Chiêu "góp vốn đầu tư", địa ốc Alibaba tung ra hàng ngàn sản phẩm "ma"

(Dân trí) - Chỉ khoảng 3 năm qua, địa ốc Alibaba đã "làm mưa làm gió" thị trường bất động sản Đông Nam Bộ với gần 50 dự án (khoảng 20.000 sản phẩm). Tuy nhiên, điều đáng báo động là hầu hết các dự án đều "có vấn đề" về pháp lý.

Công ty cổ phần địa ốc Ailibaba chỉ mới xuất hiện trên thị trường địa ốc vài năm qua nhưng đã tạo nên một tên tuổi đáng gờm khi công bố triển khai hàng loạt dự án bất động sản tại TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận...

Chiêu góp vốn đầu tư, địa ốc Alibaba tung ra hàng ngàn sản phẩm ma - 1
Công ty CP Địa ốc Alibaba rao bán nhiều dự án “ma” tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ

Sau khi bị "bóc mẽ" tại dự án đất nền... trên giấy tại huyện Củ Chi, TPHCM, địa ốc Alibaba chuyển hướng về Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với hoạt loạt dự án "khủng" được công bố.

Tại Đồng Nai, Alibaba rao bán rầm rộ hàng loạt dự án ở những vị trí đắc địa. Cụ thể, ngay huyện Long Thành, nơi có dự án sân bay quốc tế Long Thành, Alibaba rao bán các dự án khu dân cư: Alibaba Long Thành, Alibaba An Phước, Alibaba Long Phước, Alibaba Bàu Cạn…

Alibaba cũng rao bán dự án tại xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc. Mới đây nhất, Alibaba còn tung ra thị trường dự án Ali Aqua Nhơn Trạch, được quảng cáo là “Một siêu dự án mang đẳng cấp Nhật Bản”.

Theo thống kê của tỉnh Đồng Nai, Alibaba đang rao bán đến 29 dự án đất nền, trong đó nhiều nhất là tại huyện Long Thành với 27 dự án, Xuân Lộc và Nhơn Trạch mỗi huyện có 1 dự án.

Tuy nhiên, tất cả các dự án mà công ty này rao bán đều chưa được UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, địa ốc Alibaba cũng đang "làm mưa làm gió" với hàng loạt dự án "khủng".

Theo xác minh của công an tỉnh này thì Alibaba đang phân phối chuyển nhượng đất nền 7 dự án tại thị xã Phú Mỹ với tổng cộng 3.333 nền đất, thu về số tiền hơn 771 tỷ đồng.

Alibaba triển khai quảng cáo rầm rộ, dắt khách đi xem tại dự án Khu dân cư Tân Thành Center City 1, 3 (xã Châu Pha) và 3 khu đất tại xã Tóc Tiên.

Cũng như Đồng Nai, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, các dự án của Alibaba đều trong tình trạng chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý, vướng quy hoạch. Đa phần dự án chưa được cấp phép đầu tư, không có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, không có giấy phép cải tạo mặt bằng, xây dựng hạ tầng, chưa tách thửa, chưa nghiệm thu hạ tầng nhưng Alibaba rao bán ồ ạt.

Mới đây nhất, thông tin địa ốc Alibaba đã "tiến quân" đến tỉnh Bình Thuận khiến địa phương này "mất ăn, mất ngủ".

Cụ thể, giữa tháng 6 vừa qua, tại TPHCM, Alibaba đã tổ chức rầm rộ lễ mở bán dự án Alibaba Thắng Hải Newtimes City.

Alibaba tổ chức đưa rất nhiều khách hàng đến khu vực được cho là đất dự án ở xã Thắng Hải, Hàm Tân, Bình Thuận.

Alibaba quảng bá về dự án Alibaba Thắng Hải Newtimes City là một "siêu phẩm", "đất nước Singapore thu nhỏ tại Bình Thuận" kèm theo thông tin giới thiệu dự án có diện tích 35 ha, đã được phân ra hơn 1.800 nền, giá bán 1,9 triệu/m2. Công ty này kêu gọi khách hàng đặt cọc, đầu tư vào dự án này với cam kết "sau 1 năm sẽ thu về 38% lợi nhuận".

Tuy nhiên, ông Xà Dương Thắng, Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận khẳng định trên địa bàn không hề có dự án nào của Alibaba đăng ký đầu tư. Cơ quan chức năng xác định, chiêu thức của địa ốc Alibaba "gom" đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm. Alibaba đầu tư hạ tầng chỉ là những con đường nhựa mỏng, tự "vẽ" nên dự án đất nền rồi đem rao bán, chiêu dụ khách hàng... xuống tiền.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, Alibaba "lách luật" bằng cách chia nhỏ thành các lô đất nông nghiệp thành diện tích 500m2 để được tách thửa. Sau đó, công ty này cho sale mời chào nhiều nhà đầu tư cùng góp vốn vào dự án “ma” do công ty này vẽ ra, đứng tên riêng hoặc chung trên sổ đỏ nên không vi phạm về diện tích tối thiểu do các tỉnh quy định.

Khi khách hàng đóng đủ 95% số tiền, công ty sẽ làm hợp đồng mua bán và ra sổ đỏ. Trường hợp chậm giao đất sẽ trả thêm lãi suất cho người đầu tư. Đây là nguyên nhân mà cơ quan chức năng khó xử lý hình sự Alibaba về hành vi lừa đảo khách hàng.

Chiêu góp vốn đầu tư, địa ốc Alibaba tung ra hàng ngàn sản phẩm ma - 2
Chiêu "góp vốn đầu tư", địa ốc Alibaba tung ra hàng ngàn sản phẩm "ma"

Thạc sĩ, luật sư Thái Văn Chung cho rằng, việc hợp tác “góp vốn hợp tác đầu tư” trong lĩnh vực bất động sản chỉ áp dụng đối với việc huy động vốn để phát triển các dự án xây dựng nhà ở, chứ không áp dụng để góp vốn trong các dự án bất động sản phân lô, bán nền đất.

"Có thể nhận định Công ty Alibaba và các công ty thành viên nhận góp vốn đầu tư của khách hàng dưới mọi hình thức như cái gọi là “hợp đồng quyền chọn”, “thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất”, thậm chí nhiều trường hợp khách hàng đã góp đến 95%/giá trị hợp đồng ngay sau khi ký, nhưng công ty này không phát triển các dự án về nhà ở, không đáp ứng đầy đủ điều kiện nêu trên là trái quy định của pháp luật", luật sư Chung nói.

Công Quang