Bộ Xây dựng yêu cầu báo cáo quỹ đất đô thị dành cho xây nhà ở xã hội
(Dân trí) - Bộ Xây dựng vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành báo cáo việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo cáo tình hình sử dụng quỹ đất đô thị dành để phát triển nhà ở xã hội.
Trước đó, ngày 1/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 06 tháng và cả năm 2019 và Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.
Theo đó Bộ Xây dựng được giao kiểm soát chặt chẽ việc quy hoạch và khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất đô thị dành để phát triển nhà ở xã hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý III/2019. Để chuẩn bị báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành báo cáo việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
Số liệu từ Bộ Xây dựng, nhu cầu nhà ở xã hội trong toàn quốc trong giai đoạn từ năm 2011 - 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TPHCM cần khoảng 134.000 căn, Hà Nội cần khoảng 110.000 căn, Bình Dương cần 41.250 căn, Đồng Nai 36.700 căn, Đà Nẵng 11.500 căn...
Hà Nội xây dựng mục tiêu phát triển nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp đến năm 2020 cần hơn 4.676.000 m2 sàn; nhà ở cho công nhân khoảng hơn 567,5 m2 sàn. TPHCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ. Đến năm 2020, thành phố có thể xây dựng hoàn thành 20.000 căn.
Liên quan tới phát triển nhà ở xã hội tại đô thị, ông Nguyễn Trần Nam - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội tại Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Thống kê cho thấy, sở hữu nhà ở tại Việt Nam ở mức trung bình 24-25m2/người nhưng thực tế có những hộ gia đình sở hữu hàng trăm m2/người trong khi nhiều hộ chỉ dưới 6m2/người.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nhà ở xã hội phát triển mạnh từ năm 2009 với các Nghị quyết của Chính phủ giao nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, sinh viên. Thời điểm đó, Chính phủ bỏ ra 17.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD để xây dựng nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, dù khung chính sách rất tốt nhưng vẫn thiếu "ý thức và sự thành tâm của một bộ phận lãnh đạo, kể cả cấp bộ ngành trung ương khi chưa thực sự phục vụ nhân dân, chưa nhận thức đúng trách nhiệm".
"Theo điều tra năm 2013, riêng Hà Nội và TPHCM có 20 nghìn ha đất, 20% tương ứng là 4 nghìn ha đất dành cho nhà ở xã hội. Rất thoải mái nhưng đi kiểm tra rất nhiều doanh nghiệp không thực hiện, khoanh lại không thực hiện giải phóng mặt bằng hoặc đợi thời cơ để chuyển đổi mục đích sang nhà thương mại”, ông Nam cho biết.
Ông cũng đề cập tới nguyên nhân từ phía quản lý: "Không có phê duyệt của thành phố, vi phạm quy định của Thủ tướng. Sau một số dự án được phê duyệt thì không làm. Nếu có đền bù thì có hiện tượng giấu, để đấy không làm. Bài đó chúng tôi biết cả nhưng chưa đủ sức mạnh, quyền lực, thậm chí sự cương quyết để xử lý".
Cùng với quỹ đất, ông Nam cũng nhắc tới yếu tố tài chính để phát triển các dự án nhà ở xã hội. Ông dẫn chứng trường hợp gói 30.000 tỷ đồng từng được sử dụng rất hiệu quả nhưng sau khi hết khiến thị trường chững lại.
"Phải hỗ trợ vốn chứ không có đất doanh nghiệp cũng không làm được. Chính sách phát triển nhà ở xã hội cần nhấn mạnh vào cơ chế tài chính, tạo nguồn lực bằng tiền cho doanh nghiệp xây nhà, cho người dân vay để mua", ông nói.
Chuyên gia cũng cho rằng, cần có quy định rõ, ví dụ các ngân hàng thương mại phải dành tối thiểu 3% dư nợ cho vay nhà ở xã hội. Hay như giao nhiệm vụ cho ngân hàng chính sách cho vay mua nhà ở xã hội thì phải quy định hàng năm ngân sách phải cấp bao nhiêu % ngân sách.
Phương Dung