Cần Giuộc "sốt đất" trong âm thầm

(Dân trí) - Sở hữu hơn 32,5km tiếp giáp TP.HCM, Cần Giuộc được quy hoạch là đô thị vệ tinh phía Nam Sài Gòn, là gạch nối quan trọng giữa TP.HCM với ĐBSCL - khu vực đông dân nhất cả nước. Ghi nhận cho thấy, dù không có quá nhiều nguồn cung mới song thị trường này liên tục nằm trong danh mục tìm kiếm của người mua ở và giới đầu tư.

Trong khi đó, các “ông lớn” bất động sản cũng đã âm thầm gom sẵn quỹ đất lớn để triển khai dự án.

Nguồn cung ít, giao dịch thứ cấp đẩy giá tăng liên tục

Theo quan sát sơ bộ trên website batdongsan.com.vn trong tháng 10, lượng tin rao của Cần Giuộc chỉ bằng 1/2 Bến Lức và 1/3 Đức Hoà dù cả 3 huyện này đều được quy hoạch là đô thị vệ tinh của TP.HCM. Liệu có phải Cần Giuộc kém hấp dẫn hơn hai khu vực còn lại trong khi nơi đây liền kề khu Nam với hạt nhân Phú Mỹ Hưng và giáp ranh khu Nhà Bè ngày càng sôi động, nhộn nhịp? Nhiều chuyên gia cho biết, nguyên nhân chính chủ yếu đến từ nguồn cung BĐS Cần Giuộc khá hạn chế.

So với các khu vực khác, quỹ đất Cần Giuộc không còn quá dồi dào. Điều này khiến khả năng thanh khoản của đất Cần Giuộc cao. Theo thống kê, trong khoảng 3 năm trở lại đây, tại Cần Giuộc có 26 dự án quy mô từ 10ha đến hơn 200ha, nguồn cung mới tập trung chủ yếu trong giai đoạn từ 2016 - 2017. Tiêu biểu phải kể đến T&T Long Hậu với quy mô 237 ha, Long Hậu Riverside 20 ha, Five Star Eco City 420ha của Tập đoàn Quốc Tế Năm Sao và những dự án khu đô thị nằm dọc sông Soài Rạp. Dù quy mô lên đến vài nghìn nền song đa số các dự án kể trên ghi nhận tỷ lệ hấp thụ cao kỷ lục, đạt 90 - 95% chỉ sau vài tuần công bố.

Cần Giuộc sốt đất trong âm thầm - 1
Nằm ngay cửa ngõ khu Nam Sài Gòn kết nối với ĐBSCL, Cần Giuộc thu hút nhiều “ông lớn” bất động sản phát triển những dự án tầm cỡ.

Anh Tuấn Kiệt, giám đốc một sàn giao dịch có trụ sở tại Cần Giuộc chia sẻ, do ưu thế cự ly chỉ cách trung tâm TP.HCM dưới 20km lại bao bọc bởi hệ thống sông ngòi rộng khắp nên khoảng một nửa khách mua BĐS Cần Giuộc hướng đến nhu cầu ở thực vì yếu tố không gian sinh thái. Còn khách đầu tư thì có xu hướng mua nhiều nền để gia tăng cơ hội sinh lời. “Sàn của tôi có 10 nhân viên song dự án công bố trong 1 tuần đã có đến 50 giao dịch. Các dự án cũng không cần quảng bá nhiều, chỉ cần có thông tin dự án ở Cần Giuộc là người mua tự liên hệ”, anh Kiệt cho biết.

Từ năm 2018 đến nay, giao dịch tại Cần Giuộc chủ yếu là thứ cấp đến từ các dự án cũ. Một số dự án đã có sổ đỏ theo đúng cam kết là lý do thu hút khách mua quay trở lại khu vực này. Theo khảo sát, dự án T&T Long Hậu chào bán năm 2017 với giá khởi điểm 10 triệu/m2 thì nay đã tăng lên 18 - 25 triệu/m2. Đặc biệt, những dự án ven sông Soài Rạp tính từ lúc giới thiệu sản phẩm đợt đầu tiên trong năm 2016 - 2017 đến nay giá thứ cấp đã tăng gấp ba. Nhìn chung, các dự án tại Cần Giuộc đang có mức tăng trưởng ổn định từ 30 - 35%/năm tuỳ khu vực. Trong đó, Long Hậu và Phước Vĩnh Đông ghi nhận biên độ tăng giá cao nhất.

