Công trình xanh: Kinh nghiệm của quốc đảo Sư tử
Là một nước có nguồn tài nguyên thiếu thốn nghiêm trọng, Singapore lại có ý thức cực kỳ mạnh mẽ về tiết kiệm năng lượng giảm phát thải cũng như phát triển bền vững.
Trong phương diện xây dựng, quốc gia này luôn tập trung nỗ lực thúc đẩy xây dựng xanh và đã trở thành biểu tượng là một trong những quốc gia xây dựng xanh hóa sớm nhất và là nước đứng thứ 3 toàn cầu về công trình xanh.
Phát triển công trình xanh là chiến lược chủ đạo quốc gia và họ đặt ra mục tiêu của công trình xanh chính là nhằm giúp đất nước mình hóa giải áp lực về tài nguyên và môi trường, thực hiện phát triển bền vững.
Vai trò của Chính phủ
Quốc gia này xác định Chính phủ phải là chủ đạo, phải tiên phong dẫn dắt ngành Xây dựng theo hướng bền vững. Từ năm 2007, Chính phủ đã bắt đầu làm hình mẫu để toàn quốc cùng bước theo con đường xây dựng xanh. Chính phủ yêu cầu các công trình của cơ quan Chính phủ, dù lớn hay nhỏ đều phải đạt yêu cầu cơ bản nhất, đều phải tiết kiệm 15% năng lượng.
Năm 2009, tất cả công trình có diện tích từ 5.000 m2 trở lên đều phải đạt mức công trình hạng Bạch kim, nghĩa là tiết kiệm từ 30% năng lượng trở lên.
Trong số các công trình hiện có của Chính phủ, khi diện tích dành cho điều hòa vượt trên 10 nghìn m2 thì bắt buộc phải đạt trên cấp Vàng trong tiêu chí công trình xanh trước năm 2020. Họ yêu cầu bắt buộc các công trình công cộng có đầu tư của Chính phủ phải thông qua chứng nhận tiêu chí xanh.
Tiêu chí rõ ràng
Từ năm 2005, Chính phủ đã sớm đưa ra kế hoạch tiêu chí “công trình xanh”, tiến hành chấm điểm đối với thiết kế môi trường của các công trình xây dựng, đặt ra 4 cấp giải thưởng đối với các thiết kế xây dựng phù hợp tiêu chuẩn quy định.
Từ đó thúc đẩy nâng cao và tăng cường ý thức bảo vệ môi trường của các nhà đầu tư, các nhà thiết kế và các DN trong ngành Xây dựng. Tiêu chí công trình xanh của Singapore chủ yếu đánh giá những ảnh hưởng về môi trường có các chỉ số đánh giá tính năng của công trình.
Đó là những căn cứ đưa ra đánh giá bao gồm các phương diện như tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên nước, sử dụng năng lượng thấp... Thang điểm chia ra 4 cấp độ: cấp đạt tiêu chuẩn, giải thưởng cấp Vàng, giải thưởng cấp Siêu vàng và giải thưởng Bạch kim.
Xây dựng hệ thống thể chế, luật pháp
Hệ thống công trình xanh Singapore được xây dựng gồm nhiều phương diện như khu vực đất xanh, công trình xanh, hạ tầng xanh, công viên xanh... Điều đáng nói ở đây là họ luôn không ngừng đổi mới và hoàn thiện trong thực tiễn.
Tiêu chuẩn đánh giá xây dựng xanh trong hệ thống thể hiện đầy đủ điều kiện khí hậu và môi trường địa phương, tôn trọng điều kiện hiện tại, kết hợp với nhu cầu phát triển của vùng lãnh thổ, phát huy chức năng và tác dụng của hệ thống xây dựng công trình xanh.
Singapore đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng thể chế quản lý giám sát hành chính, thể chế quản lý hành chính trong toàn quá trình xây dựng công trình xanh. Họ luôn rõ ràng trong các mối quan hệ chức trách giữa các cơ quan quản lý trên các lĩnh vực như quy hoạch, xây dựng, đô thị...
