Cặp đôi nhịn đi du lịch 2 năm để cải tạo căn hộ nhỏ thêm phòng ngủ
(Dân trí) - Giá căn hộ leo thang tại trung tâm các thành phố lớn khiến người trẻ gặp khó khăn trong việc mua nhà. Thay vào đó, căn hộ nhỏ ít phòng ngủ trở thành sự lựa chọn bất đắc dĩ của nhiều gia đình trẻ.
Theo báo cáo của Savills về tình hình tiêu thụ căn hộ trong 6 tháng đầu năm, số lượng căn hộ bán trong quý II khoảng 4.800 căn. Trong đó, số lượng giao dịch phân khúc căn hộ hạng B và C chiếm 94%. Giá chào bán sơ cấp trung bình là 1.625 USD/m2 (tăng 7% theo quý và 11% theo năm), các dự án hạng B tăng mạnh nhất đạt mức 13% theo năm.
Cũng theo báo cáo này, đây là quý thứ mười liên tiếp giá bán sơ cấp tăng. Nguồn cung ít, cơ sở hạ tầng được cải thiện, tiêu chuẩn phát triển cao hơn và giá thép tăng gần đây đã dẫn đến sự gia tăng mạnh về giá căn hộ. Từ năm 2017, thậm chí, giá sơ cấp đã tăng 14% mỗi năm tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), nơi có các cơ sở chăm sóc sức khỏe và giáo dục có chất lượng.
Giá căn hộ leo thang tại trung tâm các thành phố lớn khiến người trẻ càng gặp khó khăn trong việc mua nhà. Thay vào đó, căn hộ nhỏ ít phòng ngủ trở thành sự lựa chọn bất đắc dĩ.
Anh Nguyễn Xuân Trường (Cầu Giấy, Hà Nội) đã ở xa trung tâm nhiều năm. Nhưng muốn cho con học các trường điểm, nên vợ chồng anh "cắn răng" mua căn chung cư một phòng ngủ ở quận trung tâm để tiện cho con gái đi học.
Song, nhà diện tích nhỏ, nên mọi sinh hoạt rất bất tiện. Nếu không được sắp xếp hài hòa sẽ vô tình đẩy căn nhà rơi vào cảnh "chuồng lợn". Chưa kể, theo anh Trường, ông bà nội ngoại ở quê lên chơi thiếu chỗ ngủ cũng là vấn đề nan giải.
"Mùa dịch, bà ở quê lên trông cháu khiến không gian riêng tư trở nên hiếm hoi hơn. Bởi, bà ngủ trong phòng với cháu, còn vợ chồng tôi phải trải đệm ra phòng khách", anh Trường chia sẻ.
Cũng theo anh Trường, gia đình anh đã mua thử các loại ghế sofa đa năng để sử dụng nhưng chi phí đắt đỏ, chất lượng của các sofa cũng không thực sự tốt. Hơn nữa, điều quan trọng nhất là không gian riêng tư của các thành viên trong gia đình lại không đáp ứng được.
Chung cảnh ngộ với anh Trường, chị Khánh Linh (Minh Khai, Hà Nội) cùng chồng và hai con sinh sống trong căn hộ gần 60 m2. Dù nhà có 2 phòng ngủ, nhưng từ năm ngoái, bà nội và bà ngoại thường xuyên thay nhau lên giúp vợ chồng chị trông con mùa dịch nên nhà lại trở nên chật chội.
Chị Linh cho biết, nằm với các cháu không quen, các bà thường ra phòng khách để ngủ. Thấy quá bất cập, chị đã bàn với chồng lấy số tiền dành dụm đi du lịch 2 năm để cải tạo lại phòng khách thành phòng ngủ.
"Tôi tìm kiếm trên mạng rất nhiều thông tin về việc cải tạo lại phòng khách thành phòng ngủ hoặc các phòng đa chức năng. Tuy nhiên, các thiết kế trên mạng đơn thuần chỉ đặt sofa giường hoặc ghế đa năng ở phòng khách. Nó chỉ đáp ứng nhu cầu cơ bản, không mang lại cảm giác riêng tư", chị Linh cho hay.
Tìm hiểu qua vài người bạn, chị Linh và chồng đã quyết định thiết kế lại phòng khách theo phong cách Nhật Bản. Theo đó, bộ sofa sẽ được bỏ đi và thay bằng một khu riêng với bục gỗ cao hơn để tạo không gian tách biệt.
Theo chị Linh, khu vực này vừa là nơi tiếp khách, vừa có thể trở thành chỗ ngủ, chỗ chơi cho các thành viên trong gia đình nếu bỏ bàn trà ra ngoài.
"Cả nhà tôi cũng có thể nằm xem phim, hoặc để đồ ở các ngăn kéo phía dưới bục", chị Linh nói và cho biết thêm, do tiền tiết kiệm từ du lịch không nhiều, nên gia đình chị chỉ thi công lại hơn 20 m2 phòng khách bằng gỗ công nghiệp. Tính ra, số tiền cả thiết kế và thi công chỉ khoảng hơn 30 triệu đồng.
Trước đây, phong cách Nhật Bản thường chỉ được những người Nhật làm việc tại Việt Nam, hoặc người Việt đã sống và làm việc tại Nhật ưa thích. Nhưng hiện nay, do tính đa dụng, phong cách thiết kế Nhật Bản lại đang được ưa chuộng ở các thành phố lớn khi nó giúp cho căn hộ nhỏ trở nên gọn gàng và hài hòa hơn.