Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu: Doanh nghiệp xây dựng "ráo mồ hôi là hết tiền"
(Dân trí) - Đau đầu với vấn đề nợ đọng, nhiều nhà thầu xây dựng than thở khó chồng khó, "ráo mồ hôi là hết tiền". Hiệp hội Nhà thầu xây dựng cho rằng, cần công khai danh sách đen chủ đầu tư chây ỳ thanh toán.
Càng làm càng lỗ, nếu tiếp diễn 5 năm nữa Việt Nam sẽ không còn… doanh nghiệp xây dựng
Ngày 18/8, VCCI và Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) sẽ tổ chức hội thảo nhằm bàn về các vướng mắc liên quan đến thủ tục, thanh toán, quyết toán, tranh chấp hợp đồng, giải quyết công nợ.
Tại buổi họp báo trước hội thảo diễn ra hôm nay (10/8), lãnh đạo VACC cho biết, hầu hết nhà thầu đều bị nợ đọng, đặc biệt ở khoảng khối lượng cuối cùng còn lại (20-25%) dự án.
Thậm chí, theo VACCC, nhiều dự án đã đưa vào khai thác sử dụng vài ba năm vẫn chưa quyết toán được. Trong khi đó, nhà thầu phải vay tín dụng ngân hàng, chịu lãi suất cao dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài hết công trình này đến công trình khác.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch VACC - cho biết, nhiều nhà thầu đang bị nợ gấp mấy lần vốn chủ sở hữu, có những doanh nghiệp bị nợ đến vài nghìn tỷ đồng. Theo ông Hiệp, tình trạng nợ đọng lớn diễn ra cả ở các gói thầu vốn đầu tư công lẫn công trình vốn ngoài ngân sách.
"Rất nhiều khó khăn đến với các nhà thầu xây dựng, nếu không được tháo gỡ kịp thời cộng với việc không có công ăn việc làm, nhiều doanh nghiệp thật sự đang đối mặt với thực trạng sẽ bị phá sản…", ông Hiệp nhấn mạnh.
Theo đại diện Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, tình trạng chậm thanh toán là vấn đề nhức nhối. "Nợ đọng không chỉ 5 năm gần đây mà còn có khoản kéo dài trên 10 năm gây không ít hệ lụy cho doanh nghiệp", vị này cho biết.
Theo báo cáo, hiện doanh nghiệp này có 1.280 hợp đồng có giá trị công nợ phải thu. Tổng số nợ phải thu tính đến 31/3 là 1.539 tỷ đồng. Trong đó, nợ ở các công trình mà chủ đầu tư là đơn vị quản lý vốn Nhà nước là hơn 1.000 tỷ đồng, còn lại là tư nhân. Một số khoản nợ kéo dài trên 5 năm có giá trị gần 150 tỷ đồng.
Đề cập tới một loạt khó khăn của doanh nghiệp xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp nhắc lại: Càng làm càng lỗ, nếu tiếp diễn 5 năm nữa Việt Nam sẽ không còn… doanh nghiệp xây dựng.
Theo ông Hiệp, các doanh nghiệp xây dựng phải vay tiền về thi công. Nợ gấp đôi vốn hiện có, mà lãi suất đi vay thì 9-10% thì làm bao nhiêu cho kéo lại được. Rồi lại phải nợ, lấy nợ để trả nợ. "Ráo mồ hôi là hết tiền là câu cửa miệng của tất cả doanh nghiệp làm xây dựng hiện nay", ông Hiệp nói.
Với các dự án đầu tư công, ông Hiệp cho biết, nợ đọng chủ yếu là do thủ tục thanh quyết toán rất phức tạp, đặc biệt các công trình có khối lượng phát sinh. Nhiều công trình đầu tư công có nợ đọng rất lớn.
Còn với dự án vốn ngoài ngân sách, ông Hiệp cho biết, là do nhiều chủ đầu tư (chiếm 20-30%) năng lực kém về tài chính, vay mượn "tắc", không có tiền trả cho nhà thầu, không bán được hàng. Một số khác bị nợ đọng là do chủ đầu tư chây ỳ. Còn lại nhiều dự án vô cùng khó khăn.