Từ Quý 2/2019 với tình trạng nguồn cung TP.HCM liên tục sụt giảm, giá đất Cần Giuộc vẫn tiếp tục gia tăng. Anh Gia Huy, một khách hàng chia sẻ: Anh có mua một nền đất 80m2 tại Long Hậu từ tháng 5/2019. Nếu bán ra, ước tính mỗi tháng lời 50 triệu nhưng anh không có ý định đó vì hướng tới mục tiêu an cư lâu dài. Trong khi đó, một môi giới cá nhân chuyên chuyển nhượng đất Cần Giuộc tiết lộ, dù giá bán tăng cao nhưng chỉ cần có khách chuyển nhượng đăng tin vài ngày đã chốt xong giao dịch.

Loạt siêu dự án, khu công nghiệp và đô thị cảng biển

Nếu Bến Lức, Đức Hoà giáp Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh thì Cần Giuộc lại liền kề Quận 7 - trung tâm thương mại tài chính sôi động nhất TP.HCM và giáp ranh Nhà Bè - nơi có khu đô thị cảng Quốc tế Hiệp Phước. Đây là siêu dự án trọng điểm với kỳ vọng trở thành đô thị cảng biển lớn và hiện đại bậc nhất nhất Đông Nam Á. Khu vực Hiệp Phước sẽ tập trung 4 cảng lớn của Việt Nam nằm dọc theo sông Soài Rạp, gồm: Cảng container quốc tế SPTC, cảng Sài Gòn Hiệp Phước, Tân Cảng Hiệp Phước, cảng quốc tế Long An. Kèm theo đó là các ngành công nghiệp, dịch vụ cảng biển, kinh doanh kho bãi… Với địa thế có thể phát triển mạnh về hướng biển, Cần Giuộc trở thành điểm đến then chốt cho nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.

Cần Giuộc sốt đất trong âm thầm - 2
Nằm trong trục kết nối siêu dự án đô thị cảng Quốc tế Hiệp Phước, Cần Giuộc có nhiều lợi thế trở thành đô thị vệ tinh sung túc nhất nhì của TP.HCM.

Hiện Cần Giuộc sở hữu nhiều cụm công nghiệp quy mô lớn nhất Long An và khu Nam Sài Gòn như: KCN Đông Nam Á Long An, KCN Tân Kim, KCN Long Hậu... và nhiều khu nhà xưởng lớn nhỏ với hơn 40.000 lao động. Đầu 2019, công ty Tân Thuận IPC vừa phát triển khu công nghiệp Long Hậu 3 có quy mô lên tới 800 ha, được chia thành 3 giai đoạn, vốn đầu tư gần 1.100 tỷ đồng theo mô hình hệ sinh thái khu đô thị công nghiệp. Dự án được xem là công trình động lực, trọng điểm của tỉnh Long An, góp phần thu hút nhà đầu tư về địa bàn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương sau khi hoàn thành.

Cuối 2018, UBND tỉnh Long An đã thống nhất về chủ trương để Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tiếp nhận, đầu tư trên địa bàn huyện Cần Giuộc. Tất cả các dự án này gồm có 3 dự án đầu tư cụm công nghiệp, 7 khu dân cư thương mại dịch vụ và nhiều dự án nhà ở tái định cư, với tổng diện tích trên 1.500ha. Tập đoàn Him Lam cũng được chấp thuận đầu tư khu kinh tế mở quy mô hơn 32.300 ha, nằm trên địa bàn hai huyện Cần Đước và Cần Giuộc; gồm KCN công nghệ cao, khu đô thị sinh thái, khu cảng biển quốc tế với trọng tâm là khu đô thị sinh thái 15.000 ha.

Đây đều là hai dự án tầm cỡ tại Long An chỉ chờ ngày công bố. Các chuyên gia BĐS cho rằng, các siêu dự án này sẽ giúp Cần Giuộc lột xác trở thành đô thị cảng, công nghiệp sầm uất bậc nhất toàn miền Nam. Đây là minh chứng thuyết phục cho thấy, thị trường Cần Giuộc luôn tạo ra hấp lực lớn ở mọi thời điểm, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung TP.HCM khó có dấu hiệu khởi sắc trong vài năm tới.

Lê Hoàng