1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Tháo gỡ khó khăn pháp lý cho bất động sản: Vì sao còn chậm?

Trường Thịnh

(Dân trí) - Tọa đàm "Gỡ nút thắt pháp lý cho bất động sản: Từ chính sách đến thực tiễn" phát sóng trực tiếp trên báo Dân trí lúc 9h ngày 14/6, giải đáp vấn đề vì sao việc gỡ khó cho thị trường bất động sản chưa như kỳ vọng.

Công điện 469/CĐ-TTg mới đây về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành hướng dẫn địa phương về các quy định thuộc lĩnh vực mình phụ trách nhằm giải quyết vướng mắc hiện tại, không trả lời né tránh.

Trước đó, Chính phủ cũng đã có nhiều động thái quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; điển hình như Nghị quyết số 58 ngày 21/4/2023 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Nghị quyết số 33 ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Nghị định số 12 ngày 14/4/2023 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023... Ngoài ra, từ cuối năm 2022, Chính phủ cũng liên tục phát đi hàng loạt công điện với nội dung liên quan.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản nói chung, đặc biệt là bất động sản nhà ở, chưa có nhiều dấu hiệu chuyển biến rõ rệt.

Theo báo cáo thị trường nhà ở quý I của Cushman & Wakefield Việt Nam, TPHCM có hơn 1.647 căn hộ được mở bán mới từ cả dự án hiện hữu và dự án sơ cấp mới, tăng khoảng 49% so với nguồn cung mới trong quý IV/2022, nhưng giảm 34% so với cùng kỳ năm trước. Còn đối với thị trường nhà liền thổ, quý I/2023 chứng kiến sự sụt giảm nguồn cung mới tại TPHCM với duy nhất 56 căn mở bán mới từ các dự án hiện hữu.

Tại thị trường Hà Nội, tâm lý e ngại mở bán các cự án mới của các chủ đầu tư cũng được thể hiện khi nguồn cung tiếp tục chững lại, chỉ còn hơn 2.000 căn mở bán, giảm 4% theo quý và giảm 11% theo năm. Trong đó, tất cả các dự án mở bán trong quý I đều đến từ giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu. Thị trường nhà liền thổ không có nguồn cung mới nào được bán ra. Trong khi đó, quý I/2023 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm về lượng tiêu thụ tại Hà Nội với 35 căn bán được, giảm 51% so với cùng kỳ quý trước và 92% so với cùng kỳ năm trước.

Trước thực trạng này, báo Dân trí tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Gỡ nút thắt pháp lý bất động sản: Từ chính sách đến thực tiễn".

Chương trình kỳ vọng mang đến bức tranh toàn cảnh về thị trường bất động sản hiện nay, những rào cản của thị trường, trong đó có pháp lý, cũng như tập hợp các ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp tháo gỡ. Tham gia tọa đàm có:

- Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.

- Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam.

- Ông Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế - bất động sản.

Tháo gỡ khó khăn pháp lý cho bất động sản: Vì sao còn chậm? - 1

Tọa đàm sẽ được phát sóng trực tiếp trên báo Dân trí lúc 9h ngày 14/6. Độc giả đặt câu hỏi tương tác với các khách mời tại đây.