Trong khi đó nhà thầu vẫn phải thực hiện tiến độ. Bởi theo ông Hiệp, nếu không làm thì bị phạt tiến độ. Còn nếu muốn làm thì phải đi vay, không trả được thì ngân hàng siết nợ.
Công khai danh tính chủ đầu tư chây ỳ
Để tháo gỡ khó khăn về nợ đọng, đại diện Tập đoàn Cienco4 kiến nghị chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán, ít nhất 30% cuối cùng của dự án hoặc về cơ chế của chủ đầu tư cũng phải đảm bảo hết tiền cho nhà thầu rồi mới được đưa công trình vào sử dụng.
Còn theo đại diện Tổng công ty Cơ khí Xây dựng, một trong những thủ tục gây phiền hà và thiệt hại cho nhà thầu là quy định về phê duyệt quyết toán. "Nhà thầu thi công, có sự giám sát nhiều bên liên quan, có khối lượng thực hiện và xác định được giá trị thanh toán, hợp đồng thỏa thuận giữ lại tỷ lệ % để bảo hành và chờ phê duyệt quyết toán, nhưng nhiều khi hết hạn bảo hành 5-10 năm vẫn chưa phê duyệt được quyết toán", đại diện Tổng công ty Cơ khí Xây dựng cho biết.
Doanh nghiệp này cũng chỉ ra thực tế là "tâm lý chung ai cũng sợ trách nhiệm, ai cũng sợ mình làm sai, nên tất cả cứ tròn vo, đùn đẩy trách nhiệm, nhất là cơ quan quản lý Nhà nước. Hệ thống quy định về hồ sơ thanh toán quá rườm rà, phức tạp, nhiều loại giấy tờ, biểu mẫu…".
Còn về lâu dài, ông Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị các cơ quan chức năng cần thống kê lại xem chủ đầu tư nào chây ỳ, không nghiêm chỉnh thì công bố, công khai trên trang website của các Sở Kế hoạch và Đầu tư…
"Công bố ra để các ông chây ỳ hết cửa quay lại tỉnh đó. Đó chính là biện pháp tháo gỡ, làm chủ đầu tư nghiêm túc hơn", ông Hiệp nói và cho rằng, nếu kiến nghị này được chấp thuận, chủ đầu tư chắc chắn sẽ rất "ngại" chây ỳ.
Còn về cơ chế thanh toán của các chủ đầu tư, Chủ tịch VACC cũng cho rằng cần xem xét để phù hợp thông lệ quốc tế. Chẳng hạn như cơ chế hợp đồng trọn gói, đơn giá không điều chỉnh trong bối cảnh giá vật liệu tăng quá cao dẫn đến nhà thầu rất khó khăn.
Ông Hiệp cũng cho biết, đã có kiến nghị với Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao rà soát lại toàn bộ nợ đọng đầu tư công từ trước đến nay.
"Nhiều doanh nghiệp sợ nợ đầu tư công. Trong khi đó, nhiều cán bộ nói đầu tư công "tiền đang tiêu không hết, làm gì có chuyện nợ". Thực tế đúng là không phải thiếu tiền mà là do thủ tục. Bên cạnh đó, nợ đọng chủ yếu là nợ vài ba năm. Giờ người ta quan tâm những dự án trước mắt, còn dự án cũ tồn lại, tắc lại", ông Hiệp chia sẻ và cho rằng cần có những biện pháp xử lý dứt điểm.
Với công trình sử dụng vốn ngoài ngân sách, Chủ tịch VACC đề nghị biện pháp lâu dài là cần có chủ trương giao cho 2 bộ (Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thống nhất trong cơ chế về hợp đồng, tức là 20% cuối cùng buộc có bảo lãnh thanh toán.
Mặc dù đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị song ông Hiệp vẫn nhấn mạnh cần phải có phương án "bêu tên" chủ đầu tư chây ỳ. "Nếu cơ quan chức năng không làm, Hiệp hội nhà thầu sẽ cân nhắc tự làm. Có danh sách đen của nhà thầu thì cũng cần công bằng là có danh sách đen chủ đầu tư chây ỳ", ông nói.