Đã quy định cấp sổ đỏ condotel, vì sao chuyên gia vẫn lo chuyện "vỡ trận"?

(Dân trí) - Nhiều câu hỏi cần trả lời về thị trường condotel sau khi văn bản 703 ban hành. Thậm chí vẫn có nhiều ý kiến lo ngại những khúc mắc về pháp lý sẽ khiến thị trường này khó phát triển trong ngắn hạn.

Đã quy định cấp sổ đỏ condotel, vì sao chuyên gia vẫn lo chuyện vỡ trận? - 1
Diễn đàn thảo luận gỡ khó cho thị trường condotel do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức mới đây tại Hà Nội. Tại diễn đàn này nhiều chuyên gia đã đưa ra ý kiến nhằm đóng góp cho thị trường này phát triển hơn.

Tiềm năng phát triển condotel trong dài hạn vẫn rất tốt?

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản 703 gửi các Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về việc sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở.

Nhiều chuyên gia cho rằng đây là cú hích lớn cho thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong bối cảnh đang thoái trào hiện nay. Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng có cái nhìn “tươi sáng" như vậy về thị trường này.

Ở góc độ lạc quan, ông Nguyễn Chí Thanh – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường này còn nhiều tiềm năng dựa trên theo dõi lượng cầu, các thống kê về tốc độ phát triển và khả năng hấp thụ thị trường của sản phẩm này.

“Chúng tôi cũng tổ chức các đoàn đi khảo sát ở nước ngoài, từ đó chúng tôi đánh giá rằng thực sự thị trường condotel của chúng ta đang còn nhiều dư địa phát triển và là phân khúc hấp dẫn các nhà đầu tư”, ông Thanh nói.

Với các điều kiện thuận lợi trong phát triển du lịch, ông Thanh đánh giá tiềm năng phát triển condotel trong 10-20 năm tới là rất tốt.

Điều quan trọng theo ông Thanh, chúng ta cần rút kinh nghiệm được từ những thành công của mô hình tương tự đi trước của thế giới.

Đặc biệt, việc xây dựng hạ tầng condotel mới là bước đầu, vấn đề quan trọng là chúng ta quản trị, khai thác nó sao cho hiệu quả. Sau khoảng 5 năm xuất hiện, với những quy định của pháp luật đang dần hoàn thiện và nhu cầu hiện có của thị trường chúng tôi tin tưởng thành công của mô hình condotel tại Việt Nam trong thời gian tới.

Đồng quan điểm việc tiềm năng rất lớn, tuy nhiên GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng nếu chúng ta làm tốt hơn trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, đồng bộ và tư duy chính sách thì hàm lượng khách sẽ còn tăng hơn nữa.

“Tiềm năng phát triển du lịch là điều đã thấy rõ. Nhưng phải chăng tốc độ quy hoạch dường như còn yếu so với tăng trưởng của ngành du lịch?”, ông Võ nói.

Không thể bền vững nếu chỉ chủ đầu tư hưởng lợi

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Xuân Hiền – Tổng Giám đốc Công ty CP Nhà Phương Nam Việt Nam cùng nhấn mạnh kỳ vọng của doanh nghiệp, đó là cần cơ quan quản lý lắng nghe để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp. Condotel là một trong những sản phẩm mới, nên có nhiều vấn đề cần giải quyết.

Theo vị này, lâu nay, thị trường bất động sản phát triển nóng, khiến khung pháp lý đôi khi không theo kịp. Có hai vấn đề cần hiểu rõ và đưa ra khung pháp lý phù hợp.

Thứ nhất, giữa việc đăng ký và cấp quyền sở hữu đất condotel. Từ lâu nay, chúng ta đang có nhiều thông tin chủ đầu tư condotel chưa xin được giấy phép sở hữu đất condotel khiến các nhà đầu tư lo lắng.

“Nhưng trên thực tế, điều này không quan trọng, xét góc độ thị trường chúng ta phải đi theo thị trường, kinh tế chia sẻ”, ông Hiền nhấn mạnh trong quá trình phát triển, sẽ có những dự án này dự án khác phát sinh tranh chấp dân sự là bình thường, condotel bản chất không có "tội".

Cũng theo ông Hiền, nếu dự án đăng ký nằm trên khu đất nào thì cấp sổ như vậy, sẽ không liên quan hoạt động của dự án như thế nào, bởi hoạt động của dự án liên quan tới cấp phép và bên du lịch. Do đó, chúng ta không được lẫn lộn vấn đề này.

Thứ hai theo ông Hiền, chủ đầu tư không thực hiện được cam kết thì đó là vấn đề thỏa thuận dân sự giữa chủ đầu tư và khách hàng. Đây là điều bình thường trong quan hệ đầu tư, kinh doanh, kể cả là bất động sản thông thường vẫn có tranh chấp này.

Tranh chấp phát sinh là bình thường, condotel không phải là "tội đồ"

Trong khi đó, ở góc độ chuyên gia pháp lý, Luật sư Nguyễn Danh Huế - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hừng Đông lại có những nghi ngại không nhỏ về thị trường này khi nhiều vấn đề pháp lý còn bỏ ngỏ.

Vị luật sư vẫn cho rằng chúng ta đang chạy theo “cái ngọn” chứ chưa phải “cái gốc” của vấn đề.

“Chúng tôi đang tiếp nhận 20 vụ việc liên quan dự án condotel. Với những mập mờ về pháp lý, mập mờ về quản lý khai thác hiện nay, tôi rút ra 3 điều, một là nhà đầu tư thứ cấp thua thiệt, hai là Nhà nước thua thiệt, ba là chỉ có chủ đầu tư hưởng lợi. Như vậy, phát triển loại hình này không thể bền vững”, ông Huế nói.

Thêm nữa, ông Huế nêu một thực trạng: Vì thành tích kêu gọi đầu tư cho địa phương, sức ép ngân sách, các tỉnh cấp phép bừa dự án, đẩy nhà đầu tư vào tình thế bị “đem con bỏ chợ”.

“Từ trước đến nay, chúng ta hô hào phấn đấu đạt tăng trưởng du lịch cao, nhưng chúng ta lại chưa có số liệu về phát triển condotel nói riêng. Trong khi đó, doanh nghiệp cần dữ liệu để quyết định đầu tư, trong khi địa phương cần dữ liệu để quyết định cấp phép cho các dự án condotel”, vị luật sư đặt vấn đề.

Luật sư Huế cũng là người đặt ra loạt câu hỏi cần trả lời về thị trường condotel sau khi văn bản 703 được ban hành. Thậm chí vị chuyện gia vẫn lo ngại tiếp tục xảy ra "vỡ trận". 

Trong đó, ông Huế đưa ra vấn đề đáng lưu ý là sau 50-70 năm, thời hạn cho thuê đất hết thì quyền tài sản cấp cho nhà đầu tư thứ cấp sẽ được xử lý thế nào?

Nguyễn Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm