Dân TQ ồ ạt vay tiền mua nhà, đặt cược vào sự hồi phục của BĐS sau dịch
(Dân trí) - Người mua nhà đang quay trở lại thị trường bất động sản Trung Quốc và đặt cược vào sự hồi phục của giá nhà đất sau khi đại dịch Covid-19 kết thúc.
Mark Zhou là một trong hàng trăm nhà đầu tư bất động sản đang cân nhắc mua căn hộ cao cấp ở tổ hợp Shang Hai Wan (Thượng Hải). “Nhà ở vẫn là khoản đầu tư duy nhất mà người Trung Quốc chúng tôi tin tưởng khi triển vọng kinh tế ảm đạm đe doạ đến việc làm và thu nhập của chúng tôi”, người đàn ông 40 tuổi này nói.
Các căn hộ ở tổ hợp này, với diện tích từ 62 – 130m2, hiện có giá ít nhất là 110.000 Nhân dân tệ/m2 (tương đương 15.545 USD/m2), gấp đôi mức giá trung bình của các căn hộ ở thành phố này.
“Chúng tôi sẽ không ngần ngại đặt cược vào sự phát triển mạnh mẽ hơn của thị trường bất động sản bằng cách tăng mức đòn bẩy tài chính”, ông Zhou nói.
Ông Zhou là một trong những người mua nhà đang quay trở lại với thị trường bất động sản Trung Quốc và đánh cược vào khả năng phục hồi của giá nhà đất thời hậu dịch Covid-19.
Họ đã đẩy giá nhà đất tăng ở 10 thành phố dưới sự tư vấn bất động sản của Viện nghiên cứu và Phát triển Trung Quốc E-house. Trong quý 1 năm nay, giá các căn hộ mới ở các thành phố trên đã tăng 15% so với cùng kỳ hàng năm.
Sự hồi phục này dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, song cũng vấp phải nhiều rủi ro. Nó làm tăng tỷ lệ đòn bẩy tài chính hộ gia đình - một thước đo đo lường khoản nợ gia đình như thế chấp - nợ tiêu dùng và nợ các doanh nghiệp nhỏ…
Ông Gu Yunchang, một lãnh đạo của Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị - nông thôn Trung Quốc nói rằng: “Chúng tôi cần kiểm soát tỷ lệ đòn bẩy tài chính, bởi nếu giá nhà đất giảm mạnh, nhiều người sẽ mất nhà” giống như những gì xảy ra ở Mỹ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. “Nhưng nếu tỷ lệ đòn bẩy tài chính không cao, nhiều người không thể mua được nhà. Chúng tôi cần suy nghĩ một cách có hệ thống để giải quyết vấn đề này”, ông nói thêm.
Ông Gu là một trong những cố vấn chính sách đã soạn thảo các tài liệu cải cách tài sản của Trung Quốc vào năm 1998. Cải cách đã thúc đẩy thị trường bất động sản Trung Quốc hướng tới thị trường hoá và hợp pháp hoá sở hữu tư nhân đối với nhà ở.
Theo ông này, tỷ lệ đòn bẩy cao hơn ở các thành phố lớn. Để giải quyết vấn đề này, “chúng tôi cần phát triển các nhóm đô thị vệ tinh, kết nối các thành phố bằng tàu cao tốc và tàu điện ngầm” để mọi người có thể đi lại dễ dàng hơn và tiếp cận tốt hơn với các cơ sở vật chất trong khi sống tại ngoại ô và các thành phố nhỏ hơn. Các ngân hàng Trung Quốc, phần lớn là thuộc sở hữu nhà nước, sẽ kiểm soát mức cho vay thế chấp phù hợp với quy định của chính phủ.
GDP của Trung Quốc chỉ tăng ở mức 6,8% trong quý 1 năm nay, nhưng người mua nhà vẫn giữ niềm tin vào thị trường nhà đất. Trong tháng 2, họ vẫn tìm kiếm nhà đất thông qua mạng khi các văn phòng nhà đất trên cả nước đều đóng cửa. Kể từ tháng 3, họ đã xếp hàng bên ngoài các văn phòng nhà đất ở trên nhiều thành phố sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giảm lãi suất cho vay lần thứ hai trong năm nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang bị tổn thương bởi đại dịch.
Người mua nhà ở Thâm Quyến đã vay các khoản vay giá rẻ dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và dùng để mua bất động sản, đẩy giá nhà trên thị trường bất động sản thứ cấp của thành phố này trong tháng 3 lên mức cao nhất trên toàn Trung Quốc.
Roman Wu (một nhà báo 30 tuổi) cho rằng, không có gì ngạc nhiên cả, suy thoái kinh tế là “cơ hội vàng để mua bất động sản”. Anh này cũng đã mua một căn hộ 62m2 ở tổ hợp tại Thượng Hải như Zhou mua. “Tôi sẽ tận dụng tối đa khoản vay để mua một căn hộ. Tôi sẽ “nhỡ tàu” nếu không mua bây giờ”, anh này nói.
Wu đang sẵn sàng thanh toán 2 triệu Nhân dân tệ để mua căn hộ, đặt cược toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình vào sự hồi phục của thị trường bất động sản Trung Quốc.
Nhật Linh
Theo SCMP