Tọa lạc ở cù lao An Bình, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, ngôi nhà độc đáo được làm từ 4000 cây dừa của vợ chồng ông Dương Văn Thưởng (80 tuổi) và bà Nguyễn Ngọc Giác trở nên nổi bật giữa vùng quê sông nước.
Sinh ra và lớn lên ở miền Tây, cả tuổi thơ gắn liền với những cây dừa, ông Thưởng luôn ấp ủ ước mơ xây dựng một ngôi nhà theo kiểu Nam Bộ truyền thống bằng chất liệu quen thuộc của làng quê mình. Cây dừa vốn thân thuộc với cuộc sống người dân miền Tây nhưng lấy gỗ dừa để xây cất nhà được cho là hiếm thấy. Bởi do đặc tính gỗ dừa khá đặc biệt, gồm nhiều thớ đan kết vào nhau và tạo thành lớp, chỉ khi cây dừa đạt độ từ 30 tuổi trở lên mới có thể dùng được. Riêng làm cột thì dừa phải có tuổi từ 60 - 70 mới đủ độ cứng và bền. Ông Thưởng cho biết, để xây dựng căn nhà theo đúng mong muốn, ông phải mất 10 năm từ khi lên ý tưởng đến lúc hoàn thiện. Năm 2009, sau khi bàn bạc, cả gia đình ông bắt tay vào quy hoạch khu đất rộng 4.000m2 của gia đình để trồng cây dừa theo hàng lối, tạo cảnh quan đẹp mắt xung quanh nhà. Đến năm 2017, ông mời những nghệ nhân có tiếng, thợ lành nghề về xây dựng công trình. Gia đình ông lặn lội khắp các tỉnh miền Tây, tìm mua những cây dừa già đã hết cho trái với tuổi đời từ 80-100 năm chủ yếu từ Bến Tre, Vĩnh Long. Sau khi mua về, những cây dừa được đem đi ngâm nước suốt 1 năm rồi xử lý thuốc mối mọt kỹ lưỡng. Nhờ đó cây có độ bền rất cao, không thua kém chất liệu từ bê tông cốt thép. Ngôi nhà của vợ chồng ông Thưởng là kiểu nhà truyền thống đậm nét văn hóa Nam Bộ với kiến trúc 3 gian 2 chái. Căn nhà chính có diện tích 300 m2 với các cột, kèo, cửa, nội thất... đều từ gỗ dừa. Toàn bộ ngôi nhà được chống đỡ với 36 cột vững chãi. Bà Giác, vợ ông Thưởng cho biết, toàn bộ công trình sử dụng khoảng 4.000 cây dừa, riêng căn nhà là 1.700 cây. Tất cả đều có tuổi thọ trên 50 năm.
Những cây dừa tiểu cảnh trong khu quần thể đã được trồng từ 6 năm trước. Ngoại trừ phần mái ngói, tất cả các chi tiết trong nhà, từ cột kèo, lam, vách đến món đồ nội thất trang trí, đồ sinh hoạt đều được làm từ các phần của cây dừa: thân, rễ và gáo dừa. Cũng nhờ làm bằng chất liệu tự nhiên nên không gian trong nhà luôn mát mẻ và thoáng đãng.
Tủ thờ, trường kỷ, hoành phi… đến bàn ghế, đèn trang trí, mành cửa… đều được chế tác công phu, tỉ mỉ với vẻ đẹp nghệ thuật tinh tế nhưng cũng vô cùng giản dị từ dừa. Trong phòng khách treo những bức tranh chế tác từ gỗ dừa với cảnh quan về sông nước miền Tây. Đặc biệt, 4 bức tượng Phúc – Lộc – Thọ và Phật Di Lặc được làm từ gỗ dừa, đặt ngay trước cửa tạo điểm nhấn độc đáo cho ngôi nhà. Những gáo dừa khô treo trên cây không chỉ để trang trí, làm đèn thắp sáng mà còn được tái chế thành chậu treo trồng cây cảnh. Hiện nay, công trình nhà dừa của vợ chồng lão nông này đã trở thành một trong địa điểm thu hút rất nhiều khách du lịch tại Vĩnh Long. Đến đây, du khách còn có cơ hội thưởng thức những giai điệu tài tử ngọt ngào mà nhạc cụ chính là những bộ đờn dừa. Được biết, sau 1 năm rưỡi với sự đóng góp của 30 thợ thầy, công trình đã được hoàn thiện. Để xây dựng quần thể độc lạ này, gia đình ông Thưởng sử dụng khoảng 4.000 cây dừa với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng.