Cách tính phiếu bầu diện tích đỗ xe ô tô trong nhà chung cư?
Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) vừa trả lời hướng dẫn về cách tính phiếu bầu, phiếu biểu quyết trong Hội nghị nhà chung cư liên quan tới diện tích đỗ xe ô tô.
Theo Bộ Xây dựng, quy định tại Khoản 1 Điều 100 của Luật Nhà ở 2014 thì phần sở hữu riêng trong nhà chung cư bao gồm: Phần diện tích bên trong căn hộ bao gồm cả diện tích ban công, lô gia gắn liền với căn hộ đó; Phần diện tích khác trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng cho chủ sở hữu nhà chung cư; Hệ thống trang thiết bị kỹ thuật sử dụng riêng gắn liền với căn hộ hoặc gắn liền với phần diện tích khác thuộc sở hữu riêng.
Cũng tại Khoản 6 Điều 1 của Thông tư số 06/2019/TT-BXD ngày 31/10/2019 của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư đã quy định cách tính phiếu biểu quyết: Cứ 1m2 diện tích sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ, chủ sở hữu phần diện tích khác trong nhà chung cư, cụm nhà chung cư thì tương đương với 01 phiếu biểu quyết.
Do vậy, Bộ Xây dựng khẳng định, trường hợp nếu chủ sở hữu căn hộ có các giấy tờ, tài liệu chứng minh phần diện tích để xe ô tô thuộc sở hữu riêng của mình và phần diện tích này đảm bảo đúng công năng thiết kế, mục đích sử dụng đã được phê duyệt thì diện tích đỗ xe ô tô cũng được coi là diện tích sở hữu riêng để tính phiếu biểu quyết trong Hội nghị nhà chung cư.
Liên quan tới việc tính "quyền biểu quyết tại Hội nghị chung cư tính theo m2", trước đó, nhiều chuyên gia đã bày tỏ quan điểm không đồng tình. Họ cho rằng cách tính này là không cần thiết hoặc nếu có thì sẽ là quy định giúp chủ đầu tư "trục lợi", dân lại chịu thiệt.
Theo luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law firm, quy chế sử dụng nhà chung cư được xây dựng và hoàn thiện, chủ thể đang hướng tới ở đây là con người và để phục vụ lợi ích của con người, không phục vụ các căn hộ. Quy định quyền biểu quyết tại hội nghị nhà chung cư được tính theo m2 khác nào chủ thể hướng tới là căn hộ.
Việc ra văn bản điều chỉnh trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư được hiểu rằng chúng ta đang hướng đến các đối tượng chịu sự điều chỉnh là hộ gia đình, những con người cụ thể trong khu dân cư, chứ không phải là những m2, những căn hộ vô tri, vô giác. Thế nên việc lấy m2 làm căn cứ biểu quyết là không hợp lý.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên, TGĐ Công ty TNHH Quản lý tòa nhà Việt (Vietbuilding) cho rằng, nghe qua thì tưởng quy định tính theo lá phiếu theo m2 diện tích sở hữu sẽ tạo nên sự công bằng cho cả các bên nhưng trên thực tế lại là không công bằng.
Lý giải về điều này, ông Tuấn cho biết, theo các quy định trước đó, quyền được biểu quyết diễn ra tại hội nghị tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư được tính theo đơn vị căn hộ. Tương đương là mỗi căn hộ tương ứng với một phiếu biểu quyết. Đối với phần diện tích khác trong tòa nhà chung cư không phải là căn hộ thì mỗi phần diện tích sàn xây dựng sẽ bằng với diện tích sàn xây dựng của mỗi căn hộ lớn nhất theo thiết kế sẽ được phê duyệt tại nhà chung cư đó có một phiếu biểu quyết. Chủ sở hữu căn hộ, dù có diện tích khác nhau cũng chỉ sở hữu một lá phiếu.
Tuy nhiên, kể cả cách làm này cũng vẫn chưa tuyệt đối công bằng, vì theo quan sát của các đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà chuyên nghiệp, thì thường, các chủ nhân sở hữu các căn hộ lớn (thậm chí là sở hữu các căn Duplex, Penthouse) lại có sự quan tâm ít hơn đến những câu chuyện vận hành của một khu chung cư, bởi nhóm khách hàng này có thể sở hữu nhiều căn hộ ở nhiều dự án khác nhau trong khi các chủ nhân căn hộ chỉ có diện tích tầm trung 50-70m2 lại rất quan tâm, bởi với nhóm khách hàng này, căn hộ có thể chính là cả gia tài, là sự dành dụm, tiết kiệm cả đời, nên khi đã sở hữu thì toàn tâm, toàn ý với việc tạo lập không gian sống.
"Theo tôi, cách quy đổi lá phiếu bầu cử nếu giữ nguyên thì nên tính theo diện tích phổ thông, tức là số phiếu của chủ đầu tư bằng tổng diện tích sở hữu trên diện tích căn hộ phổ thông của tòa nhà", ông Tuấn nhận định.