Đại gia Việt tuổi xế chiều chi tiền tỷ xây nhà gỗ truyền thống
(Dân trí) - 10 năm gần đây, thú chơi nhà gỗ rộ lên thành phong trào, có người thích những căn nhà theo lối truyền thống đơn giản ngược lại không ít đại gia sẵn sàng chi cả bạc tỷ làm nhà bề thế như "biệt phủ".
Theo khảo sát của PV báo Dân trí, tùy thuộc vào chất liệu gỗ, hoa văn, họa tiết trang trí, một căn nhà gỗ 3 gian, khoảng 60 m2, có giá dao động từ 400 triệu cho tới vài tỷ đồng.
Nhiều đại gia chịu chi còn sẵn sàng bỏ vài chục tỷ đồng để dựng nhà gỗ làm nhà thờ họ hoặc những căn nhà bề thế như biệt phủ.
Đại gia Việt tuổi xế chiều chi tiền tỷ xây nhà gỗ truyền thống
Ông Trịnh Đức Bình An (61 tuổi, Hải Phòng), một doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực BĐS vừa hoàn thiện ngôi nhà 5 gian làm bằng gỗ lim tại quê nhà với mức giá khoảng 4,5 tỷ đồng.
Theo ông An, thay vì mua một căn biệt thự cao cấp trong trung tâm thành phố, ông quyết định xây dựng nhà gỗ truyền thống để con cháu biết nhìn về cội nguồn, hiểu hơn về văn hóa dân tộc.
“Với thế hệ chúng tôi, khi ra xã hội bươn chải, những căn nhà gỗ truyền thống luôn in đậm trong ký ức. Tuy nhiên, hiện nay, không còn nhiều nhà gỗ trong khu dân cư. Vì vậy, khi ở tuổi đã về hữu, tôi quyết định xây nhà gỗ để con cháu có thể biết về giá trị văn hóa của dân tộc, và cả của gia đình”, ông An nói.
Cũng giống như ông An, anh Đỗ Văn Kế (Thanh Hóa) đã lựa chọn làm nhà gỗ thay vì xây dựng những căn biệt thự hiện đại vì yêu thích văn hóa truyền thống.
Căn nhà gỗ của anh Kế hoàn thành vào cuối năm 2018, với chi phí khoảng 1 tỷ đồng, trong đó, đắt nhất là tiền mua gỗ.
“Toàn bộ gỗ xoan và gỗ dổi để dựng nhà đã tiêu ngốn 80% tổng chi phí. 20% còn lại là chi phí nhân công, lắp đặt các thiết bị hiện đại”, anh Kế tiết lộ.
Theo anh Kế, nhà gỗ rất mát vào mùa hè, nhưng mùa đông lại ấm, tuổi thọ của nhà gỗ cũng rất cao, có nhà 200 - 300 năm tuổi vẫn còn đẹp. Vì vậy, nếu xét về giá trị kinh tế, thì những căn nhà gỗ "để càng lâu, càng có giá", trong khi nhà bê tông chỉ vài năm đã xuống cấp.
Tuy nhiên, khác với các căn nhà xây hiện đại, khó khăn nhất trong khi dựng nhà gỗ truyền thống là tìm kiếm nguồn gỗ tốt và thợ mộc có tay nghề cao. "Những người am hiểu về nhà truyền thống, đặc biệt là phần chạm trổ hoa văn không nhiều. Để có căn nhà ưng ý tôi phải lặn lội về tận những làng mộc có tiếng, tuyển những thợ có tay nghề cao về thi công", anh Kế kể.
Nghề đi “săn” nhà gỗ cho đại gia
Ông Lại Ngọc Chung (45 tuổi, Thạch Thất, Hà Nội), một “thợ săn” nhà cổ cho đại gia Việt cho biết, ngoài yếu tố văn hóa, nhà gỗ truyền thống còn là thước đo cho sự chịu chơi của giới thượng lưu Việt.
Thú chơi nhà này mới nở rộ phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây. Trong đó, nhiều đại gia có tiềm lực tài chính mạnh sẵn sàng chi vài chục tỷ, cho tới cả trăm tỷ đồng để mua gỗ tốt như đinh, lim, sến, táu,... về làm nhà.
Theo ông Chung, hiện nay, có 2 cách để dựng nhà gỗ truyền thống. Thứ nhất là có thể dựng hoàn toàn mới theo ý muốn của chủ nhà. Để hoàn thiện một căn nhà như thế này tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Trong đó, nguồn gỗ chủ yếu phải nhập khẩu từ Lào, Campuchia hoặc một số nước Châu Phi.
Ngoài ra, cách thứ 2 là có thể mua lại những nhà gỗ truyền thống sau đó về dưng lại như mới. Với cách này, thì chi phí rẻ hơn, thời gian hoàn thiện cũng nhanh hơn, đẹp hơn.
“Ở nhiều vùng quê Việt hiện nay, do muốn xây dựng nhà hiện đại, rất nhiều chủ nhà đang rao bán nhà cổ vài trăm tuổi được làm từ nhiều gỗ quý như lim, hay đinh, sến với mức giá rẻ bằng một nửa so với việc dựng nhà từ gỗ mới”, ông Chúng nói.
Theo ông Chung, những căn nhà cổ vài trăm tuổi trước đây thường là nhà của quan, nhà giàu, địa chủ... Công trình được ưa chuộng nhờ hệ thống trang trí, họa tiết, hoa văn tinh xảo. Nhiều căn nhà đẹp hơn hẳn so với tay nghề của thợ mộc hiện nay.
“Khi mua nhà cổ về dựng lại, chỉ mất khoảng 1 - 2 tuần là hoàn thành. Còn nếu mua gỗ nguyên liệu để xây nhà gỗ mới, thời gian hoàn thành có thể mất từ 6 tháng – 2 năm, phụ thuộc nhiều vào nguồn gỗ. Đó là chưa kể tới quá trình ngâm, xử lý mối mọt, chạm khắc hoa văn,...”, ông Chung cho biết.
Gần 20 năm gắn bó với nghề “thợ săn” nhà cổ, ông Chung cho biết, trong quá trình “săn” nhà cổ để bán lại cho giới nhà giàu, ông có thể thu về vài trăm triệu đồng tiền lời. Thậm chí, có năm, ông Chung có thu nhập tới cả tỷ đồng.
“Hiện nay, phong trào mua nhà cổ về dựng lại ngày càng phổ biến trong giới thượng lưu. Tuy nhiên, do nguồn cung ngày càng hạn chế, nên để tìm được một căn nhà cổ ưng ý không phải đơn giản”, ông Chung nói thêm.
Việt Vũ