Bất động sản "không đứng yên", chuyên gia ngạc nhiên về hàng vạn giao dịch
(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản, ở Việt Nam cứ một dự án ra đời chỉ cần 18 tháng là hấp thụ hết. Trong khi đó, thời gian trung bình của khu vực ASEAN là 5 năm.
Tại tọa đàm "Bất động sản Việt Nam: Bình thường mới - Xu thế mới - Nhu cầu mới" diễn ra chiều nay (6/10), hầu hết các diễn giả có mặt đều tỏ ra lạc quan vào thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, bản thân cũng cảm thấy "hoang mang", "lo sợ".
Ông Đính kể lại trong quý I năm ngoái tỷ lệ giao dịch trên thị trường đã chạm mức thấp nhất kể từ sau đợt khủng hoảng giai đoạn 2011-2013. Tỷ lệ hấp thụ thời điểm này chỉ khoảng hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, sau khi xem xét, đánh giá thật kỹ lưỡng, tập trung tổ nghiên cứu để theo dõi thật chặt, đến cuối 2020, ông Đính khẳng định bản thân thị trường bất động sản không vướng phải khủng hoảng. "Có đợt dịch thì nó lại lắng xuống, sau đó lại bùng lên", ông Đính quan sát.
Cũng theo vị chuyên gia, ở Việt Nam cứ một dự án ra đời, chỉ cần 18 tháng là hấp thụ hết, trong khi đó, thời gian trung bình của các nước ASEAN là 5 năm. Trong 2 năm xuất hiện Covid-19, nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, do đó, nhiều nhà đầu tư F0 "tràn" vào bất động sản.
Tuy nhiên điểm ông Đính băn khoăn, đó là nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường do nhiều rào cản như quy trình kiểm duyệt, tạm dừng thi công... Theo đó, thị trường không có nhiều sản phẩm mới, dẫn tới cung không đủ cầu.
Trong quý III vừa qua, ông Đính cho biết Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có thực hiện thống kê ở 12 điểm cầu và nhận thấy rất "ngạc nhiên" vì vẫn có hàng vạn giao dịch, ngay trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn ra ở một số khu vực. Tuy nhu cầu tiêu dùng có giảm nhưng nhu cầu của nhà đầu tư không giảm, bởi đây là đối tượng cần đi trước.
Do vậy ông Đính cho rằng, dù thị trường bất động sản bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh nhưng không có chuyện "chết" hay dừng lại, chững lại vì dịch.
Cũng tại tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cũng bày tỏ sự lạc quan về thị trường bất động sản.
Theo vị này, có nhiều người phải "cất tiền" chờ Covid-19 mới mua nhà, thị trường vẫn được quan tâm lớn. "Mua được một bất động sản đôi khi lại là mục tiêu của nhiều người trong Covid-19", ông Khởi nói. Hiện nay, nhiều chính sách đang được các cơ quan chức năng đẩy mạnh để trợ lực cho thị trường bất động sản cuối năm. Đây sẽ là tín hiệu tốt cho cả nhà bán lẫn người mua.
Chia sẻ thêm, chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết giá bất động sản năm 2020 tăng 5,6% toàn cầu, bất chấp dịch bệnh. Một số nước thị trường sôi động như: Australia, Canada...
Với Việt Nam, khả năng phục hồi mạnh bắt đầu từ quý IV - được xem là quý đáy của nền kinh tế. Ông Lực dự báo có hai kịch bản, năm nay kinh tế tăng 2,5%, nếu tốt hơn sẽ tăng 3%, năm tới tăng 6-7%.
Năm 2020, Việt Nam gia tăng 3% lượng kiều hối vào bất động sản (tương đương 17,2 tỷ USD) trong khi thế giới giảm 7%. Năm nay Ngân hàng Thế giới dự báo tăng nhẹ, khoảng 18 tỷ USD.
Hiện nay, nhà đầu tư bất động sản có xu hướng đầu tư các dự án ngoại ô, nghỉ dưỡng, không chọn những khu vực trung tâm như Hà Nội và TPHCM, ông Lực chia sẻ.