Bất động sản Sa Đéc: Cơ hội đầu tư an toàn, “một vốn bốn lời”

(Dân trí) - Sự xuất hiện của nhiều khu đô thị đồng bộ với pháp lý đảm bảo đang mang đến luồng gió mới cho thị trường bất động sản Sa Đéc, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho khách hàng và giới đầu tư.

Liên tiếp trong 11 năm vừa qua, tỉnh Đồng Tháp luôn nằm trong top 5 địa phương đi đầu cả nước về chỉ số PCI và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, thành phố Sa Đéc - “thủ phủ hoa” của miền Tây Nam Bộ nổi lên trong khu vực như một thị trường mới đầy tiềm năng, thu hút thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư đổ về với nhiều dự án bất động sản (BĐS) quy mô nghìn tỷ đến từ các thương hiệu lớn như Vingroup, Tập đoàn FLC, CoopMart, Nguyễn Kim…

Thị trường khởi sắc

Sự xuất hiện của những dự án nói trên khiến BĐS Sa Đéc ngày càng sôi động. Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp kinh doanh địa ốc ở Đồng Tháp, giá nhà đất tại Sa Đéc đã rục rịch tăng khoảng 1 - 2 năm trở lại đây và tăng mạnh kể từ sau khi thành phố lên đô thị loại II năm 2018.

Xét theo mặt bằng chung, giá đất Sa Đéc đã tăng tới gấp đôi, gấp rưỡi so với hai năm trước. Khu vực trung tâm như đường Trần Hưng Đạo giá đất đã tăng từ 80 triệu/m2 lên 160 triệu/m2; tại đường Hùng Vương tăng từ 45 triệu/m2 lên 80 triệu/m2; tại đường Nguyễn Tất Thành tăng từ 20 triệu/m2 lên 30 - 35 triệu/m2… và ghi nhận mức tăng đặc biệt ấn tượng tại các khu vực nằm trong quy hoạch phát triển đô thị của thành phố.

Những loại hình bất động sản như shophouse, shopvilla nằm trong các dự án được quy hoạch đồng bộ, bài bản, có vị trí tốt, giao thông thuận tiện không chỉ đáp ứng nhu cầu sở hữu căn nhà thứ hai của tầng lớp dân cư giàu có đang tăng nhanh tại Sa Đéc, mà còn là cơ hội cho những nhà đầu tư dài hạn.

Trong số đó có thể kể đến dự án khu đô thị FLC La Vista Sadec, tọa lạc ở phường Tân Phú Đông đang nhận được sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư. Dự án nằm trong phân vùng 1 - vùng lõi đô thị trung tâm của thành phố, cũng là điểm kết nối với các khu vực kinh tế sôi động khác như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Long Xuyên…

Bất động sản Sa Đéc: Cơ hội đầu tư an toàn, “một vốn bốn lời” - 1

Khu đô thị FLC La Vista Sadec đang là dự án bất động sản được săn đón tại Tây Nam Bộ

Đại diện MegaHomes, nhà phân phối bất động sản uy tín tại khu vực miền Tây Nam Bộ đánh giá, FLC La Vista Sadec là một trong số ít dự án được thiết kế hiện đại, đồng bộ với nhiều tiện ích. Với hai dòng sản phẩm chủ lực là shophouse và shopvilla, dự án này đáp ứng linh hoạt nhu cầu lưu trú kết hợp cho thuê, kinh doanh dịch vụ, thương mại của khách hàng - hình thức kinh doanh đang còn thiếu và yếu tại Sa Đéc, đồng thời có thể mang về lợi nhuận hấp dẫn và khả năng thu hồi vốn cho chủ sở hữu chỉ sau 5 – 7 năm.

Là công trình hạ tầng quan trọng đối với lĩnh vực đô thị, lĩnh vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh, FLC La Vista Sadec đang được xúc tiến triển khai khẩn trương, với sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền thành phố và chủ đầu tư. Đến nay nhiều thủ tục pháp lý quan trọng cho việc triển khai dự án FLC La Vista Sadec đã được chủ đầu tư hoàn tất như giấy phép xây dựng hạ tầng, quyết định giao đất, cũng như hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất…

Sóng dồn phía Nam

Việc thành phố Sa Đéc nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung trở thành điểm đến mới giàu tiềm năng của giới đầu tư bất động sản không phải là điều bất ngờ. Bởi ngay từ 2018, các chuyên gia đã dự đoán xu hướng đầu tư sẽ dịch chuyển dần từ thành phố lớn về thị trường các vùng ngoại ô và tỉnh lẻ, nơi có tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, quỹ đất nhiều và chưa bị làm giá, tiềm ẩn nhiều cơ hội khai thác kinh doanh, thương mại và du lịch.

Số liệu thống kê cho thấy, đất nền, nhà liền thổ đang là kênh đầu tư ưa chuộng của nhiều nhà đầu tư tại các tỉnh, thành phố lớn phía Nam. Trong đó, thị trường các tỉnh vùng lân cận TP. HCM là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng nhận được sự quan tâm lớn từ các chủ đầu tư, dòng sản phẩm chủ đạo vẫn là đất nền với mức giá dao động chỉ từ 17 - 25 triệu đồng/m2.

Bên cạnh các thị trường nổi trội là Cần Thơ và Kiên Giang, nhà đầu tư hiện đang dồn sự quan tâm về các vùng đất “mới nổi”, còn nhiều dư địa để tăng trưởng như Đồng Tháp, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu…

Theo GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, “ĐBSCL là vùng đất có nhiều tiềm năng du lịch, nông nghiệp, năng lượng tái tạo nhưng bấy lâu nay bị lãng quên, phát triển chậm. Nhưng, hiện nay, Chính phủ đang có những động thái đánh thức tiềm năng khu vực này bằng việc đầu tư hạ tầng, phát triển cầu, đường cao tốc nối từ TPHCM đến Cần Thơ, và kết nối ĐBSCL…Vì vậy, chủ đầu tư nào đi trước, đón đầu thì việc đầu tư sẽ thắng, sẽ tận dụng lợi ích từ đầu tư hạ tầng của Nhà nước.”

Mặt khác, “trong khi những thị trường vốn thu hút nhiều khách du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang... đang bão hoà thì các khu vực thuộc Đồng bằng sông Cửu Long dự báo sẽ hấp dẫn nhiều du khách hơn, từ đó, làm gia tăng nhu cầu về bất động sản” - ông Võ dự báo.