Bất động sản nào cần "giải cứu"?
Mới đây, một số ngân hàng lớn đã đồng loạt công bố các gói hỗ trợ như giảm lãi, cho vay ưu đãi lãi suất 4%/năm với các khách hàng, song không áp dụng với vay kinh doanh bất động sản.
Trao đổi với DĐDN, Luật sư Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch LP Group cho rằng, chính sách trên của các ngân hàng là không phù hợp với tinh thần của Nghị Quyết 88/NQ-CP Phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm nay.
Luật sư Lộc cho biết, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước "thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để bảo đảm thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội". Để làm được điều đó, ngân hàng cần tạo mọi điều kiện để giữ ổn định (và hỗ trợ) thị trường bất động sản (BĐS) đang khó khăn.
Thực tế hiện nay, hầu hết các chủ đầu tư địa ốc đều sử dụng nguồn vốn vay từ Ngân hàng và các hình thức huy động tài chính khác và đang dần "kiệt sức". Nguồn lực dự phòng cho các hoạt động phục hồi bị cạn kiệt.
Hiệp hội BĐS TPHCM mới đây đã có đề xuất chính sách giảm 2% lãi vay BĐS, cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng, trong đó bao gồm doanh nghiệp BĐS.
Nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ phía Nam trong đó có doanh nghiệp BĐS cũng đã kiến nghị các gói ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp tối thiểu 4% tương đương gói hỗ trợ năm 2008-2009 từ ngày 1/8/2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch, xem xét giãn, giảm thuế phí cho các doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trong khi đó, chia sẻ với PV, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng sẽ thật không công bằng nếu tất cả các doanh nghiệp BĐS đứng ngoài các gói hỗ trợ của ngân hàng.
Vị chuyên gia cho biết, dù không phải hỗ trợ toàn ngành, tuy nhiên, những doanh nghiệp đang phát triển các "BĐS thiết yếu" như nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp cần được hỗ trợ với những chính sách tài chính như lãi suất, về thủ tục hay về điều kiện để vay, cho phép giữ nguyên nhóm nợ.
"Còn với phân khúc BĐS cao cấp, biệt thự liền kề, BĐS nghỉ dưỡng chưa phải là nhu cầu thiết yếu của người dân thì vẫn nên siết lại" - ông Hiếu nhấn mạnh.