Chủ tịch HoREA: Doanh nghiệp bất động sản có bài học nhớ đời sau Covid-19

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Doanh nghiệp bất động sản vừa trải qua thời kỳ sàng lọc, hiện tập trung vào tái cấu trúc, giải quyết bài toán nguồn vốn, phát triển sản phẩm, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) nói doanh nghiệp bất động sản đã học được bài học nhớ đời sau Covid-19. Giai đoạn khủng hoảng vừa qua là thời kỳ sàng lọc, giúp doanh nghiệp trưởng thành hơn, vững vàng hơn. Nhận định được ông nêu tại hội thảo "Khơi dòng vốn, đón cơ hội phục hồi" do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức sáng nay (29/5).

Theo ông Châu, thời gian qua, doanh nghiệp bất động sản tập trung vào tái cấu trúc, giải quyết bài toán nguồn vốn, phát triển sản phẩm. Bài toán lớn nhất là xử lý nợ trái phiếu. Nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước với thông tư gia hạn thời gian trả nợ, giãn nợ trái phiếu, doanh nghiệp có cơ chế trong xử lý nợ trái phiếu, giúp thị trường trái phiếu "hạ cánh mềm" trong thời gian qua.

Ông Châu nhận định hiện nay, doanh nghiệp giải quyết bài toán vốn là khó nhất, thứ hai là thị trường. Chỉ khi nào nhà đầu tư, người mua "xuống tiền" thì thị trường mới phục hồi cơ bản và bền vững. Ông lo ngại thị trường bất động sản vẫn thiếu nguồn cung, có sự lệch pha về cung cầu và giá nhà có thể leo thang.

Trong các phân khúc bất động sản, ông nêu điểm sáng duy nhất ở phân khúc khu công nghiệp. Nghị định 35 của Chính phủ cho phép chuyển đổi khu công nghiệp thành khu đô thị sau 15 năm hoạt động là chủ trương mới, gắn chuyện phát triển khu công nghiệp với nhà ở, nhà lưu trú cho người lao động.

Ở góc độ tổng quan, ông Châu khẳng định thị trường bất động sản có nhiều tín hiệu rõ ràng về việc đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Thị trường sẽ bắt đầu phục hồi từ cuối năm 2024, tuy chậm mà chắc.

Chủ tịch HoREA: Doanh nghiệp bất động sản có bài học nhớ đời sau Covid-19 - 1

Giới chuyên gia cho rằng ngành bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất (Ảnh minh họa: Trịnh Nguyễn)

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - nêu đến cuối tháng 4, tổng dư nợ tín dụng bất động sản tại TPHCM đạt 981.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 33% so với cả nước và tăng 1,61% so với cuối năm 2023.

Tín dụng bất động sản tăng trưởng gắn liền với những chuyển biến tích cực hơn từ thị trường này và phản ánh xu hướng tăng trưởng qua từng tháng. Nếu 2 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản giảm thì tháng 3 và tháng 4 bắt đầu tăng trở lại. Trong đó tháng 4 tăng 1,15%, cao nhất trong 4 tháng đầu năm.

Ông Lệnh đánh giá khả năng tiếp cận tín dụng của bất động sản với ngân hàng phụ thuộc 70% lý do pháp lý. Khi một dự án đầy đủ hồ sơ pháp lý, nguyên tắc tín dụng thì hệ thống ngân hàng luôn luôn đáp ứng, tiếp cận tốt khách hàng để cho vay.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM nói để khơi thông dòng vốn tín dụng, thị trường  bất động sản đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vấn đề thanh khoản cần tính "linh hoạt" của thị trường thì mới có thể tháo gỡ.

Ví dụ, tăng trưởng tín dụng lĩnh vực khu công nghiệp, khu chế xuất trong 4 tháng đầu năm tại TPHCM lên tới 9,5%, cao hơn rất nhiều so với tốc độ chung của ngành. Điều này chứng tỏ nhóm ngành nào tốt thì tín dụng đều đáp ứng và hỗ trợ. Các tổ chức tín dụng luôn sẵn sàng đáp ứng vốn của doanh nghiệp, miễn là dự án đủ điều kiện.

Để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp bất động sản, ông Hoàng Huy - Giám đốc Phòng Nghiên cứu Khách hàng Tổ chức, Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank - cho rằng các giải pháp tình thế đang được thực hiện như đàm phán gia hạn trái phiếu, tập trung vào tín dụng ngân hàng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng tăng cường huy động thêm vốn thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn. Tuy nhiên, ông Huy cho rằng kênh này vẫn đang bị "kẹt" và kỳ vọng được tháo gỡ, đẩy mạnh hơn trong thời gian tới, nhằm nâng cao nội lực cho các doanh nghiệp.