Công bố kết quả kiểm toán dự án BT ở Thủ Thiêm: Xử lý các sai phạm ra sao?
(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán Dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức hợp đồng BT.
Suất đầu tư xây dựng 4 tuyến đường trong khu đô thị mới Thủ Thiêm được cho là không cao
Trong báo cáo, Kiểm toán nhà nước đánh giá UBND TP.HCM, các sở ban ngành, nhà đầu tư và các đơn vị liên quan có nhiều cố gắng trong triển khai thực hiện, điều hành quản lý dự án, bước đầu đã hoàn thành các công trình, hạng mục theo hồ sơ thiết kế được duyệt trong phạm vi mặt bằng đã được giao cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên cơ quan kiểm toán cũng chỉ ra các dự án vẫn còn có một số tồn tại như: công tác giải phóng mặt bằng chậm so với cam kết, chậm hoàn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi nhà đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo cam kết hợp đồng BT (hình thức đầu tư xây dựng và chuyển giao); khối lượng đã hoàn thành hơn 60% giá trị hợp đồng nhưng chưa được các bên có liên quan hoàn thiện thủ tục để cơ quan nhà nước xác nhận giá trị hoàn thành thanh toán hợp đồng BT theo định kỳ 3 tháng một lần...
Báo cáo cũng nêu rõ, tổng mức đầu tư được phê duyệt của dự án 4 tuyến đường chính là 12.182 tỷ đồng. Tuy nhiên tổng mức đầu tư (TMĐT) được xác định là 8.265 tỷ đồng do không tính chi phí lãi vay và dự phòng trượt giá. Trong đó chi phí xây dựng 6.500 tỷ đồng.
Qua so sánh suất đầu tư tại Mục 1, Chương 4, Quyết định số 634 của Bộ Xây dựng, Kiểm toán nhà nước cho biết: “đối với đường giao thông cấp I (tuyến R1) và đường giao thông cấp II (tuyến R2, R3, R4) thì chi phí được đề cập tính suất đầu tư trong tổng mức đầu tư của dự án không cao hơn suất đầu tư công bố của Bộ Xây dựng năm 2013 (tổng chi phí các hạng mục trong tổng mức đầu tư của dự án chưa được đề cập trong suất vốn đầu tư của Bộ Xây dựng là 3.860 tỷ đồng chiếm 60,12% và các hạng mục giao thông của dự án so với suất vốn đầu tư của Bộ Xây dựng là 2.561 tỷ đồng chiếm 39,88% trong chi phí xây dựng của TMĐT (nền, mặt đường 552,6 tỷ đồng; cầu 2.008 tỷ đồng)”.
Tại Kết luận số 1037 ngày 26/6/2019, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị giảm Tổng mức đầu tư 1.519 tỷ đồng, trong đó có chi phí dự phòng do chênh lệch mức lương là 634,9 tỷ đồng (tương ứng giảm 33 tỷ đồng chi phí lãi vay trên mức chênh lệch dự phòng tiền lương).
Về vấn đề này, Kiểm toán Nhà nước cho biết, tại thời điểm lập tổng mức đầu tư dự án, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 103 ngày 04/12/2012 quy định mức lương tối thiểu (có hiệu từ ngày 20/01/2013); Bộ Xây dựng đã có văn bản số 551 hướng dẫn điều chỉnh chi phí nhân công để lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình theo quy định tại Nghị định số 103.
Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở Xây dựng đã có văn bản số 7073 ngày 28/5/2013 báo cáo đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận điều chỉnh chi phí nhân công, máy thi công (phần nhân công) khi lập mới dự toán công trình theo mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số 103 đến khi có quy định mới. Tuy nhiên, đến thời điểm phê duyệt TMĐT, UBND TPHCM chưa có ý kiến về đề xuất của Sở Xây dựng.
Do đó, trong thẩm quyền của mình, UBND TPHCM đã quyết định phê duyệt TMĐT dự án có khoản chi phí dự phòng chênh lệnh mức lương giữa Nghị định số 70 và Nghị định số 103 để tránh điều chỉnh TMĐT nếu như sau này UBND TPHCM đồng ý sử dụng mức lương nhân công theo Nghị định số 103 áp dụng chung trên địa bàn Thành phố. Việc sử dụng chi phí dự phòng đã được UBND TP.HCM quy định rõ tại Quyết định phê duyệt dự án và Hợp đồng BT.
Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện dự án không sử dụng khoản chi phí dự phòng chênh lệch mức lương 634,942 tỷ đồng do cơ chế thanh toán đồng thời theo Văn bản số 1909 của Thủ tướng Chính phủ và Văn bản số 17463 của Bộ Tài chính nên sẽ được giảm trừ khi các bên quyết toán dự án hoàn thành.
Kiểm toán Nhà nước đã xác định TP.HCM có thiếu sót trong việc phê duyệt tổng mức đầu tư của dự án xây dựng 4 tuyến đường chính, vì không kịp thời cập nhật để tính lại chi phí dự phòng trượt giá làm tăng tổng mức đầu tư chưa đúng 350,91 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cũng đã khẳng định khoản chi phí này đã được loại trừ ngay trong tổng mức đầu tư của hợp đồng BT theo cơ chế thanh toán đồng thời được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 1909 và được Bộ Tài chính hướng dẫn tại Văn bản số 17463 nên không ảnh hưởng đến việc cân đối thanh toán khi ký hợp đồng BT và giá trị quyết toán dự án hoàn thành.
Kiến nghị xử lý ra sao?
Tại phần kiến nghị, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu UBND TP.HCM quan tâm, chỉ đạo thực hiện việc kịp thời thanh toán theo cam kết của Hợp đồng BT đối với giá trị nhà đầu tư đã thực hiện hoàn thành theo nguyên tắc cơ chế, phương thức thanh toán của dự án, điều khoản thanh toán của hợp đồng.
Đồng thời hoàn thiện phụ lục hợp đồng BT trình phê duyệt làm cơ sở ký kết hợp đồng BT điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Phối hợp với nhà đầu tư vá các đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục pháp lý để bán giao các đoạn đường của tuyến R2, R3, R4 đã đưa vào khai thác để xác định thời gian bảo hành và thực hiện quản lý, duy tu theo quy định.
Đối với dự án 4 tuyến đường, giá trị khối lượng hoàn thành của dự án đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là 3.007,5 tỷ đồng nhưng Thành phố mới cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư tương ứng giá trị 1.841,4 tỷ đồng.
Đối với dự án cầu Thủ Thiêm 2 đến nay khối lượng hoàn thành của dự án đã đạt hơn 60% giá trị nhưng nhà đầu tư chưa được xác nhận khối lượng và giá trị để thực hiện việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc chậm thanh toán theo Kiểm toán Nhà nước có thể dẫn đến phát sinh chi phí của dự án theo quy định của Hợp đồng BT đã ký kết.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị giảm giá trị hợp đồng đối với khối lượng không thực hiện các gói thầu là 254,9 tỷ đồng; giảm thanh toán chi phí các gói thầu hơn 17,5 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng còn lại của các gói thầu hơn 1,6 tỷ đồng...
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị giảm giá trị hợp đồng đối với khối lượng không thực hiện các gói thầu là 254,9 tỷ để thay thế khối lượng do thay đổi thiết kế của nhà nước so với dự toán ban đầu.