Tọa lạc tại thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), ngôi nhà có tên The Memory (Ký ức) được xây dựng dành cho gia đình 3 thế hệ.
Vì khoảng cách thế hệ nên không thể tránh khỏi những khác biệt về văn hóa, lối sống.
Bởi vậy, gia chủ mong muốn tạo nên không gian sống đảm bảo sự riêng tư, thoải mái nhưng vẫn gắn kết gia đình.
Từ chia sẻ của gia chủ, kiến trúc sư Ngô Việt Khánh Duy (23o5studio) đã đưa ra ý tưởng “nhà chồng nhà”, chia căn nhà thành hai không gian sinh hoạt riêng biệt, đồng thời có chung sân trước và sau. Đó là không gian trầm mặc, hoài cổ dành cho ông bà và không gian hiện đại, năng động hơn cho cặp vợ chồng trẻ và những đứa con. Nhìn từ ngoài, ngôi nhà nổi bật với kiến trúc mái ngói truyền thống. Lối vào chính được thiết kế theo kiểu “mái hiên” đặc trưng của nhà ở xưa cũ của Việt Nam. Đây cũng là không gian sinh hoạt của ông bà, gợi cảm giác thân quen, ấm cúng. Ao nước nhỏ trước bậc thềm vừa điều tiết vi khí hậu, vừa tạo cảnh quan thân thuộc như những ngôi nhà Việt cổ xưa. Tại mặt trước của khu vực sinh hoạt dành cho ông bà được thiết kế bậc cửa cao hơn mặt sàn để tạo khe lọt gió, làm mát không gian bên trong. Khoảng sân trước nhà với mái hiên rộng cạnh “ngách cửa” là nơi mà ông bà ngồi thư giãn hay trò chuyện với người hàng xóm và cũng là không gian vui chơi yêu thích của lũ trẻ trong nhà. Phòng khách được bài trí đơn giản với bộ bàn ghế gỗ mang đậm dấu ấn thời gian. Nội thất trong nhà chủ yếu làm từ gỗ như hệ cột kèo lớn, bàn ghế gỗ mộc, máy khâu… với tông màu nâu trầm, tạo cảm giác ấm cúng. Bên cạnh đó, việc sơn tường trắng và nền nhà màu xám gợi nhắc đến hình ảnh nhà ở quen thuộc thời xưa, phù hợp với tính cách và nếp sống của người cao tuổi. Điểm nhấn trong không gian truyền thống này chính là phần mái ngói cũ được ông nội của gia chủ tự làm cách đây 50 năm. Việc giữ lại kiến trúc này giúp các thành viên trong gia đình luôn nhớ đến hình bóng người ông, người cha đã khuất. Mái nhà này là trung tâm và cũng là không gian chuyển tiếp, được coi như linh hồn của cấu trúc tổng thể trong ngôi nhà. Dưới mái ngói này là nơi cả gia đình ăn cơm cùng nhau, chia sẻ những câu chuyện cũng như nhớ lại kỷ niệm quá khứ. Cầu thang được kết nối liên tục và mạch lạc từ phòng khách lên tầng 2 và sân thượng cũng giống như sự gắn kết của các thế hệ trong gia đình.
Không gian thứ hai được thiết kế hiện đại, tiện nghi hơn nhưng vẫn giữ được sự mộc mạc để giữ nhịp đồng điệu với lối bài trí ở không gian sinh hoạt của ông bà. Toàn bộ không gian bên trong được sơn màu trắng và ánh sáng được lấy từ trần và sân trong. Ngoài lối đi chính đầu tiên thì bên ngoài ngôi nhà còn được thiết kế một lối đi riêng dẫn đến phía sau để tới không gian sinh hoạt riêng của cặp vợ chồng trẻ và con cái. Việc tạo ra lối đi riêng này giúp hạn chế những va chạm về giờ giấc, sinh hoạt giữa ông bà với con cái, cháu chắt. Phòng sinh hoạt chung trong căn nhà dành cho thế hệ trẻ cũng đơn giản và mộc mạc.
Phòng ngủ gọn gàng, thoáng sáng với phần mái uốn lượn kết hợp cùng những lỗ tròn lớn nhỏ giúp ánh sáng lan tỏa khắp phòng. Trong nhà, gia chủ cũng trồng nhiều cây xanh, vừa là điểm tô cho không gian sống, vừa góp phần làm không khí trong lành hơn. Đối với chủ nhà, ngôi nhà là miền kí ức xa xôi và cũng là hiện tại gần gũi. Đó là sự tiếp nối bền vững các thế hệ đi trước với thế hệ đi sau. Gia chủ cũng gửi gắm vào ngôi nhà một tấm lòng thành kính đến người cha và người ông đã khuất.