Đại biểu Quốc hội: Cần xóa bỏ được tư duy "không buôn gì lãi bằng buôn đất"
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội mong muốn việc sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản lần này cần xóa bỏ được tư duy "không buôn gì lãi bằng buôn đất".
Chưa có chính sách điều tiết được thị trường bất động sản
Chiều 23/6, phát biểu góp ý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa tại hội trường Quốc hội, đại biểu Trần Văn Hải - (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) - cho rằng, thực tiễn thị trường bất động sản luôn rình rập yếu tố rủi ro. Tình trạng "sốt nóng" và "đóng băng" xảy ra thường xuyên theo chu kỳ, ảnh hưởng tới nền kinh tế.
"Nếu chính sách của Nhà nước không điều tiết kịp thời, không có giải pháp hữu hiệu có thể ảnh hưởng gây khủng hoảng tài chính, cao hơn nữa là khủng hoảng kinh tế", đại biểu nhấn mạnh và cho biết, rất nhiều doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang đứng trước "bờ vực" phá sản...
Do đó, theo đại biểu Trần Văn Khải, chính sách của Nhà nước đối với thị trường bất động sản rất quan trọng. Nhưng hiện nay, chúng ta chưa điều tiết được thị trường này.
"Cử tri có mong muốn mong muốn việc sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản lần này cần xóa bỏ được tư duy "không buôn gì lãi bằng buôn đất" và xóa bỏ được "làm sao người nghèo hơn vì bất động sản", "làm sao để thế hệ sau không vô vọng với ước mơ có được căn nhà của mình", đại biểu Trần Văn Khải nêu.
Theo ông, để đảm bảo luật hóa chính sách của Nhà nước cần có 4 yếu tố. Thứ nhất là tính ổn định của chính sách. Thứ hai là tạo được sự thuận lợi thông thoáng, động lực sau khi sửa đổi các nhà đầu tư có thể đầu tư mạnh mẽ vào thị trường này.
Thứ ba là phải điều tiết lại phân khúc nhà ở (phân khúc nhà ở cao cấp tồn dư trong khi nhu cầu nhà ở công nhân thiếu). Thứ tư là phải quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, ứng phó kịp thời chủ động với tình trạng "nóng", "lạnh" của thị trường.
Đại biểu lấy ví dụ về kinh nghiệm điều tiết thị trường bất động sản của Singapore bằng công cụ thuế. Cụ thể, người dân mua căn nhà thứ 2 phải nộp thuế 7% giá trị bất động sản, căn nhà thứ 3 phải nộp 10%.
Ngoài ra, Singapore cũng quy định, người mua căn nhà đầu tiên nhưng chuyển nhượng ngay trong năm đầu tiên thì phải nộp 16% giá trị bất động sản, chuyển nhượng vào năm thứ 2 (so với năm mua) thì phải nộp 10%, năm thứ 3 là 6%, sau năm thứ 4 là 0%...
Đối với ngân hàng, vay căn đầu tiên là 80% giá trị bất động sản, vay căn thứ 2 là 60%, căn thứ 3 là 40%. Các "nhà băng" phải thực hiện hết sức nghiêm túc quy định này, nếu thực hiện sai sẽ bị Chính phủ rút giấy phép, thậm trí người ký duyệt vay sẽ bị truy cứu trách nhiệm.
Theo ông, các mục tại Điều 8 của dự thảo luật còn chung chung, cần có chính sách cụ thể để khuyến khích; đồng thời kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ thuế.
Xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản
Góp ý vào dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, cần có cơ chế phối hợp để vận hành hệ thống thông tin dữ liệu thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.
Cụ thể, theo đại biểu này, một trong thông tin xuyên suốt 3 dự án luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản là hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu. Đây là thông tin rất quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước.
Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi cần được rà soát kỹ lưỡng nội dung chương 8 về xây dựng và quản lý dữ liệu thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản nhằm đồng bộ với dự án Luật Đất đai sửa đổi.
Đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị lấy hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu trong Luật Đất đai sửa đổi làm gốc, làm cơ sở để thiết kết, vận hành quản lý hệ thống thông tin về thị trường bất động sản. Đồng thời, cần có quy định, cơ chế phối hợp giữa ngành tài nguyên và môi trường với ngành xây dựng để vận hành 2 hệ thống cơ sở thông tin trên, đảm bảo tính liên thông, minh bạch và hiệu quả.
Bên cạnh đó, vấn đề công khai, minh bạch thông tin về các dự án bất động sản nhận được sự quan tâm của dư luận, do đó, cần phải có sự liên thông, chia sẻ thông tin về các dự án này với các cơ quan quản lý Nhà nước.
Liên quan tới nội dung này, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) cũng đề nghị, dự thảo luật cần tiếp tục rà soát các quy định nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản, quyền sử dụng đất, đảm bảo an toàn, ổn định, vận hành thông suốt cho thị trường bất động sản và các thị trường có liên quan như thị trường về tiền tệ, tín dụng.
Đồng thời, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách còn cơ cấu lại thị trường bất động sản, sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai, phát triển đô thị… Từ đó, khắc phục tình trạng đầu cơ về đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, tăng cường thực hiện giao dịch không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản.