Các thành phố Trung Quốc cần phải từ bỏ mô hình bất động sản như Hồng Kông

(Dân trí) - Các chính sách bất động sản thiếu sót là gốc rễ của nhiều căn bệnh xã hội tại Hồng Kông.

Các thành phố Trung Quốc cần phải từ bỏ mô hình bất động sản như Hồng Kông - 1
Hồng Kông là một trong những thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới

Thành phố phía nam Trung Quốc, Thâm Quyến, hiện đang là mấu chốt trong kế hoạch phát triển đô thị trong tương lai của Trung Quốc, nên từ bỏ mô hình bất động sản giống như Hồng Kông mà thành phố này đã học tập cách đây hàng thập kỷ, theo cảnh báo của “người cha đỡ đầu” bất động sản tại Trung Quốc.

Ông Meng Xiaosu, người đi đầu trong các chính sách cải cách bất động sản của Trung Quốc vào những năm 1990, nói rằng Thâm Quyến và các thành phố khác trong Khu vực Vịnh Lớn nên học hỏi từ những cạm bẫy của thị trường Hồng Kông, nơi ông nói rằng đang trong tình trạng đầy rẫy các điều kiện chật chội, bất bình đẳng giàu nghèo và thiếu đất kinh niên để có thể phát triển.

Sự bất bình đẳng và chênh lệch kinh tế tại Hồng Kông không giảm bớt mà thực tế đã tiếp tục tăng trong những năm gần đây, vượt qua nhiều quốc gia và khu vực khác. “Triển vọng tương lai của giới trẻ trong thành phố thưc sự ảm đạm”, ông Meng nói.

“Từ quan điểm của chúng tôi, một lý do cốt lõi là chính quyền (Hồng Kông) đã bỏ qua nhu cầu cung cấp điều kiện nhà ở phù hợp cho những công dân của mình, khiến điều kiện sống trong thành phố trở nên ngày càng khắc nghiệt”, ông nói

Cảnh báo nghiêm khắc của ông được đưa ra sau khi Thâm Quyến được chính quyền trung ương Trung Quốc dự định biến thành một đặc khu kinh tế mới trọng điểm để thực hiện những cải cách táo bạo, như là một mô hình mới cho các thành phố khác của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã công bố một kế hoạch chi tiết vào đầu tháng 8, nói rằng cải cách trên diện rộng sẽ được thực hiện ở Thâm Quyến, giúp thành phố ven biển phía Nam này trở thành một thành phố đi đầu về đổi mới, dịch vụ công cộng và bảo vệ môi trường vào năm 2025.

Chính phủ Thâm Quyến - một trong những chính quyền đầu tiên có ý định trong việc phát triển bất động sản tư nhân - đã mượn một ý tưởng quan trọng từ Hồng Kông: bán quyền sử dụng đất cho các nhà phát triển thông qua đấu giá.

Thâm Quyến đã tổ chức đấu giá đất lần đầu tiên vào năm 1987, tiên phong trong việc bán quyền sử dụng đất ở Trung Quốc đại lục.

Nhưng bây giờ, với sự bất bình đẳng sự giàu có đang gia tăng, những người biểu tình tức giận đang đi xuống những con đường ở Hồng Kông trong những tháng gần đây, ông Meng đã kêu gọi các thành phố lớn tại Trung Quốc ngừng theo đuổi mô hình này.

Nhiều người đổ lỗi cho nguyên nhân của cuộc biểu tình này là do là giá bất động sản quá cao - kết quả của tình trạng thiếu đất nghiêm trọng – làm gia tăng sự chênh lệch giữa các tầng lớp và những người giàu - nghèo

“Bây giờ chúng ta đã thấy những cạm bẫy của mô hình bất động sản tại Hồng Kông”, ông Meng nói. “Nhiều thành phố lớn của Trung Quốc hiện đang ngày càng chật chội hơn và bị các vấn đề như tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Lượng đất được sử dụng làm nhà ở tại các thành phố lớn của chúng ta cũng tương đối ít”, ông này nói thêm.

Các thành phố Trung Quốc cần phải từ bỏ mô hình bất động sản như Hồng Kông - 2
Thâm Quyến là trọng điểm đầu tư của Trung Quốc trong tương lai

“Hiện tại Thâm Quyến đang dẫn đầu trong kế hoạch kinh tế tham vọng, phát triển Khu vực Vịnh Lớn của Trung Quốc. Chúng ta nên học hỏi từ những bài học về lịch sử và những kinh nghiệm hiện tại của chúng ta và rời khỏi mô hình Hồng Kông”, Meng nói.

“Chúng ta cần mở rộng hợp lý lượng đất có thể sử dụng được tại các thành phố của mình, đặc biệt là để tăng lượng đất xây dựng. Chúng ta cũng cần ngăn giá đất tăng quá cao do thiếu đất, làm giá bất động sản lên cao một cách giả tạo”, ông Meng, người là chủ tịch của Tập đoàn Phát triển Bất động sản Quốc gia Trung Quốc cho biết. Ông này cũng cho rằng, cần phải suy nghĩ về tình hình ở Hồng Kông, đặc biệt là vì mô hình đấu giá đất ở Trung Quốc đại lục được dựa trên Hồng Kông.

“Để phát triển hệ thống đất đô thị của Trung Quốc, nhiều chuyên gia đã được gửi đi để nghiên cứu hệ thống quy hoạch của các quốc gia khác trong những năm 1980”, ông Meng nhớ lại và nói: “Nhưng vì Trung Quốc hồi đó không có nhiều ngoại tệ, thay vào đó, nhiều người trong số họ đã có những chuyến đi ngắn đến Hồng Kông, dưới thời cai trị của thực dân Anh”.

“Các chuyên gia Trung Quốc đã lập hồ sơ về hệ thống đất đô thị Hồng Kông và viết một báo cáo, từ đó trở thành hệ thống quản lý và chính sách đất đai đô thị hiện nay ở Trung Quốc. Đó là lý do tại sao nhiều thành phố lớn của chúng ta trông giống như Hồng Kông”, ông Meng nói.

“Tại Hồng Kông, đất được sử dụng làm nhà ở chỉ chiếm 7% trong khi ở nhiều thành phố của Trung Quốc, con số này là khoảng 10%”, theo ông Meng, nói thêm rằng đáng lẽ một phần tư sỗ đất nên được giao cho các mục đích nhà ở.

“Nếu các chuyên gia của chúng ta đã đi đến Châu Âu, Hoa Kỳ hoặc Úc để xem xét, các chính sách quy hoạch đất đai hiện tại của chúng ta sẽ khác và chúng ta có thể không phải đối mặt với những vấn đề này”, ông nói.

Thùy Dung

Theo Scmp