Dân Đông Anh găm đất, cò vẽ quy hoạch đẩy giá đất cao chót vót

(Dân trí) - Là một trong 4 huyện ngoại thành Hà Nội sẽ được nâng cấp lên quận vào năm 2020, đất tại nhiều xã ở Đông Anh đang được hét giá rất cao, thậm chí giá đất ở các xã như Đông Hội, Xuân Canh, Xuân Trạch, Tàm Xá, Vĩnh Ngọc... ngang bằng với các quận nội thành.

Theo chân của một cò đất tên Cường tại xã Xuân Canh, phóng viên Dân Trí ghi nhận được thông tin giá đất tại các xã thuộc Đông Anh thời điểm gần đây rất sốt nóng.

Đông Anh đang trong tâm sốt đất

Sau cơn sốt đất năm 2010, lần thứ 3 đất Đông Anh sốt lên, tuy nhiên lần này dường như hiện tượng sốt đất không còn ảo như trước đây nữa mà thực chất đất ở Đông Anh đã lên giá.

dat dong anh.jpeg

Đất Đông Anh đang tăng giá mạnh, một phần do quy hoạch, đại dự án và cò vẽ quy hoạch

Trước năm 2010, nhiều đồn thổi, lướt sóng đã khiến đất Đông Anh ở nhiều xã giáp đê sông Hồng tăng mạnh lên từ 30 đến 40 triệu đồng/m2. Khi ấy nhiều người ồ ạt bán đất, chuyển đổi đất nông nghiệp để bán. Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau, giá đất hết sóng, người mua cuối cùng thảm hại, vỡ nợ. Khi cầu Nhật Tân xây dựng và khánh thành, đợt sốt đất thứ 2 diễn ra. Đến nay, khi cả hai cầu Đông Trù, Nhật Tân hoàn thành, cùng ba đại dự án được đưa vào quy hoạch, đất Đông Anh tiếp tục tăng giá.

Theo thông tin, hiện tại xã Vĩnh Ngọc, giáp chân cầu Nhật Tân được xem là có mức giá cao nhất, giá đất bình quân tại đây rơi vào khoảng 40 đến 50 triệu đồng/m2. Ở các trục đường lớn, giá đất dao động từ 70 đến 100 triệu đồng/m2. Đất trong làng, có ngõ dưới 3 m, giá bình quân vào 25 đến 35 triệu đồng/m2.

Giá đất tại các xã như Tàm Xá, Xuân Canh trung bình từ 20 đến 40 triệu đồng/m2. Với khổ đường lớn trên 3 m, giá đất tại các khu vực này bình quân là 25 đến 35 triệu đồng/m2.

Giá đất tại xã Đông Hội, Xuân Trạch cũng dao động từ 20 đến 40 triệu đồng/m2 tùy theo thế đất và đường vào. Thậm chí, đường rộng, giá đất dao động từ 35 đến 50 triệu đồng/m2.

Tuy nhiên, giá đất tại Đông Anh có sự phân hóa mạnh giữa các xã với nhau, giá đất tại trung tâm huyện Đông Anh so với giá mặt bằng chung tại các xã như Vĩnh Ngọc, Xuân Canh hay Đông Hội vẫn thấp hơn. Các xã nằm trên các tuyến đường Võ Nguyên Giáp như Nguyên Khê, Vân Nội cũng đang có mức giá tăng dần do nằm gần hai đại dự án 4 tỷ USD của BRG và Công viên Kim Quy của Tập đoàn SunGroup.

Mặc dù giá bán đã nhích tăng và được xem là cao so với mặt bằng giá tại huyện này từ 1 - 2 năm trước đây. Tuy nhiên, do hiệu ứng của các đại dự án, thông tin sắp được lên quận nên nhà đầu tư, dân Đông Anh vẫn găm đất, chờ lên giá sắp tới.

"Đất to bán hết vào thời điểm các cuộc sốt đất trước đó, giờ muốn mua mảnh to, đẹp phải đi khá xa, cách trung tâm Hà Nội trên 20km, còn cách 10 - 15 km, chủ yếu đất nhỏ, xen kẹt hoặc có đất nhưng chủ không bán", ông Cường nói.

Theo ông Mạnh, người dân tại xã Xuân Canh: "Hai ba năm nay, sau khi có quy hoạch cầu Tứ Liên nối từ Âu Cơ, sang Đông Anh, đất ở Xuân Canh, Xuân Trạch được săn lùng liên tục, nơi đâu cũng nói chuyện đất lên, nhiều người bán đất giàu lên nhanh chóng. Tuy nhiên, chúng tôi chẳng biết khi nào có cầu, cũng chẳng biết bao giờ các đại dự án tại đây triển khai, chủ yếu do đồn thổi là nhiều".

Ma trận thông tin quy hoạch, đại dự án

Thực tế, tại các xã nằm cạnh tuyến cao tốc Hoàng Sa - Trường Sa và nằm giáp đê sông Hồng nhìn về thành phố đều được hưởng lợi. Đặc biệt, đất tại các xã này cũng nằm khá gần đại dự án như Triển lãm quốc gia của Vingroup, động thổ năm 2016 vừa được bổ sung thêm khu nhà ở hơn 70.000 dân; dự án công viên Kim Quy lớn nhất Đông Nam Á và đặc biệt, dự án đô thị thông minh 4 tỷ USD của BRG kết hợp với Nhật đầu tư.

Toàn bộ diện tích các xã Vĩnh Ngọc, Nguyên Khê, Tàm Xá, Xuân Canh, Xuân Trạch, Đông Hội... đều nằm cận kề và được hưởng lợi từ hiệu ứng các đại dự án nói trên. Chính vì vậy, các cò đất, người bán đất thường vẽ ra một quy hoạch, viễn cảnh "màu hồng" cho người mua đất, đồng thời đẩy giá lên cao hơn nhiều so với bình thường.

Tuy nhiên, thực tế ở Đông Anh các đại dự án trên vẫn chỉ trong quá trình rào tường bao, chưa có dự án nào thực sự được triển khai. Kế hoạch của hàng loạt các đại dự án đều được triển khai các năm 2017, 2018 song hầu hết thông tin dự án mới chỉ ở những bãi đất trống.

Ngay cả việc xây cầu Tứ Liên nối Đông Anh với trung tâm Hà Nội cũng mới chỉ có trong quy hoạch, dự kiến năm 2021 cầu này sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, hiện nay chưa có thông tin nhà đầu tư, nguồn vốn ở đâu và triển khai ở chỗ nào? Các thông tin chỉ mới dừng lại ở vấn đề quy hoạch tầm nhìn và đều được các cò đất lợi dụng để đẩy giá đất thổ cư, đất nền tại đây tăng gấp nhiều lần so với giá đất nông thôn.

Ngoài các đại dự án, quy hoạch, một thông tin nữa là diện tích đất ngoài đê thuộc địa phận các xã Tàm Xá - Xuân Canh sẽ được triển khai dự án thành phố bên sông. Đây cũng là cơ sở để các cò hét giá đất thổ cư. Nhưng thực tế, dự án thành phố bên sông Hồng mới chỉ là dự án tương lai, tầm nhìn lâu dài.

Nguyễn Tuyền

bannerchanbai-1547865311083.gif