Bên cạnh đó, quốc gia này không ngừng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn pháp luật: Ở đây lập pháp nghiêm minh và bắt buộc. Luật pháp được xem như là biện pháp quan trọng đảm bảo tin cậy để thúc đẩy phát triển công trình xanh.
Sáng kiến khích lệ
Singapre luôn coi trọng tuyên truyền ý tưởng, rất coi trọng mở rộng công trình xanh tới đông đảo người dân trong xã hội. Họ luôn khích lệ tính tích cực của các nhà đầu tư khi xây dựng công trình xanh cũng như tác động vào người mua công trình xanh.
Xây dựng cơ chế khuyến khích linh hoạt và đa dạng của Chính phủ như cơ chế khích lệ và các biện pháp khen thưởng linh hoạt, đa dạng. Ngoài sự hỗ trợ về mặt tài chính ra, còn bao gồm các phương thức khích lệ khác như thu thuế, đất đai...
Ví dụ, từ năm 1996, Singapore đã bắt đầu thực thi tăng khấu hao cho các thiết bị tiết kiệm năng lượng; Hỗ trợ đầu tư thiết bị tiết kiệm năng lượng hiệu quả cao; Chính phủ đưa ra sự đãi ngộ về tiền thuê đất đai cho các nhà máy thực hiện tận dụng xử lý rác thải xây dựng...
Đối với công trình đã có, Chính phủ đưa ra kế hoạch khuyến khích có giá trị 100 triệu đô.
Ngoài khoản thưởng tiền mặt, Chính phủ còn cho các chủ đầu tư vay với lãi suất thấp, đồng thời chính phủ chấp nhận rủi ro, từ đó đã giảm đáng kể những trở ngại mà các chủ đầu tư cải tạo công trình đã có từng e ngại.
Còn đối với công trình mới xây, họ đưa ra kế hoạch khen thưởng cho diện tích công trình xanh. Với công trình xanh mới xây đạt cấp Bạch kim, Chính phủ hỗ trợ thêm với mức cao nhất là 2% diện tích công trình (đạt 5.000 m2).
Nếu là công trình xanh đạt cấp Siêu vàng, Chính phủ hỗ trợ thêm cao nhất 1% diện tích công trình, đạt 2.500 m2.
Đào tạo và truyền thông
Để công trình xanh phát triển đồng bộ, Chính phủ chú trọng tới việc cấp chứng nhận và đào tạo chuyên ngành cho lĩnh vực này. Họ đã xây dựng, hoàn thiện công tác đào tạo, đưa ra cơ chế chứng nhận nghề nghiệp có liên quan.
Hoàn thiện hệ thống đào tạo chứng nhận đồng bộ, thúc đẩy ngành công nghiệp xây dựng xanh, tạo căn cứ cho các nhà đầu tư và phát triển khi lựa chọn sử dụng các sản phẩm liên quan như VLXD xanh, thiết bị điện gia dụng...
Chính phủ tăng cường tuyên truyền truyền thông giáo dục dưới nhiều hình thức. Họ đi sâu tuyên truyền về công tác xây dựng xanh thông qua nhiều phương thức như biên soạn sổ tay, hướng dẫn, quảng cáo hướng dẫn người dân quan tâm chú ý tới công trình xanh.
Tại các cộng đồng dân cư, mỗi tuần đều tổ chức các buổi tọa đàm về các chủ đề xây dựng xanh.
Tại các phòng triển lãm bố trí các trò chơi đa phương tiện về công trình xanh, giúp người dân được gợi mở và hiểu biết. Họ tiến hành giáo dục về công trình xanh một cách tinh tế từ cấp học mầm non cho đến giáo dục phổ cập nhằm tạo ra hiểu biết rõ về công trình xanh trong nhân dân.