Cẩn trọng khi đầu tư vào các dự án đất nền tại Bình Dương dịp cuối năm
Dịp cuối năm, nhiều dự án đất nền đua nhau mọc lên ồ ạt tại các huyện vùng xa tại tỉnh Bình Dương. Những dự án này chưa đầy đủ, thậm chí chưa có pháp lý nhưng được rao bán một cách rầm rộ khiến khách hàng dễ nhận “quả đắng” khi xuống tiền đầu tư.
Tràn lan các dự án huy động vốn trái phép
Thời gian qua, tại tỉnh Bình Dương xuất hiện nhiều dự án khu dân cư, đất nền với quy mô lớn tại các vùng xa của tỉnh như thị xã Tân Uyên, huyện Bàu Bàng, thị xã Bến Cát,…
Những dự án này được quảng cáo là đầu tư với số tiền lớn, quy mô hàng chục hecta với hàng nghìn lô đất nền được tung ra thị trường với giá hấp dẫn, cạnh tranh.
Lý giải về tình trạng này, một số chuyên gia bất động sản cho biết dịp cuối năm dòng tiền tích lũy trong dân khá nhiều, nên nhiều người có quan niệm đầu tư vào đất là an toàn và sinh lợi nhất, khiến thị trường sôi động.
Nắm được tâm lý này, nhiều doanh nghiệp bất động sản bắt đầu ồ ạt đi tìm quỹ đất tại các vùng xa thuộc tỉnh Bình Dương để xin mở dự án. Để đón đầu nhu cầu mua bán, giao dịch bất động sản cuối năm tăng cao, nhiều doanh nghiệp đã "làm liều" tổ chức phân lô, bán nền ở các dự án khi chưa có đầy đủ pháp lý.
Theo tìm hiểu, thời gian qua tại huyện Bàu Bàng xuất hiện dự án Khu dân cư Nam Long TAT diện tích 23ha, quy mô 1.300 nền đất. Dự án do Công ty CP Lộc Đại Phát làm chủ đầu tư và Công ty CP TM DV XD PT Địa ốc Đất Vàng (Công ty Đất Vàng, có địa chỉ tại số 02 Đường D11, KDT Chánh Nghĩa, phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) làm đơn vị phân phối.
Hiện tại, bên trong dự án này chỉ là những cây khoai mì được dân địa phương trồng, thậm chí nhiều rừng cây keo, cao su trong dự án vẫn chưa được đốn hạ, giải tỏa để triển khai dự án. Một số khu vực khác hiện đang san lấp mặt bằng. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại dự án chưa được triển khai, không hề có dấu hiệu xây dựng.
Bên trong dự án là những vườn mì của người dân nhưng chủ đầu tư cùng đơn vị phân phối đã rao bán. Ảnh: V.D
Thế nhưng, đơn vị phân phối dự án là Công ty Đất Vàng đã tổ chức huy động vốn trái phép, bất chấp mọi rủi ro có thể xảy ra đối với khách hàng khi đầu tư vào dự án Khu dân cư Nam Long TAT.
Còn tại thị xã Tân Uyên, dự án Khu dân cư Tân Long 2 (tên thương mại là New Town 8) tọa lạc tại phường Uyên Hưng do Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển địa ốc Phú Thọ làm chủ đầu tư, đơn vị phân phối là Công ty TNHH đầu tư và phát triển bất động sản Nam Dương (Nam Dương Land) và Công ty Cổ phần Uniland (có trụ sở tại tòa nhà U&I, số 9 Ngô Gia Tự, P.Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã bắt tay nhau bán hết hàng trăm nền đất khi dự án đang tiến hành san lấp mặt bằng.
Tương tự, tại phường Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, công ty Hoàng Gia Phát làm chủ đầu tư dự án khu dân cư Vĩnh Tân. Dự án này, Nam Dương Land và Á Châu phân phối đã mở bán đất nền khi chưa đủ hồ sơ pháp lý.
Người dân, khách hàng cần cảnh giác
Trước tình trạng nhiều dự án ồ ạt mọc lên có dấu hiệu lừa đảo khách hàng, đại tá Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế (PC03), Công an tỉnh Bình Dương, cho biết trong 10 tháng đầu năm 2018, tình hình mua bán đất nền, căn hộ tại các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương hết sức phức tạp. Công an tỉnh Bình Dương đã ghi nhận có tình trạng lừa đảo, mua bán đất nền, căn hộ tại các dự án diễn ra tràn lan trong tỉnh.
Theo đại tá Thắng, hiện nay, khách hàng, nhà đầu tư mua đất nền, dự án bất động sản rất "ngây thơ", dễ tính khi chẳng cần hỏi nguồn gốc xuất xứ, tính hợp pháp, pháp lý của dự án ra sao. Họ chỉ nghe theo lời quảng cáo đầy hoa mỹ của chủ đầu tư và các đơn vị môi giới mà dễ dàng đóng tiền mua.
Các dự án tại Bình Dương mới chỉ được san lấp mặt bằng nhưng đã ồ ạt rao bán, ký hợp đồng với khách hàng. Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân hãy cẩn trọng khi có ý định đầu tư vào các dự án này. Ảnh: V.D
Công an Bình Dương khẳng định, hiện nay Chính phủ đã nghiêm cấm các hành vi phân lô, bán nền tại các dự án khi chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cũng như bắt buộc dự án phải được xây thô mới đủ điều kiện mở bán.
Cũng theo Công an tỉnh Bình Dương, với quy định hiện hành, các thể loại hợp đồng giữ chỗ, hợp đồng góp vốn, hợp đồng nguyên tắc đều không có giá trị pháp lý, và khi xảy ra sự cố như dự án không thể triển khai được thì người chịu thiệt hại là khách hàng.
"Có những chủ đầu tư huy động vốn trái phép bằng cách ký hợp đồng giữ chỗ, hợp đồng góp vốn với khách hàng để lấy kinh phí làm dự án, Tuy nhiên, khi dự án không được cơ quan chức năng cấp phép do chưa xây dựng cơ sở hạ tầng thì các chủ đầu tư này tìm đủ mọi cách để né tránh, thậm chí ôm tiền bỏ chạy khiến nhiều khách hàng lao đao", đại tá Thắng cho biết.
Cũng theo đại tá Thắng, thông qua mua đất nền, căn hộ tại các dự án, người dân, khách hàng rất dễ bị lừa bởi tin vào những lời quảng cáo hoa mỹ của các chủ đầu tư, đơn vị phân phối và đặc biệt là các "cò đất".
Được biết, UBND tỉnh rất hoan nghênh, động viên và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xin chủ trương làm dự án bất động sản. Tuy nhiên, các chủ đầu tư này khi vừa được đồng ý chủ trương, chưa được phê duyệt quy hoạch 1/500 nhưng đã tự ý đo, vẽ bản đồ rồi phân lô bán nền tràn lan.
Thậm chí, có một số dự án chưa giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện đền bù cho người dân nhưng đã vẽ bản đồ quy hoạch chồng lên nhà của các hộ dân đang sinh sống rồi ngang nhiên rao bán.
Công an tỉnh Bình Dương ghi nhận, những năm gần đây, lực lượng công an đã tiếp nhận nhiều đơn khiếu nại, tố cáo của người dân khi mua đất nền tại các dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Trước tình trạng phân lô, bán nền khi dự án chưa đủ pháp lý, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương khuyến cáo người dân nên tỉnh táo trước khi quyết định bỏ tiền mua đất, tránh tình trạng "tiền mất, tật mang".