Chủ đầu tư Dự án 167 Thụy Khuê nói gì về thông tin "không đấu giá, gây thất thu ngân sách"?

Trường Thịnh

(Dân trí) - Công ty CIRI khẳng định Dự án 167 Thụy Khuê tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật hiện hành, không vi phạm pháp luật.

Ngày 23/7, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo kết luận thanh tra số 1183/TB-TTCP về "Một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Thành phố Hà Nội (giai đoạn 2003 - 2016)".

Theo Thanh tra Chính phủ, quy định tại Quyết định 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp có quyền sử dụng đất cũ phải di dời được phép hợp tác đầu tư với nhà đầu tư khác để thực hiện dự án. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội không có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể, nên các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển nhượng mục đích sử dụng đất đầu tư dự án kinh doanh, xác định giá trị lợi thế thương mại chưa sát với thị trường.

Chủ đầu tư Dự án 167 Thụy Khuê nói gì về thông tin không đấu giá, gây thất thu ngân sách? - 1

Toàn cảnh Dự án 167 Thụy Khuê (Hà Nội).

Kết luận thanh tra cho thấy, một số doanh nghiệp khi lựa chọn nhà đầu tư đưa lợi thế đất để đấu giá đã thu về cho Nhà nước số tiền lớn như: Dự án 31 Láng Hạ, 378 Minh Khai…; doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ) thu được thấp như: Dự án số 1 Phùng Chí Kiên; Dự án tại 365A Minh Khai; Dự án 167 Thụy Khuê; Dự án 69 Vũ Trọng Phụng; Dự án 47 Nguyễn Tuân; Dự án 108 Nguyễn Trãi; Dự án 44 Yên Phụ, Dự án tại 430 Cầu Am…".

Kết luận thanh tra đồng thời chỉ rằng: "Việc pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển nhượng mục đích sử dụng đất thực hiện dự án, đây là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách Nhà nước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án đất ở những vị trí đắc địa".

Tuy nhiên, trên thị trường lại xuất hiện thông tin trích dẫn không đầy đủ từ thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ, dẫn đến thông tin được phản ánh không đúng bản chất sự việc về Dự án 167 Thụy Khuê.

Chủ đầu tư Dự án 167 Thụy Khuê nói gì về thông tin không đấu giá, gây thất thu ngân sách? - 2

Nội thất và thiết kế căn hộ của tòa nhà.

Trước sự việc này, Công ty CP Quan hệ Quốc tế Đầu tư Sản xuất (viết tắt là Công ty CIRI) - chủ đầu tư dự án Dự án 167 Thụy Khuê (Hà Nội), cho biết: "Với vai trò là nhà đầu tư, xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện (lập dự án từ khâu thu hồi giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đến khâu thiết kế, cấp chứng nhận đầu tư, cấp phép xây dựng), chúng tôi đã tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật về đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng...

Ngoài ra, tại thời điểm triển khai năm 2004, không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về việc phải tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án".

Dẫn các căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện Dự án 167 Thụy Khuê, gồm: công văn số 1691/UB-CN ngày 16/5/2004, UBND TP Hà Nội đã đồng ý để Công ty Giầy Thụy Khuê chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại 167 Thụy Khuê để thực hiện dự án đầu tư theo quy hoạch của thành phố và liên doanh với Công ty CIRI để thực hiện dự án; công văn số 2207/UBND-CN ngày 26/5/2006; căn cứ Quyết định số 5174/QĐ - UBND ngày 5/10/2009..., Công ty CIRI khẳng định "đã thực hiện đúng các quy định pháp luật về việc triển khai thực hiện Dự án 167 Thụy Khuê".

Về tên Dự án 167 Thụy Khuê được nhắc đến một lần trong kết luận Thanh tra, chủ đầu tư này cho hay "không có bất kỳ kết luận nào nói Dự án 167 Thụy Khuê có vi phạm các quy định về đấu giá và triển khai thực hiện dự án. Và thực tế CIRI đã hoàn thành tất cả các nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành".