Quốc hội sáng 19/6:

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị làm rõ ý kiến đại biểu về Luật Nhà ở sửa đổi

Trần Kháng

(Dân trí) - Chương trình Quốc hội sáng nay (19/6) là thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở sửa đổi. Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu.

Theo Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 19/6, dự án Luật Nhà ở sửa đổi sẽ được thảo luận tại hội trường. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Cần giải quyết nhiều vấn đề liên quan chung cư

Trước đó, thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở sửa đổi sáng 5/6 vừa qua, đa số các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội cho rằng, việc sửa đổi Luật Nhà ở nhằm bảo đảm đồng bộ, thống nhất với quy định khác của pháp luật có liên quan như pháp luật về đất đai, đầu tư công, đầu tư, xây dựng, đấu thầu, quy hoạch đô thị…

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn (đoàn ĐBQH TP Hà Nội), thời gian qua, đã xảy ra cháy nổ tại khu chung cư nên ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, tài sản của người dân. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Nhà ở phải có thêm những quy định về an toàn, trách nhiệm đảm bảo phòng cháy, chữa cháy ở các nhà chung cư. Bên cạnh đó, khi xây dựng chung cư, các chủ đầu tư cũng cần chú ý hơn đến việc thiết kế khu vực để xe đạp cho người khuyết tật.

Bên cạnh đó, một trong những vướng mắc lớn hiện nay cần phải khắc phục khi sửa đổi Luật Nhà ở là tình trạng khó khăn trong phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, đã bị xuống cấp, hư hỏng. Đóng góp vào nội dung này, ông Hoàng Văn Cường (đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng, để đảm bảo chất lượng của các nhà chung cư, trong dự án Luật Nhà ở sửa đổi cần quy định rõ về thời hạn xây dựng nhà chung cư.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị làm rõ ý kiến đại biểu về Luật Nhà ở sửa đổi - 1

Việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã xuống cấp tại TPHCM và Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn (Ảnh minh họa: Trần Kháng).

Ông Cường cho rằng, nếu thấy chung cư bị cũ nát, hư hỏng, người dân có quyền đề xuất xây dựng nhà chung cư mới. Để thực hiện việc này thì trước khi xây dựng chung cư mới hay cải tạo, nâng cấp chung cư cũ thì cơ quan chức năng phải có sự kiểm định chất lượng nhà ở tại khu chung cư mà người dân đang sinh sống.

Về quy định về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án cải tạo xây dựng nhà chung cư, nhiều đại biểu cho biết, qua thực tế tại TPHCM, quy định về thủ tục này có thể làm mất thêm thời gian và gây ra một số khó khăn cho các chủ đầu tư. Do đó cần phải xem xét để tiết giảm các thủ tục này để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ đầu tư trong việc triển khai thực hiện các dự án.

Ông Hà Phước Thắng (đoàn ĐBQH TPHCM) cho rằng, dự thảo Luật lần này cần quan tâm bảo vệ quyền lợi của khách hàng và các bên khi tham gia hợp đồng mua bán chung cư. Phản ánh về thực tế vừa qua có những cái phát sinh, tranh chấp, khiếu kiện, tố cáo của khách hàng đối với các nhà đầu tư liên quan đến việc đóng góp liên quan đến lãi suất, việc chậm giao nhà, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng…

Cũng theo ông Thắng, cần phải phân biệt các quy định và có chế tài để làm căn cứ xác định quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư, của người sở hữu, của người sử dụng các căn hộ chung cư hết sức rõ ràng.

Quy thành tiền đối với quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội của dự án thương mại

Cho ý kiến về chính sách nhà ở xã hội, ông Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH Đồng Tháp) cho biết, đối với quy định về bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội dự thảo luật quy định việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo HĐND cùng cấp việc dành một tỷ lệ nhất định nguồn tiền thu được từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính minh bạch, khả thi và nâng cao trách nhiệm thực thi của chính quyền địa phương. Do đó, ông Hòa đề nghị bổ sung quy định tỷ lệ phần trăm tối thiểu của tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mà ngân sách địa phương được hưởng phải dành cho việc phát triển nhà ở xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị làm rõ ý kiến đại biểu về Luật Nhà ở sửa đổi - 2

Một khu đất dự kiến xây dựng nhà ở xã hội tại huyện Thanh Trì (Hà Nội) (Ảnh: Trần Kháng).

Về quy định của Luật Nhà ở hiện hành, ngoài việc bố trí 20% quỹ đất thì chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị còn phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho khu đất xây dựng nhà ở xã hội, nếu chỉ trích phần tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì thực chất vẫn là lấy từ tiền ngân sách Nhà nước. Vì vậy, ông Hòa đề nghị nghiên cứu quy định bổ sung trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng nhà ở xã hội của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Ông Nguyễn Văn Thân (đoàn ĐBQH Thái Bình) khẳng định, chính sách nhà ở xã hội được Đảng, Nhà nước quan tâm nhưng khi cụ thể hóa quan điểm, chính sách pháp luật vào thực tiễn cuộc sống không đạt được kết quả như mong muốn, số người mua chưa lớn vì đối tượng được thụ hưởng chính sách này không có đủ tiền để mua nhà.

Ông Thân đề nghị, đối với quy định các dự án nhà ở thương mại phải dành quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội, không nên quy định cứng mỗi dự án phải dành 20% phát triển nhà ở xã hội. Bởi có khu vực giá trị quyền sử dụng đất rất lớn, hoặc với dự án có vị trí đắc địa không xây dựng nhà ở xã hội ở khu vực này, nên quy thành tiền để Nhà nước xây ở khu vực khác phù hợp hơn với mức sống và điều kiện của người lao động có thu nhập thấp.

"Nếu quy định tất cả khu nhà ở thương mại đều dành 20% quỹ đất xây nhà xã hội dễ dẫn đến tiêu cực, tình trạng đầu cơ, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân", ông Thân nhấn mạnh.