Bất động sản Phan Thiết chưa bao giờ hết nóng
(Dân trí) - Không phải ngẫu nhiên các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng đang dần chuyển hướng sang Phan Thiết. Dòng vốn đầu tư ồ ạt đổ vào Phan Thiết đang tái sinh vùng đất vốn được mệnh danh là “Thủ đô Resort” của Việt Nam, giúp thành phố này vươn mình trở thành một trung tâm du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Thành phố ven biển hút vốn đầu tư bất động sản
Theo bà Dương Thuỳ Dung, Giám đốc cấp cao CBRE, sự bùng nổ của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng biển Việt Nam được châm ngòi bởi những yếu tố như cơ sở hạ tầng cải thiện, lượng du khách trong nước và quốc tế tăng trưởng mạnh mẽ, các sản phẩm dịch vụ du lịch ngày càng đa dạng và chất lượng cao.
Không thể không nhắc tới nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2017. Chỉ sau 2 năm ra đời, nghị quyết đã thực sự chắp cánh cho ngành du lịch bay cao. Số lượng khách quốc tế phục vụ tới Việt Nam đã tăng trưởng gấp đôi trong giai đoạn 2015 – 2018.
Lực đẩy mạnh mẽ của ngành du lịch là nguyên nhân chính khiến thị trường bất động sản các thành phố ven biển liên tục “nổi sóng”. Nếu ba năm trước, các dự án bất động sản du lịch chỉ tập trung tại các thành phố lớn nổi tiếng về du lịch như Hải Phòng hay Đà Nẵng, Hội An; thì trong hai năm trở lại đây, nguồn vốn bất động sản đã đổ về những thành phố giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác đầy đủ như Phan Thiết, Vân Đồn, Sầm Sơn …
Các chủ đầu tư lớn tiến quân vào thị trường Phan Thiết
Trong các thành phố du lịch biển, Phan Thiết đang dần nổi lên như điểm đến mới khi nằm trong top 3 thành phố du lịch năm 2018. Lượng khách du lịch trong năm 2018 cũng đạt con số 6 triệu lượt khách, tăng 15% so với cùng kỳ. Lợi thế của Phan Thiết nằm ở đường bờ biển dài 58km với nhiều bãi biển đẹp, những đồi cát bay đẹp miên man cùng nền văn hóa Chăm Pa sống động đang chờ được khám phá.
Dưới con mắt của các nhà đầu tư bất động sản du lịch, Phan Thiết là địa điểm lý tưởng để phát triển các sản phẩm lưu trú khi lượng phòng khách sạn còn chưa tương xứng với tiềm năng du lịch. Hiện nay, Phan Thiết – Mũi Né mới chỉ có khoảng 3.000 phòng khách sạn 4-5 sao, con số rất nhỏ so với các thành phố biển khác như Đà Nẵng (17500 phòng 3 – 5 sao), Quảng Ninh (6000 phòng).
Từ cuối năm 2018, các “ông lớn” địa ốc đã ồ ạt đổ hàng tỷ USD vào thị trường Phan Thiết. Sau nhiều năm tập trung các dự án tại thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10/2018, Novaland chính thức tham gia thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bằng việc giới thiệu dự án Nova Hill Mũi Né Resorts. Dự án gồm 600 căn biệt thự nằm trong khu phức hợp nghỉ dưỡng gồm trung tâm hội nghị, hồ bơi …
Sau Novaland, tháng 11 năm 2018, công ty TNHH Lộc Tú và công ty cổ phần Tập đoàn VNGroup chính thức khởi công dự án biệt thự nghỉ dưỡng 5 sao Goldsand Hill Villa tại Mũi Né - Phan Thiết. Với quy mô 9ha ven biển Phan Thiết, khi hoàn thành, dự án sẽ cung ứng ra thị trường gần 300 căn villa nghỉ dưỡng 100% view biển.
Theo thống kê sơ bộ, năm 2019 sẽ có 18 siêu dự án, với tổng mức đầu tư gần 3 tỷ USD đổ vào Phan Thiết. Có thể kể đến như The Queen Pearl với quy mô 27ha; Ocean Dunes với tổng vốn 2.600 tỉ đồng của tập đoàn Rạng Đông quy mô 62ha; Vietpearl City cũng "đổ bộ" về Phan Thiết với 3 lock condotel, 300 nhà phố nghỉ dưỡng; APEC Mandala Wyndham Mũi Né với 3000 phòng nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao…
Tiềm năng thị trường còn lớn
Tiềm năng du lịch lớn là vậy, tuy nhiên giá bất động sản của Phan Thiết so với các địa phương khác như Đà Nẵng hay Nha Trang còn khá mềm. Chị Trần Lan Phương, một nhà đầu tư bất động sản đã đầu tư vào nhiều dự án tại Phan Thiết cho biết: “Giá đất Mũi Né trong tương lai có tiềm năng tiếp tục tăng giá, bởi mặt bằng giá chỉ bằng 1 /4, thậm chí 1/ 5 giá đất ở Nha Trang, Đà Nẵng”.
Trong khi đó, anh Dũng, nhà đầu tư tới từ Hà Nội, người vừa mua sản phẩm tại dự án Goldsand Hill Villa - Mũi Né chia sẻ: “Giá một căn biệt thự nghỉ dưỡng 5 sao, đầy đủ nội thất cao cấp khoảng 4-5 tỷ/căn, bằng với giá một căn condotel 70m2 tại Phú Quốc. Mức giá này tôi thấy hợp lý, còn đúng giá trị thực, đảm bảo khả năng sinh lợi trong 2 – 3 năm nữa”.
Hơn nữa, hạ tầng khu vực này cũng đang được đầu tư mạnh. Cụ thể, tuyến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết trị giá 18.000 tỷ đồng, sau khi đi vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Phan Thiết, thúc đẩy khách nội địa khu vực phía Nam đến Bình Thuận. Đồng thời, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đang có kế hoạch đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng sân bay Phan Thiết với tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng, dự kiến sau khi hoàn thành sẽ hút thêm du khách khu vực phía Bắc và quốc tế. Cho tới khi hạ tầng khu vực hoàn thành, các chuyên gia vẫn dự báo thị trường Phan Thiết sẽ tiếp tục sôi động.