“Cò đất” rục rịch kêu gọi đầu tư vào Ứng Hòa: Cẩn trọng “vỡ mộng”

Việt Vũ

(Dân trí) - Trước thông tin Hà Nội đề xuất xây dựng sân bay thứ 2 tại Ứng Hòa, một số môi giới BĐS tự do bắt đầu kêu gọi nhà đầu tư “đón đầu dự án”, bằng cách gom đất số lượng lớn và chờ đợi ngày lên giá.

Kêu gọi nhà đầu tư gom đất để “đón đầu dự án”

Vài ngày trở lại đây, thị trường BĐS Hà Nội bất ngờ “nóng” trở lại, sau khi Sở Kiến trúc - Xây dựng đề nghị chính quyền thành phố xem xét quy hoạch sân bay quốc tế thứ hai của Hà Nội ở huyện phía Nam Ứng Hòa.

Ngay sau thông tin này, một số môi giới BĐS tự do bắt đầu lan truyền thông tin về “cơ hội vàng” đầu tư BĐS và kêu gọi nhà đầu tư gom đất số lượng lớn, chờ đất lên giá, hoặc hưởng lợi từ việc đền bù giải phóng mặt bằng.

“Cò đất” rục rịch kêu gọi đầu tư vào Ứng Hòa: Cẩn trọng “vỡ mộng” - 1

Thị trường đất Ứng Hòa (Hà Nội) từng trầm lắng trong thời gian dài nay bỗng "dậy sóng" trước thông tin quy hoạch làm sân bay thứ 2 ở Hà Nội.

Theo ông Đỗ Duy Hòa, một nhà đầu tư BĐS tại Hà Nội, kể từ thời điểm xuất hiện thông tin trên, ông liên tục nhận hàng chục cuộc gọi chào mời đầu tư đất nền tại Ứng Hòa, với nhiều cam kết hấp dẫn.

“So với nhiều huyện ngoại thành Hà Nội, thị trường BĐS Ứng Hòa trầm lắng trong thời gian dài. Thế nhưng, chỉ với một thông tin chưa được xét duyệt đã thay đổi cục diện, khiến thị trường BĐS tại đây dậy sóng”, ông Hòa nói.

“Cò đất” rục rịch kêu gọi đầu tư vào Ứng Hòa: Cẩn trọng “vỡ mộng” - 2

Giá đất ở các vị trí trung tâm ở Ứng Hòa tăng bình quân 2- 5%/năm.

Với kinh nghiệm hơn 15 năm hoạt động trong ngành BĐS, ông Hòa cho rằng, rót vốn vào thời điểm này là vội vàng và chứa đựng nhiều rủi ro.

“Việc xây dựng sân bay Ứng Hòa mới chỉ là đề xuất, chưa được UBND Hà Nội thông qua. Thậm chí, ví trí xây dựng sân bay vẫn còn là ẩn số, nên đầu tư bây giờ là mạo hiểm”, ông Hòa chia sẻ thẳng thắn.

Liên lạc trực tiếp với một số điện thoại do ông Hòa cung cấp, người đàn ông tên L., tự xưng là nhân viên môi giới của một công ty BĐS tại Ứng Hòa khẳng định chắc như đinh đóng cột “cứ đầu tư là có lãi”.

Theo lời giải thích của L., giá đất tại Ứng Hòa đang ở mức thấp, bình quân giá đất tại các xã dao động từ 3 - 10 triệu đồng/m2, trong khi tại thị trấn Vân Đình, huyện lỵ của Ứng Hòa cao hơn, dao động từ 15 - 25 triệu đồng/m2.

Trong 5 năm gần đây, giá đất tại thị trấn Vân Đình có mức tăng bình quân khoảng 2 - 5%/năm, nhất là ở các khu vực quanh thị trấn Vân Đình, hoặc một số xã giáp với Phú Xuyên, một huyện có nhiều khu công nghiệp đang hoạt động. Như vậy, dù Ứng Hòa có được lựa chọn để xây dựng sân bay thứ 2 hay không, nhà đầu tư vẫn có lời.

