Các ông trùm địa ốc Hồng Kông hy sinh lợi nhuận để xoa dịu Bắc Kinh

Nhật Linh

(Dân trí) - Nhiều "ông trùm" địa ốc Hồng Kông đang phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận để xoa dịu những cú siết mạnh tay từ Bắc Kinh.

Theo Bloomberg, một nhà phát triển đang bán căn hộ với nửa giá trị tại thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Một số khác lại đang hiến những khu đất rộng lớn của mình để làm dự án nhà ở xã hội. Các ông chủ của những đế chế bất động sản hàng đầu Hồng Kông nói rằng đã đến lúc đặt lợi ích của thành phố trên lợi nhuận.

Các ông trùm địa ốc Hồng Kông hy sinh lợi nhuận để xoa dịu Bắc Kinh - 1

Các đế chế bất động sản Hồng Kông đang chấp nhận hy sinh lợi nhuận để xoa dịu Bắc Kinh (Ảnh: Bloomberg). 

Hai năm sau các cuộc biểu tình làm rung chuyển Hồng Kông và chính quyền Trung Quốc đổ lỗi do giá nhà đất ở mức "trên trời", các nhà phát triển tài phiệt của thành phố này đang phải chịu áp lực để giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng nhà ở.

Trung tâm tài chính nổi tiếng của châu Á không chỉ đắt đỏ mà còn là một trong những nơi đông dân nhất thế giới. 7,5 triệu người dân ở đây vẫn đang phải sống chen chúc trong những căn hộ nhỏ, thậm chí nhiều người còn phải "sống nằm, sống ngồi" trong những căn nhà được gọi là "nhà hòm", "nhà lồng".

Sự chú ý từ Bắc Kinh khiến những câu hỏi về sự công bằng và khả năng chi trả trở thành vấn đề cấp bách đối với các nhà phát triển, những người đã hưởng lợi rất lớn từ sự mất cân đối trên thị trường bất động sản Hồng Kông.

Ở đại lục, nhiều tỷ phú bất động sản đang phải lao đao khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mạnh tay đối với hoạt động đầu cơ và độc quyền. Trong khi đó tại Hồng Kông, chính quyền của bà Carrie Lam cũng đang tăng tốc thu lại những quỹ đất rộng lớn mà các ông trùm địa phương đang nắm giữ. Thông điệp cho những động thái này rõ ràng là: Tốt hơn nên xem đây như một phần giải pháp hơn là vấn đề.

Trong bối cảnh mới đó, các đế chế bất động sản Hồng Kông đang tích cực tạo dấu ấn từ thiện như xây gần 10.000 căn nhà ở xã hội trên đất mà họ đã tặng cho các tổ chức từ thiện từ sau các cuộc biểu tình. Nói với Bloomberg, một số người thừa kế của các đế chế này cho biết họ sẽ tiếp tục hoạt động từ thiện, trong khi một số cho biết họ đã sẵn sàng hi sinh lợi nhuận.

Theo Bloomberg, kể từ năm 2019, các công ty bao gồm Henderson Land và Sun Hung Kai đã tặng ít nhất 2 triệu ft2 đất, tương đương với khoảng 30 sân bóng đá, cho nhà ở xã hội. Đầu tháng này, New World cũng đã công bố kế hoạch bán 300 căn nhà với giá bằng một nửa giá thị trường, trở thành nhà phát triển bất động sản tư nhân đầu tiên trợ giá nhà tại Hồng Kông.

Lâu nay, các nhà phát triển lớn nhất của Hồng Kông, bao gồm Công ty TNHH CK Asset Holdings của tỷ phú Li Ka-shing, Công ty Phát triển Đất đai Henderson của tỷ phú Lee Shau Kee, Công ty New World Development của gia đình Cheng và Công ty TNHH Sun Hung Kai Properties của tỷ phú Kwoks, đã gặt hái được nhiều thành công nhờ chính sách khuyến khích những công ty có tiềm lực tài chính tham gia đấu giá các lô đất, giúp thành phố có khả năng đối phó với các cuộc khủng hoảng. Khối tài sản sau bao năm tích lũy từ bất động sản của các "ông trùm" này đã giúp họ mở rộng sang các lĩnh vực khác như điện và khí đốt, chuỗi siêu thị và viễn thông.

Ngược lại, nguồn tài chính khổng lồ từ các cuộc đấu giá đất đai cũng đã giúp Hồng Kông trở thành trung tâm tài chính quốc tế.

Nhưng kể từ khi các cuộc biểu tình nổ ra, những ảnh hưởng về chính trị đã khiến các doanh nghiệp bất động sản Hồng Kông suy yếu. Hồi tháng 3, Phó Thủ tướng Trung Quốc han Zheng đã yêu cầu chính quyền thành phố này phải giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân. Vài tháng sau đó, người đứng đầu cơ quan giám sát Hồng Kông của Trung Quốc là ông Xia Baolong cũng đặt mục tiêu phải xóa bỏ tình trạng nhà lồng, nhà quan tài cho người nghèo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm