Cảnh sống tồi tệ trong những căn hộ bị "mổ xẻ" ở Hồng Kông

Thảo Lê

(Dân trí) - Sống ở thành phố đắt đỏ nhất thế giới, nhiều người dân Hồng Kông đang phải đối mặt với điều kiện sinh hoạt tồi tệ trong những căn hộ bị "chia năm xẻ bảy".

Gia đình 5 người của Lam đã mòn mỏi chờ được chuyển đến khu nhà ở công cộng suốt bảy năm qua. Họ hiện đang sống trên tầng thượng của một tòa nhà chung cư ở Sham Shui Po, Hồng Kông và phải leo 10 tầng thang bộ mỗi khi về nhà.

"Toàn bộ tòa nhà đã bị chia năm xẻ bảy. Bên trong, bạn có thể thấy rất nhiều căn hộ bị chia nhỏ. Môi trường ở đây thật kinh khủng", Lam chia sẻ.

Cảnh sống tồi tệ trong những căn hộ bị mổ xẻ ở Hồng Kông - 1
Căn hộ của gia đình Lam nằm trên tầng thượng của tòa chung cư, nơi các cư dân khác phơi quần áo. Ảnh: K. Y. Cheng.

Ban đầu chỉ có 18 căn hộ trong tòa chung cư này, nhưng hiện giờ đã lên tới 56. "Căn hộ chia nhỏ" trong tiếng gốc Quảng Đông là "tong fong" hay "nhà bị mổ xẻ", phản ánh những điều kiện sống khốn khổ mà người thuê đang phải đối mặt.

Không gian sống không phải là thứ duy nhất bị chia nhỏ. Các đường ống của tòa nhà cũng vậy - điều được cho là làm gia tăng nguy cơ mắc Covid-19 trong cộng đồng dân cư. Ngay cả khi việc này không xảy ra, các đường ống vẫn thường xuyên bị rò rỉ.

Trên thực tế, khi leo lên nhà của Lam, dễ dàng thấy nước lênh láng ở tầng 7. Cô nói điều này không có gì lạ và may mắn khi đó chỉ là nước sinh hoạt. Việc nhà vệ sinh thường xuyên hư hỏng mới là điều đáng lo ngại. "Thật bẩn thỉu. Mùi hôi thối rất kinh khủng. Cách đây vài ngày, nhà vệ sinh ở một tầng bị hỏng và rò nước", Lam nói với nét mặt ghê sợ.

Căn hộ một phòng ngủ của Lam rộng 26m2, được nhận xét là đỡ tồi tàn hơn so với những căn hộ bên dưới. Tuy nhiên, nơi đây lại không hề kiên cố với mái tôn và tường gạch dày. Độ an toàn và an ninh cũng kém hơn nhiều.

Vào mùa đông, gia đình Lam không chỉ phải chịu đựng cái lạnh xuyên qua 4 bức tường, mà còn thiếu nước nóng sinh hoạt. Nhưng với Lam, mùa đông như vậy còn dễ chịu hơn mùa hè. Gia đình cô chỉ có thể mua một máy lạnh lắp trong phòng ngủ. Cái còn lại ở phòng khách, bị hỏng từ khi họ dọn đến nhưng chủ nhà cũng không sửa. Tuy nhiên, ngay cả khi nó hoạt động, Lam cho biết gia đình cô không đủ khả năng để sử dụng. Vì vậy, họ tránh ở nhà càng lâu càng tốt vào mùa hè. "Bên trong giống như cái lò", Lam nói.

Điều may mắn là Lam làm công việc dọn dẹp 2 tiếng/ngày tại một trung tâm từ thiện. Chủ của Lam cho phép cô ở cùng các con cho đến khi xong việc.

Cảnh sống tồi tệ trong những căn hộ bị mổ xẻ ở Hồng Kông - 2
Những căn hộ bị "mổ xẻ" ở Hong Kong với điều kiện sống tồi tệ. Ảnh: Shutterstock.

Hồi năm ngoái, tiền thuê nhà của Lam đã tăng từ 4.300 HKD (559 USD) lên 4.500 HKD (585 USD) mỗi tháng. Cô nói mức giá này không quá tệ, nhưng các hóa đơn khiến gia đình cô chật vật. Lam phải trả hơn 400 HKD (52 USD)/tháng tiền điện nước. Các hóa đơn sẽ đến tay chủ nhà rồi được chia đều cho người thuê theo bình quân đầu người. Không cư dân nào biết họ thực sự sử dụng bao nhiêu điện và nước.

Quá tải là vấn đề phổ biến trong các tòa chung cư ở Hồng Kông. Tháng 4 năm ngoái, chính quyền thành phố đã thành lập đội đặc nhiệm chuyên kiểm soát việc thuê nhà ở những căn hộ chia nhỏ, nhằm tăng cường hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Tuy nhiên, lực lượng này chỉ có thể đề nghị người thuê nhà giải quyết vấn đề với cơ quan quản lý nước. Thu phí quá mức là bất hợp pháp và nếu bị phát hiện, chủ nhà có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 10.000 HKD (1.300 USD). Thực tế, chưa từng có chủ nhà nào bị kết tội.

Chồng của Lam là một công nhân xây dựng, từng kiếm được 20.000 HKD/tháng (2.600 USD). Vì công việc của anh không bị ảnh hưởng bởi đại dịch nên gia đình không thể xin trợ cấp hay phúc lợi. Khi người chủ ngừng trả lương cho chồng Lam trong ba tháng, họ phải dùng đến số tiền tiết kiệm ít ỏi để duy trì cuộc sống.

Cuộc đấu tranh để sống là guồng quay không ngừng nghỉ, trong khi chi phí cứ ngày một chồng chất. Tiền sinh hoạt luôn hết trước cuối tháng và có một tài khoản tiết kiệm chỉ là giấc mơ xa vời.

"Chúng tôi phải dè sẻn mọi thứ. Thức ăn hàng ngày thôi cũng là một vấn đề. Chúng tôi để bọn trẻ ăn trước, sau đó ăn hết những gì còn sót lại. Đôi khi, chúng tôi chia nhau vài mẩu xương", Lam cười nhẹ nói.

Ngay cả khi muốn dành những điều tốt nhất cho các con, như bữa ăn hôm nay nhiều thức ăn hơn, cô cũng phải tính toán đến bữa sau.

"Tôi không cố chứng minh gia đình mình nghèo như thế nào. Đó chỉ là thực tế với chúng tôi", cô nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm