Chuyên gia lý giải chuyện "quan tỉnh" tăng mua nhà đất ở Hà Nội
(Dân trí) - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Thanh, chuyên gia của Viện Kinh tế Chính trị học cho rằng, việc cho phép các chủ tịch tỉnh được ký quyết định giá đất tạo kẽ hở, khiến nhiều quan chức sau khi nghỉ hưu mua được nhà, đất ở Hà Nội để ở an nhàn.
Tại Hội thảo “Quan điểm định hướng, giải pháp hoàn thiện công cụ kinh tế chuyển dịch đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại Việt Nam” do Viện nghiên cứu CIEM tổ chức tại Hà Nội sáng nay (8/8), các chuyên gia, học giả đã mổ xẻ vấn đề về giá đất, đền bù giá đất cho người dân.
Theo ý kiến của PGS Khắc Thanh, quy định hiện nay cho phép chủ tịch tỉnh có quyền ký các quyết định giá đất phát sinh nhiều vấn đề như ký quyết định mà không có quy hoạch, ký trước quy hoạch làm sau dẫn đến kẽ hở.
"Tôi biết có ông chủ tịch tỉnh sắp nghỉ hưu ký phê duyệt giá đất 14 dự án, sau đó nhà ông ấy có dám ở tỉnh mà lên Hà Nội mua nhà mua đất để ở. Ở ngay tập thể nơi tôi ở, xuất hiện nhiều lãnh đạo tỉnh, tôi không biết tên ông ấy là ai, chỉ biết mới ở các tỉnh về, họ suốt ngày chỉ quét sân, tưới cây", ông Thanh nói ví dụ.
Theo PGS, TS Nguyễn Khắc Thanh, Việt Nam cần phải cải thiện chính sách, quy định, trước khi ký phê duyệt giá đất cho dự án phải họp hội đồng nhân dân, tập trung dân chủ và có Nghị quyết Hội đồng Nhân dân mới được ký quyết định về giá đất.
"Hiện chủ tịch tỉnh ký quyết định giá một cái, dân khiếu kiện nhiều nơi, khiến cả anh em công an cũng rất khổ vì đi giải tỏa, thu hồi đất", ông Thanh nói.
PGS, TS Khắc Thanh cho rằng, giá đất thu hồi dứt khoát là phải công khai, minh bạch, công bằng, người đi trước, người đi sau không được chênh lệch về giá đền bù.
"Thực tế, những người đứng lên phản đối, đền bù sau bao giờ cũng được đền bù giá đất nhiều hơn. Còn người gương mẫu, đền bù trước họ lại được đền bù ít. Điều này không hề công bằng, điều này không khiến khiếu nại nhiều mới lạ", ông Thanh nói.
Một vấn đề lớn được ông Thanh đề cập là sở hữu đất nông nghiệp, theo ông này hiện nhiều địa phương nông thôn có những người mới sinh, thậm chí đã là thanh niên không có ruộng đất. Nhưng thực tế có ông nay đã thoát ly hàng chục năm, không hề làm ruộng, thậm chí đã là giáo sư, tiến sĩ rồi vẫn có đất nông nghiệp để cho thuê.
"Đất không sinh ra được thì lấy đất đâu cấp cho những người là con nông dân họ phải lấy ruộng đất làm sinh nhai, thế nên phát sinh chuyện phải đi thuê đất để làm", ông Thanh nói.
"Ông không làm nông nghiệp, thì sở hữu đất làm gì, còn nếu muốn sở hữu đất nông nghiệp thì đừng làm cán bộ nữa", ông Thanh nói.
Ngoài ra, vấn đề đất công sử dụng sai mục đích cũng được ông Thanh nêu: "Đất công sở, hiện nay rất nhiều nơi thừa chỗ để cho thuê làm bãi giữ xe, cho thuê làm dịch vụ. Tuy nhiên, đáng nói là Nhà nước không được thuế. Đây là bất cập lớn".
An Linh