Cảnh báo "nóng": Đấu giá đất nông thôn ở Thanh Hóa mà 1.000 hồ sơ tham gia

Trần Lê

(Dân trí) - Lợi dụng thông tin quy hoạch, triển khai các dự án... nhiều nhà đầu tư, môi giới tung tin đồn, mua đi bán lại, lôi kéo người tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch bất động sản.

Trước thực tế "sốt" đất diễn ra tại nhiều địa phương, tỉnh Thanh Hóa đã ra văn bản về việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh này.

Cảnh báo nóng: Đấu giá đất nông thôn ở Thanh Hóa mà 1.000 hồ sơ tham gia - 1
Hàng dài xe ô tô đến tham gia đấu giá 23 lô đất tại một xã vùng nông thôn huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa vào đầu tháng 4/2021.

Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, thời gian vừa qua, tại một số địa phương, tập trung chủ yếu tại thành phố Thanh Hóa, Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Nghi Sơn và các huyện: Quảng Xương, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh,... đã và đang xuất hiện một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc triển khai các dự án lớn... để bán đất.

Họ tung tin đồn, mua đi bán lại, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông... bằng hình thức đặt cọc, góp vốn, mua bán, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để trục lợi.

Qua tìm hiểu của Dân trí, tại một xã nông thôn của huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), đầu tháng 4/2021, chính quyền tổ chức đấu giá 23 lô đất, mỗi lô từ 125 đến 150m2 nhưng có đến hơn 1.000 bộ hồ sơ tham gia. Chưa bao giờ cuộc đấu giá đất ở một vùng quê mà thu hút hàng nghìn người dân địa phương và nhiều cá nhân, tổ chức môi giới và kinh doanh bất động sản từ khắp nơi đổ về tham dự như vậy. 

Từ giá khởi điểm là 250 triệu đồng/lô đã được đấu lên tiền tỷ (từ 1 - 1,3 tỷ đồng/lô). Đặc biệt, có hơn 1.000 hồ sơ tham gia đấu giá 23 lô đất nhưng chỉ có 4 người trúng đấu giá. Nhiều người tham dự đã sửng sốt khi nghe đơn vị đấu giá công bố kết quả trúng đấu giá của 23 lô đất này.

Còn Chủ tịch UBND huyện Như Thanh cho biết đất tại ở huyện này không phải "sốt" mà rất "sốt". Trước thực trạng trên, chính quyền huyện đã đã 2 lần ban hành văn bản văn bản nhằm cảnh báo và tránh thiệt hại cho người dân…

Từ đó, những nguy cơ, rủi ro, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi tham gia hoạt động giao dịch bất động sản tiềm ẩn. 

Để thị trường nhà ở và bất động sản phát triển ổn định, bền vững, minh bạch, tránh hiện tượng "bong bóng", "sốt ảo", đầu cơ đẩy giá, "thổi" giá đất để trục lợi, UBND tỉnh Thanh Hóa có chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị liên quan. Các đơn vị này tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh; thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng "sốt" giá và "bong bóng" bất động sản trên địa bàn.

UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn, trọng điểm (nếu có)... tại địa phương để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, các đơn vị phải có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu hoạt động môi giới của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản tại địa phương.

Đồng thời, công tác thanh kiểm tra, rà soát các dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn phải được tăng cường. Điều này giúp kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội tại địa phương và đời sống của người dân. Các đơn vị cũng cần xử lý nghiêm những trường hợp môi giới, mua bán, giao dịch bất động sản, quyền sử dụng đất có vi phạm pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan.

Cảnh báo nóng: Đấu giá đất nông thôn ở Thanh Hóa mà 1.000 hồ sơ tham gia - 2
Từ sau Tết Nguyên đán, đất tại một số khu vực của huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa tăng chóng mặt.

Ngoài ra, việc phối hợp với các chủ đầu tư, các cơ quan báo chí để công bố thông tin rộng rãi về các dự án trên các phương tiện truyền thông, để người dân nắm bắt các thông tin chính xác về các quy định cụ thể của pháp luật; cảnh báo cho người dân đề cao cảnh giác về các hành vi mua bán không lành mạnh, các thông tin sai sự thật, tránh rủi ro, thiệt hại kinh tế phát sinh khi người dân khi thực hiện các giao dịch cũng cần được tăng cường.

Đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản, UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết những đơn vị này cần ký hợp đồng với các sàn giao dịch bất động sản, đơn vị tư vấn bán hàng khi đủ điều kiện huy động vốn, đủ điều kiện được bán nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về nhà ở và kinh doanh bất động sản. Các chủ đầu tư cũng cần thực hiện việc bảo lãnh huy động vốn, thanh toán trong mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định; đồng thời, sử dụng nguồn vốn đã huy động vào đúng mục đích xây dựng nhà ở tại dự án.

Nếu sử dụng sai mục đích nguồn vốn huy động hoặc chiếm dụng vốn đã huy động hoặc huy động vượt quá số tiền mua, thuê mua nhà ở ứng trước của khách hàng thì phải hoàn lại số tiền đã huy động sai quy định; phải bồi thường (nếu gây thiệt hại) và bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản và các sàn giao dịch bất động sản phải đảm bảo các điều kiện về thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định.

Tỉnh Thanh Hóa cũng cảnh báo các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua nhà ở thương mại, đất nền tại các dự án khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn, trước khi thực hiện giao dịch, cần tìm hiểu kỹ, đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan để tránh các thiệt hại, rủi ro có thể xảy ra; đề cao cảnh giác với các hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông…