Bỏ xa Hà Nội, giá chung cư TP.HCM đạt đỉnh 165 triệu đồng/m2

Việt Vũ

(Dân trí) - Năm 2020, thị trường bất động sản TP.HCM xuất hiện nghịch lý, trong khi nguồn cung, tỷ lệ tiêu thụ dự án đều giảm, thì giá bán căn hộ và đất nền lại tăng mạnh.

Giá căn hộ TP.HCM phát triển lệch Đông, đạt "đỉnh" 165 triệu đồng/m2

Theo báo cáo thị trường bất động sản và nhà ở TP.HCM năm 2020 của DKRA Việt Nam, tiếp nối đà giảm của năm ngoái, phân khúc căn hộ và đất nền tại TP.HCM vẫn duy trì khan hiếm diện rộng.

Cụ thể, trong năm 2020, tổng nguồn cung căn hộ đạt 17.579 sản phẩm, giảm 28,3% cùng kỳ năm trước. Lượng tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 86,6%, khoảng 15,229 sản phẩm, giảm 33,38% so với năm 2019. Căn hộ hạng A dẫn đầu thị trường trong khi căn hộ hạng C gần như vắng bóng.

Theo báo cáo của DKRA, giá bán căn hộ sơ cấp tại khu Đông đang ở mức kỷ lục, giá bán bình quân đạt 102 triệu đồng/m2, mức giá tối thiểu ghi nhận ở mức 39 triệu, cao nhất là 165 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, tại các khu đất vàng trong trung tâm thành phố, giá bán chỉ từ 86 triệu - 162 triệu đồng/m2. Ở chiều ngược lại, khu Bắc có giá bán căn hộ dễ chịu nhất, dao động từ 34,5 triệu - 45 triệu đồng/m2.

Bỏ xa Hà Nội, giá chung cư TP.HCM đạt đỉnh 165 triệu đồng/m2 - 1

TP.HCM vẫn thiếu nhà ở bình dân và giá rẻ. Ảnh minh họa

Với phân khúc đất nền, tổng nguồn cung trong năm 2020 tại TP.HCM đạt 564 sản phẩm, giảm 67%, tỷ lệ tiêu thụ giảm 79% so với năm 2019. Về giá trị, khu Tây TP.HCM đang là nơi có giá bán cao nhất, dao động từ 19 triệu - 68 triệu đồng/m2. Ngược lại, khu Bắc là nơi có giá trị đất nền thấp nhất, từ 14,2 triệu - 16,7 triệu đồng/m2.

Trong khi nguồn cung, tỷ lệ tiêu thụ đều giảm, thì giá bán căn hộ và đất nền lại tăng mạnh. Đặc biệt là khu Đông thành phố, giá bán căn hộ bình quân đã vượt mặt các khu đất "vàng" ở trung tâm.

Ông Phan Đình Vĩnh, chuyên gia bất động sản nhận định: Sở dĩ có tình trạng nghịch lý này, là do cơ cấu sản phẩm bất động sản không đều, phân khúc cần thì lại thiếu, ở đây là các căn hộ bình dân và giá rẻ dưới 1,5 tỷ đồng; trong khi lại thừa nguồn cung căn hộ cao cấp.

"Trong thời gian qua, Chính phủ, cùng lãnh đạo của TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng nguồn cung căn hộ bình dân và giá rẻ. Tuy nhiên, để các giải pháp này thật sự có hiệu quả, thị trường phải cần ít nhất 2 - 3 năm nữa, khi các dự án bất động sản bình dân được hoàn thiện.

Do đó, năm 2020, thậm chí là năm 2022, TP.HCM vẫn thiếu nhà ở bình dân và giá rẻ", ông Vĩnh nói.

Giá nhà ở TP.HCM tăng cao hơn Hà Nội

Mới đây, trong buổi họp báo quý IV/2020, Bộ Xây dựng cho biết, bất chấp các tác động của đại dịch Covid-19, giá nhà ở tại TP.HCM có mức tăng cao hơn Hà Nội.

Kết hợp với số liệu của CBRE cho thấy, trong năm 2020, tổng nguồn cung căn hộ tại Hà Nội đạt 18.000, giảm 52% so với năm 2019. Giá bán căn hộ trung bình trên thị trường sơ cấp ở mức 1.412 USD/m2 (32,5 triệu đồng/m2), tăng 3% so với năm 2019.

Bỏ xa Hà Nội, giá chung cư TP.HCM đạt đỉnh 165 triệu đồng/m2 - 2

Giá nhà ở TP.HCM tăng cao hơn Hà Nội. Ảnh: Phạm Nguyễn

Các dự án mới mở bán tại khu vực Gia Lâm, Long Biên đã thiết lập mặt bằng giá mới tại khu Đông Hà Nội. Các dự án mở bán mới tại các khu vực khác cũng đưa ra mức giá cao hơn nhờ việc hoàn thiện các tiện ích, hạ tầng.

Như vậy, nếu so với TP.HCM, mức giá bình quân 32,5 triệu đồng/m2 còn rẻ hơn rất nhiều so với mức giá bình quân 102 triệu đồng/m2 tại TP.HCM.

Giải thích cho hiện tượng này, chuyên gia bất động sản Phan Đình Vĩnh nói: So với cơ cấu sản phẩm trong năm 2020, rõ ràng TP.HCM có nhiều sản phẩm căn hộ cao cấp hơn.

Trong khi đó, tại Hà Nội, phân khúc bình dân và trung cấp lại chiếm 70% tổng nguồn cung toàn thị trường. Vì vậy, so sánh mức giá bình quân không thể hiện được sự khác biệt giữa hai thành phố.

"Mới chỉ trong 2 năm gần đây, giá nhà tại TP.HCM mới vượt mặt Hà Nội, để trở thành địa phương có giá bất động sản đắt đỏ nhất Việt Nam. Với sự khan hiếm kéo dài trong 2 - 3 năm tới, giá nhà TP.HCM vẫn sẽ tiếp tục tăng thêm 5% - 10%, tùy từng khu vực", ông Vĩnh dự báo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm