"Bắt mạch" dự án "ma" và những lưu ý khi mua bất động sản
(Dân trí) - Do nhu cầu về nhà ở của người dân ngày càng cao, hiện nay đã có không ít chủ đầu tư lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng để trục lợi, lừa đảo thông qua những cái tên: “Hợp đồng góp vốn” hay “thỏa thuận đặt cọc”. Không ít người đã phải "tiền mất, đất không có".
Thời gian vừa qua, tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, đặc biệt là khu vực phía Nam đã xảy ra rất nhiều hiện tượng người dân mua phải “dự án ma”. Hệ quả là người mua mất rất nhiều tiền, trong khi không có dự án thực tế, cuối cùng “tiền mất tật mang”.
Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Công ty Luật TAT Law Film (Đoàn Luật sư TPHCM) đã có những chia sẻ để người mua bất động sản phòng tránh được rủi ro trong muôn trùng "cái bẫy" đang giăng sẵn.
"Bắt mạch" dự án "ma"
Theo luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, trước tiên cần phải nhận diện và biết được những biểu hiện của “dự án ma”. Cụ thể:
Thông thường, “dự án ma” là những dự án không có điện-đường-trường-trạm, không có hạ tầng cơ bản. Bên cạnh đó, còn có những dự án ma, chỉ bằng quan sát thông thường thì rất giống với một dự án thật, cũng có đường, có hệ thống thoát nước, được phân lô cụ thể, nhưng thực chất lại là do tự ý làm, tự ý xây dựng mà không được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước.
Tuy nhiên, khi hỏi thông tin pháp lý dự án, các chủ đầu tư lại không cung cấp được hồ sơ pháp lý dự án: Chưa được Chính phủ hay HĐND cấp tỉnh phê duyệt, chưa được chuyển mục đích sử dụng đất, chưa nộp tiền sử dụng…
Đa số những Hợp đồng mang tên “Hợp đồng góp vốn”, “Phiếu đăng ký giữ chỗ”, “thỏa thuận đặt cọc đăng ký chỗ” đều là đột lốt “dự án ma”. Biểu hiện của nó là mời chào khách hàng đến nhưng không nhằm mua bán đất, không nhằm mua bán nhà mà là mời chào làm ăn chung, đặt chỗ mua trước... rồi khách hàng nộp tiền và sau đó không thu hồi lại số tiền này.
Bên cạnh đó, khi người dân muốn đến khảo sát thực tế dự án, họ mời chào một dự án rất đẹp. Sale chu đáo mời khách hàng đi cùng và tới một địa điểm mà khách hàng không hề biết, cùng với đó là sự hứa hẹn với những triển vọng vô cùng tươi đẹp của khu dân cư mới. Tuy nhiên, trên thực tế lại là những dự án “ảo”.
Những lưu ý khi mua bất động sản
Đứng trước những nguy cơ, những tiềm ẩn đầy rủi ro khi giao dịch bất động sản, để đảm bảo quyền lợi của mình, tránh bị kẻ xấu “lừa đảo, trục lợi”, khách hàng cần lưu ý những vấn đề sau trước khi ký kết giao dịch bất động sản:
Thứ nhất, cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ pháp lý dự án. Theo đó, khách hàng phải kiểm tra xem dự án có thuộc diện bị thu hồi hay không; kiểm tra các giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giấy phép xây dựng; giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ dự án; Kiểm tra dự án có phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện; dự án hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án hay chưa.
Bên cạnh đó, cần kiểm tra các chứng thư cần thiết như: bảo lãnh tài chính của ngân hàng thương mại để đảm bảo nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết.
Thứ hai, cần khảo sát thực tế dự án bằng cách đến địa chỉ nơi có dự án và xem xét dự án đã có cơ sở hạ tầng hay chưa, mức độ hoàn thành đến đâu, bởi theo quy định của pháp luật, dự án có đầy đủ cơ sở hạ tầng mới được phép lưu thông. Khách hàng cũng nên lưu ý và cảnh giác khi địa chỉ dự án không rõ ràng, minh bạch.
Thứ ba, khách hàng nên hết sức cảnh giác khi đầu tư mua nhà, lựa chọn những chủ đầu tư có uy tín, đồng thời nên có sự tham vấn của luật sư, của những người có am hiểu pháp luật để đánh giá những rủi ro khi tham gia giao dịch và nhận được lời khuyên từ các chuyên gia.
Đối với những khách hàng lỡ mua phải “dự án ma” thì nên báo cáo với cơ quan chức năng, cơ quan cảnh sát điều tra để Nhà nước sớm vào cuộc, phanh phui những hoạt động “lừa đảo” này. Đồng thời mời luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
Trước những hành vi trục lợi từ “dự án ma” đang diễn ra rất nhiều như hiện nay, không chỉ người dân phải có biện pháp để bảo vệ mình; thiết nghĩ Nhà nước cũng cần có những biện pháp để bảo vệ người dân tốt hơn.
Một số biện pháp có thể kể đến như: Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật, cắm biển cảnh báo dự án ma; đồng thời xử lí mạnh tay đối với các hiện tượng này.
Công Quang (ghi)