“Giá đất Ứng Hòa vẫn còn “phẳng lặng” do chưa xác định được vị trí xây dựng sân bay. Do đó, thời điểm này chính là “cơ hội vàng” để đón đầu dự án. Nếu để lâu hơn, khi Hà Nội công bố vị trí xây dựng, nhiều khả năng giá đất sẽ tăng vọt, cơ hội sinh lời sẽ khó khăn hơn”, L. nói.

Cẩn trọng mắc “bẫy”

Trước những lời “mật ngọt” của môi giới, nhiều chuyên gia BĐS cho rằng, đây là cách đầu tư hết sức mạo hiểm. Bởi vị trí xây dựng sân bay thứ 2 vẫn chưa được xác định.

Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, Ứng Hòa chỉ là một trong 4 “ứng cử viên” được lựa chọn xây dựng sân bay Nam Hà Nội. Các vị trí còn lại là huyện Lý Nhân (Hà Nam), cách Hà Nội 60 - 65 km; huyện Thanh Miện (Hải Dương), cách Hà Nội khoảng 45 - 50 km và huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), cách khoảng 120 km.

“Cò đất” rục rịch kêu gọi đầu tư vào Ứng Hòa: Cẩn trọng “vỡ mộng” - 3

Các chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư cần cẩn trọng trước khi rót tiền mua đất.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia BĐS cho rằng, xu hướng “đón đầu dự án” nở rộ trong vài năm gần đây. Một số trường hợp đã mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư biết nắm bắt cơ hội, ví dụ như “đón đầu dự án” sân bay Long Thành ở Đồng Nai, hoặc “đón đầu” các dự án nghìn tỷ tại huyện Gia Lâm (Hà Nội) và Văn Giang (Hưng Yên).

Cũng có trường hợp nhà đầu tư phải nhận “trái đắng” khi “cầm đèn chạy trước ô tô”.

Ông Tuấn lấy ví dụ, vào đầu năm 2017, sau khi một dự án xây dựng sân golf cao cấp được phê duyệt tại Quảng Ninh, hàng loạt nhà đầu tư nhỏ lẻ, tại phía Bắc đã dồn vốn tại đây, khiến giá đất tăng chóng mặt chỉ trong một thời gian ngắn.

Thế nhưng, 3 năm sau, dự án này bị hủy bỏ do chủ đầu tư chủ động rút lui. Điều này khiến, nhiều nhà đầu tư ôm đất trước đó bị “vỡ mộng”, đối mặt với thua lỗ hàng tỷ đồng.

Cũng trong năm 2020, tại huyện Thạch Thất, cơn sốt đất cũng đã nhanh chóng diễn ra và chìm xuống, khi có thông tin một tập đoàn bất động sản lớn sẽ đầu tư dự án tại đây. Hiện nay, giá đất giảm xuống 3 - 4 lần so với lúc sốt.

“Không chỉ Quảng Ninh, Thạch Thất, nhiều nhà đầu tư có tâm lý “ăn xổi”, ăn theo hạ tầng cũng đã phải vỡ mộng ở nhiều dự án bị hủy, bị chậm tiến độ nhiều năm hoặc các dự án treo. Điều này cho thấy, ngay cả khi dự án đã được chính quyền địa phương phê duyệt và công bố rộng rãi cũng phải có rủi ro”, ông Tuấn nói.

Do đó, ông Tuấn khuyến cáo, với xu hướng đầu tư BĐS “ăn theo hạ tầng”, nhà đầu tư cần phải đảm bảo được 2 yếu tố. Thứ nhất, thông tin quy hoạch dự án được chính quyền địa phương công bố.

Thứ hai, ngay cả khi đã được công bố quy hoạch chi tiết, nhà đầu tư vẫn nên chờ thời điểm dự án chính thức khởi công. Tuyệt đối không nên nghe theo lời mời chào, dụ dỗ của những "cò đất" để xuống tiền mà không tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm