1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Bất động sản du lịch “nở rộ” nhưng ngân sách vẫn “thất thu”

(Dân trí) - Việc kinh doanh căn hộ du lịch (condotel), nhà phố, biệt thự trong khu du lịch đang khá “rầm rộ” nhưng vẫn còn nhiều bất cập vì chưa có hành lang pháp lý hoàn thiện. Việc thu ngân sách từ các loại hình kinh doanh này cũng chưa đạt hiệu quả tối đa.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành và Thành ủy, UBND TPHCM về tình hình thị trường bất động sản năm 2018 và kiến nghị các giải pháp để thị trường phát triển minh bạch, ổn định.

Trong báo cáo, HoREA đã có những thống kê sơ bộ về nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nguồn kiều hối “đổ” vào thị trường bất động sản, nạn sốt đất “ảo” và nhiều vấn đề bất cập liên quan đến các loại hình bất động sản du lịch.

Việc kinh doanh các loại hình bất động sản du lịch còn tồn đọng nhiều vấn đề bất cập.
Việc kinh doanh các loại hình bất động sản du lịch còn tồn đọng nhiều vấn đề bất cập.

Theo HoREA, năm 2018, cả nước có nguồn vốn FDI đạt hơn 30 tỷ USD, trong đó có hơn 6,5 tỷ USD đầu tư vào bất động sản, chiếm 21,3%. Bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai trong thu hút vốn FDI sau ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Một trong những quốc gia có nguồn vốn “đổ” vào Việt Nam nhiều nhất vẫn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông.

TPHCM có nguồn vốn FDI đạt khoảng 6,22 tỷ USD, trong đó nguồn vốn FDI vào thị trường bất động sản thành phố tiếp tục tăng trưởng mạnh. Cụ thể, ngành bất động sản đã thu hút được hơn 1 tỷ USD, chiếm 17% tổng nguồn vốn FDI nhưng đây là con số thấp hơn so với năm 2017.

Cũng theo HoREA, trong năm 2018, nguồn kiều hối cũng tăng rất đáng kể, dự kiến cả nước đạt khoảng 15,9 tỷ USD. TPHCM là địa phương thường chiếm khoảng 50% lượng kiều hối cả nước, trong đó có khoảng 21% đầu tư vào thị trường bất động sản.

Đánh giá về hiện tượng sốt ảo giá đất nền, đất nông nghiệp và phân khúc căn hộ du lịch (condotel) trong năm 2018, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, năm 2018, TPHCM xuất hiện hai đợt “sốt ảo” giá đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép tại một số quận ven và huyện ngoại thành.

Loại hình Condotel, nhà phố, biệt thự trong khu du lịch đang làm thất thu ngân sách Nhà nước rất lớn vì chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất quá thấp, trong khi giá bán các sản phẩm này lại rất cao.
Loại hình Condotel, nhà phố, biệt thự trong khu du lịch đang làm thất thu ngân sách Nhà nước rất lớn vì chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất quá thấp, trong khi giá bán các sản phẩm này lại rất cao.

Cơn sốt ảo giá đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép còn xuất hiện tại khu vực xung quanh dự án sân bay Long Thành và tại 3 khu vực dự kiến trở thành đặc khu kinh tế gồm Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.

“Thủ phạm chính là giới đầu nậu và cò đất, mà trong nhiều trường hợp đã móc nối với một số cán bộ cấp cơ sở để phân lô tách thửa tràn lan. Họ cung cấp những thông tin giả hoặc thông tin nửa đúng nửa sai về quy hoạch phát triển đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, các dự án lớn... trên mạng xã hội và các trang thông tin điện tử để làm giá, thổi giá đất, kích động tâm lý đám đông, tạo sóng trên thị trường bất động sản để trục lợi”, ông Lê Hoàng Châu nói.

Cũng theo ông Châu, các cơn sốt ảo giá đất và phân lô trái phép đất nông nghiệp đã được các địa phương can thiệp và kiểm soát tình hình.

Theo ông Châu, trong những năm gần đây đã xuất hiện một số loại hình sản phẩm bất động sản mới như condotel, hometel, officetel, serviced apartment, shophouse. Trong đó, có loại hình condotel tại các khu du lịch nghỉ dưỡng mà Nhà nước chưa có giải pháp quản lý và định hướng phát triển phù hợp.

Trên thực tế, nhiều chủ đầu tư dự án condotel nộp tiền sử dụng đất quá thấp làm thất thu ngân sách Nhà nước nhưng lại bán condotel với giá bán tương đương căn hộ cao cấp thu được lợi nhuận rất lớn. Một số chủ đầu tư còn cam kết lợi nhuận phổ biến từ 8 - 12%/năm trong 8 - 12 năm nhưng không có cơ sở pháp lý để đảm bảo thực hiện những cam kết này.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM.

Vị đại diện HoREA cho rằng, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý cho loại hình condotel, nhà phố, biệt thự trong khu du lịch. HoREA đề nghị bổ sung khoản mới vào Điều 5 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 quy định “các loại bất động sản đưa vào kinh doanh”. Cụ thể, cần phải bổ sung “condotel, nhà phố, biệt thự trong khu du lịch nghỉ dưỡng” là loại bất động sản có sẵn hoặc hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh. Điều này phù hợp với tình hình thực tiễn đối với các khu du lịch nghỉ dưỡng hiện nay và trong thời gian tới khi mà loại hình condotel, nhà phố, biệt thự trong khu du lịch đang phát triển rất mạnh.

Bên cạnh đó, HoREA cũng đề nghị bổ sung loại hình “căn hộ condotel” vào Điều 54 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 về “quyền kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai” để điều chỉnh hoạt động kinh doanh condotel hiện nay. Đồng thời, quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án condotel phải có nghĩa vụ bảo đảm thực hiện đúng cam kết trả lợi nhuận cho nhà đầu tư thứ cấp và người mua condotel.

Đại Việt – Công Quang

Bất động sản du lịch “nở rộ” nhưng ngân sách vẫn “thất thu” - 4