Condotel "chết lâm sàng", nhiều nhà đầu tư... điêu đứng!
(Dân trí) - Vào giai đoạn thịnh vượng, Condotel được xem là một kênh đầu tư "đẻ trứng vàng" của không ít khách hàng. Tuy nhiên, với ảnh hưởng của dịch bệnh, phân khúc này được xem đã... "ngủ đông".
Nhà đầu tư tìm lối ra
Condotel đã từng "làm mưa làm gió" trên thị trường bất động sản thời gian dài. Tuy nhiên, tác động của dịch bệnh, khung pháp lý chưa rõ ràng… đã đẩy phân khúc bất động sản này vào tình trạng "chết lâm sàng". Đồng thời, không ít nhà đầu tư vẫn đang đau đầu tìm lối ra cho sản phẩm khi đã "sa lầy" quá lâu.
Anh Lê Tấn Thịnh (ngụ quận 10, TPHCM) chia sẻ, hồi năm 2018, anh đã đầu tư vào một căn Condotel ở Nha Trang. Theo đó, căn hộ đầu tư có giá hơn 1,5 tỷ đồng và bỏ thêm khá nhiều tiền vào trang trí để cho thuê. Thế nhưng, kể từ sau Tết 2020 với ảnh hưởng dịch bệnh, anh vẫn chưa tìm được khách thuê.
"Hiện tại căn hộ của tôi không sinh ra được lợi nhuận. Dịch bệnh đâu ai đi du lịch, các chuyên gia nước ngoài họ cũng về nước nên không tìm được người thuê. Trong khi đó, tôi đã phải tốn rất nhiều chi phí đầu tư… Tôi có rao bán nhưng không nhận được sự quan tâm của khách hàng. Hiện tại chỉ biết hi vọng thị trường ở phân khúc này nhận được sự quan tâm trở lại…", anh Thịnh cho biết.
Tình cảnh của chị Đỗ Ánh Nguyệt (ngụ quận 7, TPHCM) cũng không khá khẩm hơn so với anh Lê Tấn Thịnh. Theo chị Nguyệt, vào giai đoạn thị trường bùng nổ - năm 2018, chị đã đầu tư 2 căn Condotel. Tuy nhiên, đến nay lợi nhuận chị nhận về vẫn chưa đủ tiền đã đầu tư khi bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh đó, tình trạng căn Condotel vẫn đang bị bỏ trống.
"Hiện vẫn vay ngân hàng 2 tỷ đồng, lãi suất 10%/năm, hàng tháng gia đình không thể gồng nổi để trả ngân hàng vì cả năm 2020 ảnh hưởng của dịch bệnh. Chưa kể dù đã có gắng cầm cự và chịu lỗ, nhưng đến nay không thể trụ vững. Tôi đã rao bán bớt 1 căn hộ để giảm bớt nợ nần…", chị Nguyệt chia sẻ.
Rơi vào trạng thái ngủ đông
Theo DKRA Việt Nam, loại hình biệt thự biển, nguồn cung mới và sức cầu Condotel giảm mạnh, gần như rơi vào trạng thái "ngủ đông". Cả năm 2020 có 3 dự án mới mở bán, cung cấp ra thị trường 525 căn, chỉ bằng 5% so với năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 65% (342 căn), bằng 4% so với năm 2019. Giao dịch chủ yếu tập trung ở những dự án mới mở bán của các chủ đầu tư lớn với pháp lý minh bạch và tiến độ xây dựng đảm bảo.
Những thị trường từng dẫn đầu về phát triển Condotel như Phú Quốc, Khánh Hòa, Đà Nẵng… từ đầu năm 2020 đến nay không ghi nhận dự án mới mở bán, lượng tiêu thụ khá thấp và gần như không phát sinh giao dịch.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT chia sẻ, trong giai đoạn từ năm 2019 - 2020, bất động sản nghỉ dưỡng đã có thanh khoản rất thấp kể từ khi vụ việc Condotel ở dự án Cocobay gặp vấn đề.
Bên cạnh đó, một số dự án Condotel khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, các chủ đầu tư không còn trả được lợi nhuận như đã cam kết. Nguyên nhân là sự phát triển thiếu khung pháp lý về đất đai, về quản lý và vận hành các bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo ông Võ, năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản hưởng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư và thời hạn vẫn là 50-70 năm. Thế nhưng, khung pháp luật vẫn chưa được hình thành… Từ đó, khiến cho nhiều nhà đầu tư thứ cấp phải rời bỏ "sân chơi" Condotel. Do đó, trong năm 2021 khó mong đợi sự khôi phục của phân khúc bất động sản du lịch kiểu mới…
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng nhìn nhận, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế. Đối với thị trường bất động sản, phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Theo ông Đính, lượng giao dịch hàng hóa trên thị trường sụt giảm, lượng cung ra thị trường chỉ đạt xấp xỉ 50% so với các năm trước đó. Lượng giao dịch quý I/2020 chỉ còn trên 10%, quý II nhích lên 20%, quý III có sự cải thiện nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các năm trước.
Đại diện DKRA nhận định, trong năm 2021, bất động sản nghỉ dưỡng, nguồn cung mới Condotel và biệt thự biển có thể tăng so với năm 2020, tập trung chủ yếu ở những thị trường quen thuộc như Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, sức cầu chung toàn thị trường vẫn ở mức thấp, chưa có nhiều dấu hiệu tích cực để thay đổi đột biến.