Buộc thu hồi nhà xã hội bán, cho thuê không đúng đối tượng

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Bên cạnh việc đẩy mạnh thanh, kiểm tra, Bộ Xây dựng cũng bổ sung biện pháp buộc thu hồi nhà ở xã hội và hoàn trả bên mua đối với các trường hợp bán, cho thuê không đúng đối tượng.

Hơn trăm tỷ đồng được giải ngân trong gói hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng mới đây đã có văn bản trả lời phần chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn (đoàn Lâm Đồng) về nội dung liên quan đến tình trạng thiếu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cùng những bất cập, tồn tại còn kéo dài.

Theo đại biểu, quy định dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có diện tích từ 2 ha đến 5 ha (trước kia là 10 ha) trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội. Song quy định này dẫn đến khó khăn cho cả chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội. Đại biểu này đặt câu hỏi giải pháp của Bộ là gì để tham mưu cho Chính phủ trong thời gian tới nhằm khắc phục tình trạng thiếu nguồn vốn ưu đãi; cơ chế khuyến khích chủ đầu tư đủ mạnh để đầu tư nhà ở xã hội và xử lý tình trạng đối tượng được mua nhà ở xã hội chưa đúng quy định, đại biểu chất vấn tại kỳ họp hồi tháng 5 vừa qua.

Buộc thu hồi nhà xã hội bán, cho thuê không đúng đối tượng - 1

Theo báo cáo của Ngân hàng chính sách xã hội, đến ngày 15/5/2022, đã giải ngân được 140 tỷ đồng cho 749 khách hàng trong gói hỗ trợ mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân (Ảnh: IT).

Trả lời đại biểu, Bộ Xây dựng cho biết quy định về dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội đã góp phần tăng nguồn cung, giảm giá bán nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho các đối tượng là người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp.

Liên quan đến các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nguồn vốn ưu đãi, Bộ Xây dựng cho hay, vừa qua đã đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Tại Nghị quyết số 43, 2 gói hỗ trợ tín dụng để phát triển nhà ở xã hội đã được ban hành. Cụ thể là cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội. Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng.

Thứ hai là cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống ngân hàng thương mại cho một số ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua, cải tạo chung cư cũ. Tổng nguồn vốn để bù lãi suất là 40.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ngân hàng chính sách xã hội, đến ngày 15/5, đã giải ngân được 140 tỷ đồng cho 749 khách hàng.

Còn đối với gói cho vay doanh nghiệp thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, Bộ Xây dựng cũng cho biết đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong việc xây dựng, trình ban hành Nghị định số 31.

Bộ cũng thông tin đã có văn bản đôn đốc các địa phương lập danh mục và nhu cầu vay vốn của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo chung cư cũ trên địa bàn để tổng hợp, công bố theo quy định.

Đẩy mạnh thanh, kiểm tra

Qua tổng kết, đánh giá thi hành Luật Nhà ở năm 2014, Bộ Xây dựng thừa nhận các chính sách ưu đãi trong việc phát triển nhà ở xã hội vẫn chưa thực sự đủ mạnh để thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Bộ này đang nghiên cứu, đề xuất các chính sách mới để đưa vào dự thảo Luật sửa đổi Luật Nhà ở trình Quốc hội vào tháng 6/2023.

Liên quan đến giải pháp xử lý tình trạng đối tượng được mua nhà ở xã hội chưa đúng quy định, Bộ Xây dựng cho biết đã nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16 ngày 28/1/2022 về quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.

Theo đó, tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 6 Điều 64 đã bổ sung và quy định cụ thể hành vi vi phạm về bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng theo quy định và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi nhà ở xã hội và buộc hoàn trả bên mua, bên thuê mua số tiền mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Bộ cho biết đã có các văn bản đôn đốc các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm trong việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội và xử lý nghiêm theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ nghiên cứu, phân tích, đánh giá một số tồn tại, bất cập trong việc thực hiện các chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó có quy định về việc dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội theo Điều 5 Nghị định số 100 làm cơ sở nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49.

Tuy nhiên, bên cạnh những tồn tại, vướng mắc trong quy định đã được sửa đổi, bổ sung trong Nghị định thuộc phạm vi thẩm quyền của Chính phủ thì còn có những nội dung tồn tại, vướng mắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội và cần được sửa đổi trong Luật Nhà ở năm 2014.