Condotel ồ ạt rao bán cắt lỗ ngày cận Tết Tân Sửu 2021
Dịch Covid-19 tái bùng phát vào cận Tết Tân Sửu 2021, thị trường condotel tiếp tục "chịu đòn đau", nhà đầu tư cá nhân ồ ạt rao bán cắt lỗ.
Cắt lỗ vẫn ế ẩm
Chị Nông Thị Thao (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, hồi năm 2018, chị đầu tư 2 căn condotel tại Nha Trang và Đà Nẵng. Mỗi căn hộ 60m2 giá 1,6 tỷ đồng, cộng thêm các chi phí sửa nhà, mua sắm đồ đạc, tổng số tiền đầu tư ngót nghét 2 tỷ đồng/căn. Sau khi nhận bàn giao, sửa sang căn hộ, chị cũng đã cho thuê được 5 tháng. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán năm ngoái (2020) đến nay, dịch Covid-19 ập tới và tái bùng phát với diễn biến phức tạp, hai khu vực chị đầu tư vắng bóng khách du lịch khiến cả hai căn hộ của chị "đắp chiếu".
Chị Thao chia sẻ, hiện vẫn vay ngân hàng 2 tỷ đồng, lãi suất thả nổi khoảng 10%/năm. Làm ăn khó khăn, việc gánh lãi hàng tháng trở nên nặng nề. Không còn sức chịu đựng, gia đình tính bán, giảm 10% hoặc thỏa thuận. Thế những cũng không mấy ai hỏi", chị Thao cho hay.
Cũng đầu tư vào thị trường này, anh Nguyễn Tuấn Hùng, Hai Bà Trưng chán nản: "Gà chưa kịp đẻ trứng vàng đã chết sặc. Giá đầu tư vào đó thì mọi người biết rồi, mỗi căn khoảng 1,5-2 tỷ. Tôi đầu tư vào đó 4 căn, giờ nuôi chả nổi, bán chả xong. Cũng chưa biết làm cách nào", anh Hùng chán nản.
Tình trạng bán cắt lỗ "nở rộ" vào những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu và được đăng công khai trên các diễn đàn bất động sản. Qua khảo sát cho thấy, phần lớn là các căn hộ condotel cũ, bàn giao những năm 2017-2018.
Theo vị này, nguyên nhân là do mở bán đúng vào thời điểm một dự án ở Đà Nẵng xù cam kết lợi nhuận khách hàng, cùng với pháp lý chưa rõ ràng nên khách hàng rất thờ ơ. Cộng thêm đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 ập tới, hàng tồn không thể tiêu thụ được.
"Trong đợt nghỉ Tết Dương lịch vừa qua, khách vắng không khác gì chợ chiều. Nếu tình trạng này kéo dài thì doanh nghiệp không chắc cầm cự được. Dự án đã xây xong nhưng chưa bán được hết, trong khi tiền vay ngân hàng lãi mẹ đẻ lãi con", vị chủ đầu tư thở dài.
Theo báo cáo thị trường năm 2020 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), suốt 9 tháng đầu năm 2020, giao dịch condotel gần như đóng băng. Chỉ có khoảng hơn 18.000 sản phẩm bán ra, trong đó chủ yếu là hàng cũ, hàng tồn.
Quý IV/2020, thị trường bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhưng lượng giao dịch không đáng kể. Tính chung cả năm 2020, phân khúc này chỉ ghi nhận khoảng 120 sản phẩm được giao dịch.
Tính riêng thị trường phía Nam, DKRA Vietnam thống kê, tháng 11/2020 chỉ bán ra 1 dự án mới với 102 căn, tỷ lệ tiêu thụ 15 căn.
Nhiều vướng mắc pháp lýBên cạnh đó, chính sách từ cơ quan chính quyền các địa phương liên quan đến bất động sản du lịch nói chung và loại hình căn hộ du lịch nói riêng trong thời gian qua vẫn chưa có động thái gì đáng kể.
Đặc biệt là các vấn đề về pháp lý khiến nhiều dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại các địa phương đang gặp phải vướng mắc nên chưa thể khởi động đầu tư xây dựng.
Chính những hạn chế như trên đã khiến bất động sản du lịch nói chung cũng như Condotel nói riêng vẫn chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào bất động sản du lịch.
PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, thành viên Ban Pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh thêm, việc tạo điều kiện phát triển các loại hình lưu trú du lịch như condotel cũng là cách để nâng cao chất lượng phục vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu của những dòng khách cao cấp, tạo ra diện mạo khang trang cho các vùng đất có tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế địa phương.
"Do đó, thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện các điều kiện pháp lý để thị trường condotel, bất động sản nghỉ dưỡng có thể vận hành tốt, nếu không sẽ dẫn đến hiện trạng, nguồn cung mặc dù chưa đáp ứng được nhu cầu thực trên thị trường nhưng các sản phẩm đã hình thành thì vẫn tồn đọng, không bán được", vị chuyên gia nói.
Theo Nam Việt
Giao thông