Cần “luật hóa” công trình xanh

Phát triển công trình xanh là giải pháp tối ưu để giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân trong bối cảnh ô nhiễm nguồn nước và không khí ngày càng nghiêm trọng.

Cần “luật hóa” công trình xanh - 1

Không gian xanh ngày càng trở nên cấp bách ở các đô thị. Ảnh: Chí Cường

Xu hướng tất yếu

Theo PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển đô thị xanh Việt Nam, công trình xanh được hiểu là công trình ít gây hại đến môi trường, bao gồm môi trường bên trong công trình, môi trường lòng đất, môi trường trên mặt đất, môi trường nước và không khí.

Đây là những công trình có thiết kế xây dựng bảo tồn hệ sinh thái, kết nối cộng đồng, thích ứng biến đổi khí hậu; sử dụng tiết kiệm nước, tận dụng nước thải và bảo tồn nước ngầm; tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo; rác thải được quản lý chặt chẽ; nội thất bảo đảm an toàn sức khỏe đối với người sử dụng.

Nói về xu hướng xanh tại Diễn đàn bất động sản thường niên tổ chức mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Trần Nam khẳng định, bất động sản xanh là tất yếu khi nó vừa đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững vừa đáp ứng nhu cầu tăng chất lượng sống của người dân.

Ông Nam cho biết thêm, báo cáo về xu hướng công trình xanh năm 2018 do Tập đoàn Dữ liệu và phân tích Dodge của Mỹ (Dodge Data & Analytics) đưa ra những nhận định khả quan về tình hình phát triển công trình xanh ở Việt Nam.

Cụ thể, các dự án công trình xanh hiện chỉ chiếm 13%, nhưng dự báo sẽ tăng lên 24% vào năm 2021. Khảo sát cũng cho thấy sự quan tâm đến công trình lành mạnh cải thiện sức khỏe của Việt Nam chiếm đến 28%, cao hơn mức trung bình toàn cầu, chỉ sau Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi và Mỹ.

Hiện nay, tại Việt Nam đang có 4 hệ thống đánh giá công trình xanh gồm: Leed của Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ; Green Mark của Hội đồng công trình xanh Singapore; Lotus của Hội đồng công trình xanh Việt Nam; Edge của Tổ chức tài chính ngân hàng thế giới (IFC).

Các hệ thống tiêu chí đánh giá này đều được công nhận bởi Hội đồng công trình xanh thế giới với 5 tiêu chí cơ bản là vật liệu, địa điểm, nội thất, sử dụng nước và năng lượng.

Trao đổi với phóng viên, kiến trúc sư Vũ Quốc An (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cũng cho rằng, phát triển công trình xanh là giải pháp tối ưu để giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân trong bối cảnh ô nhiễm nguồn nước và không khí ngày càng nghiêm trọng.
 
Chưa bao giờ, vấn đề ô nhiễm không khí và nguồn nước lại được cảnh báo nhiều và trở thành mối nguy đe dọa đến cuộc sống người dân đô thị như hiện nay, và cũng chưa bao giờ việc phát triển các không gian xanh, bền vững lại bức thiết như hiện nay.
 
Trước thực tế đó, PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của công trình xanh là hướng tới sử dụng tiết kiệm nhất có thể năng lượng không thể tái tạo và nguồn nước, đồng thời có tác động tích cực đến bầu không khí.

Ở góc độ cung - cầu bất động sản, đại điện CBRE Việt Nam cho rằng, công trình xanh là một xu hướng đúng, đã được chứng minh trên toàn thế giới với rất nhiều lợi ích.

Tại Việt Nam, đã có khá nhiều chủ đầu tư hướng tới việc phát triển các dự án bất động sản của mình theo các tiêu chí “xanh” và đón nhận sự quan tâm cao của người mua nhà.

Cần “luật hóa” công trình xanh

Dự án bất động sản xanh đang ngày càng được khách hàng ưu tiên lựa chọn và nó cũng đã xuất hiện nhiều trên thị trường địa ốc. Tuy nhiên, liệu đó chỉ là định danh để quảng cáo phục vụ công tác bán hàng hay đã là thực chất thì chưa ai dám khẳng định.

Đồng thời, cũng do yêu cầu bức thiết của người sử dụng, các công trình xanh được áp dụng theo các bộ tiêu chuẩn chất lượng trong và ngoài nước mới chỉ được áp dụng trong các công trình, dự án của khối tư nhân hoặc có vốn đầu tư nước ngoài, chưa có các công trình có vốn ngân sách được thiết kế, thi công xây dựng.

Ông Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia cho rằng, hiện công trình xanh, hay các tiêu chí công trình xanh như: Lotus, Leed là do các chủ đầu tư, các tổ chức tự đứng ra làm. Do đó, cần phải xây dựng quy chuẩn chung, từ đó các tổ chức, doanh nghiệp phải thực hiện theo.

“Chúng ta nên có hành lang pháp lý để có quy chuẩn chặt chẽ, đem đến cho cư dân môi trường sống tốt một cách thực chất”, ông Tùng khuyến cáo.

Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), dù những lợi ích, hiệu quả về mặt năng lượng, môi trường, kinh tế và sức khỏe của công trình xanh mang lại là rõ ràng và đã được minh chứng cụ thể trong các dự án được cấp chứng nhận công trình xanh, nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới, số lượng các dự án được cấp chứng nhận công trình xanh vẫn còn ít, đặc biệt là ở nhóm công trình có vốn ngân sách.

Ông Thịnh cho rằng, nguyên nhân của thực trạng này là do các quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, hỗ trợ, khuyến khích phát triển công trình xanh chưa đầy đủ.

Chưa có các quy định bắt buộc để yêu cầu các công trình có vốn đầu tư công phải đầu tư xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn công trình xanh. Ngoài ra, kinh nghiệm của nhiều chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu về thiết kế và xây dựng công trình xanh còn hạn chế.

Bên cạnh đó, sự tham gia của các ngân hàng, tổ chức tài chính trong việc hỗ trợ tín dụng, vốn vay ưu đãi cho các dự án công trình xanh còn chưa nhiều. Để thúc đẩy công trình xanh phát triển tại Việt Nam, theo ông Thịnh cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cũng như nâng cao nhận thức của các chủ thể liên quan.

“Bộ Xây dựng đang chỉ đạo và chúng tôi cũng đã đưa vào dự thảo luật để trình Quốc hội. Chúng tôi sẽ cố gắng luật hóa công trình xanh để chủ đầu tư thực hiện”, ông Thịnh cho biết.

Ở góc độ khác, trao đổi với phóng viên, PGS. TS. KTS. Nguyễn Trúc Anh, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho rằng, việc nghiên cứu hợp nhất hạ tầng bất động sản với phát triển không gian và sử dụng đất đô thị làm tăng hiệu quả hoạt động của đô thị là hướng đi hợp lý.

Những dự án bất động sản xanh nằm trong tổng thể một đô thị thông minh, bền vững, cân bằng, đảm bảo cung cấp các dịch vụ công trong các lĩnh vực giao thông, năng lượng, môi trường, an toàn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và sức cạnh tranh của đô thị thông qua công nghệ là rất cần thiết cho những thành phố đang hướng tới mô hình “siêu đô thị” như Hà Nội hay TP.HCM.

Theo Nhất Nam

Báo đầu tư