Chặn cá nhân mua bất động sản để lấy quốc tịch ngoại: Khó...
Quy định mới chỉ giúp công tác quản lý nhà nước thuận lợi hơn chứ không chặn được hiện tượng chuyển tiền ngầm ra nước ngoài
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có dự thảo về việc ban hành nghị định của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài. Theo đó, Nghị định bổ sung điều kiện nhà đầu tư phải là pháp nhân để giúp công tác quản lý nhà nước thuận lợi và chặt chẽ hơn, tránh tình trạng cá nhân đầu tư bất động sản để định cư ở nước ngoài mà không nhằm mục tiêu đầu tư, kinh doanh.
Bình luận về việc này, chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển cho biết, quy định trên không mới. Thực tế, Nhà nước Việt Nam cho phép cá nhân, tổ chức được phép gửi tiền sang bên nước ngoài nhưng việc gửi tiền phải có mục đích và nằm trong những trường hợp được cho phép chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài theo quy định tại các chính sách điều hành tiền tệ tại Việt Nam.
Theo đó, một cá nhân chỉ được chuyển tiền một chiều, mua, mang tiền từ Việt Nam ra nước ngoài với những mục đích như: phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ, học tập, chữa bệnh, đi công tác, du lịch, chuyển tiền thừa kế...
Cũng theo quy định cá nhân xuất cảnh được phép mang ra nước ngoài 5.000 USD không cần khai báo Hải quan. Nếu mang số tiền hơn lớn sẽ phải khai báo hải quan.
Như vậy, Nghị định chỉ là làm rõ thêm những quy định của luật, chứ không phải quy định mới.
Tuy nhiên, ông Hiển cho rằng, với việc đưa ra các quy định này cũng đồng nghĩa với những hình thức quảng cáo, mời gọi định cư ở nước ngoài kết hợp hình thức đầu tư sẽ không được phép xuất hiện ở Việt Nam.
Vì, khi luật đã quy định không cho phép một cá nhân được đầu tư nước ngoài thì những hình thức quảng cáo nói trên là không phù hợp và trái pháp luật.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng lưu ý, nhu cầu cư trú, sinh sống, làm việc của người Việt Nam tại nước ngoài ngày càng tăng cao, như vậy, chuyển tiền ra nước ngoài cũng ngày càng tăng cao. Ngoài việc chuyển tiền bằng các con đường chính thức, hợp pháp, thì cũng có rất nhiều hình thức chuyển tiền ra nước ngoài theo con đường bất hợp pháp, hay nói cách khác là thông qua việc rửa tiền và tham nhũng.
Ví dụ như chuyển tiền thông qua hình thức buôn lậu; chuyển tiền dưới hình thức hoán đổi nội tệ với ngoại tệ trực tiếp thông qua giao dịch trung gian; chuyển tiền thông qua một loại tiền ảo tồn tại dưới dạng mật mã trên máy tính; thông qua đầu tư BĐS...
Như vậy, muốn bịt được các lỗ hổng trong quản lý tiền tệ, cũng như hạn chế, kiểm soát được các hình thức đầu tư trá hình, chuyển tiền ngầm ra nước ngoài, vị chuyên gia cho rằng: khó. Các nước trên thế giới cũng vẫn đang đau đầu với thực trạng này.
Tại Việt Nam, muốn hạn chế được tình trạng chuyển tiền ra nước ngoài không cách nào khác là phải chi tiết, cụ thể hóa từng quy định trong luật. Hạn chế sử dụng tiền mặt, lập ra các rào cản về luật pháp, tăng cường tuyên truyền tới các tổ chức tài chính về những mối nguy hại từ những dòng tiền này, để họ luôn đề cao cảnh giác.
Đồng quan điểm, LS Trương Xuân Tám cũng khẳng định, các quy định về đầu tư ra nước ngoài đã được quy định rất chặt chẽ, theo đó, những cá nhân hay một pháp nhân muốn đầu tư ra ngoài phải có dự án đầu tư và được bộ KH-ĐT cấp phép...
Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều trường hợp đầu tư chui để lấy quốc tịch, định cư tại nước ngoài. Những trường hợp này là đầu tư chui và không được bộ KH-ĐT cấp phép, vì thế không quản lý được.
Trong khi, ở nước ngoài chính sách chứng nhận đầu tư, ưu đãi nhập quốc tịch rất đơn giản, chỉ cần có tiền chuyển sang là được chứng nhận.
Như vậy, việc quy định thêm điều kiện nhà đầu tư phải là pháp nhân mới được đầu tư ra nước ngoài cũng chỉ giúp công tác quản lý nhà nước thuận lợi và chặt chẽ hơn chứ không chặn được hoàn toàn hiện tượng âm thầm đầu tư chui, chuyển tiền ra nước ngoài vì mục đích định cư.
Nếu không có dự án, không xin phép, không đăng ký thì không thể quản lý được.
Để hạn chế tình trạng này, vị LS cho rằng cần tăng cường các giải pháp quản lý tiền tệ, thực hiện các chế tài xử lý thật nghiêm. Ông lấy ví dụ như quy định về rửa tiền đã có nhưng trên thực tế rất khó chứng minh hoặc xử lý được các hành vi rửa tiền. Vì thế, quy định cũng cần phải làm rõ hơn, chi tiết hơn.
Điều này cũng cho thấy mọi quy định đã có nhưng quá trình thực hiện còn chưa chặt chẽ, chưa tốt, điểm này cần phải được làm rõ và bịt chặt thì mới mong hạn chế được tình trạng chuyển tiền lậu, đầu tư chui ra nước ngoài.