về bàn giao kinh phí bảo trì nhà chung cư; sửa đổi bổ sung Điều 37, về việc UBND cấp tỉnh/thành phố sẽ có căn cứ cưỡng chế chủ đầu tư chuyển tiền cho ban quản trị tòa nhà.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 26/3/2021 trong đó nêu rõ trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì cho ban quản trị nhà chung cư, nếu phát hiện chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì UBND cấp tỉnh yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại - Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho rằng, liên quan đến quản lý quỹ bảo trì chung cư về quy định đã có nhưng khâu thực thi kém trong đó có việc cơ quan chức năng cũng chưa thực hiện hết trách nhiệm.

Từ thực tế hiện nay, luật sư Toại đề xuất Sở Xây dựng hoặc UBND cấp huyện nơi có chung cư nên là chủ tài khoản của kinh phí bảo trì đối với mỗi tòa nhà chung cư.

"Đó là phương thức dễ thu và sau này cũng không quá phức tạp giải quyết tranh chấp liên quan đến quỹ bảo trì. Sau khi BQT được thành lập theo đúng luật BQT sẽ có văn bản gửi cho UBND hoặc Sở Xây dựng là đơn vị đang quản lý kinh phí bảo trì chuyển tiền đó cho BQT không cần phải thông qua chủ đầu tư. Hiện nay trách nhiệm trên là của chủ đầu tư nhưng khi có tranh chấp chủ đầu tư chây ì không bàn giao theo đúng quy định thì các cơ quan quản lý lại phải giải quyết hậu quả tranh chấp" - luật sư Toại nói.