Bất động sản công nghiệp: “Sân chơi” đang nóng từng ngày

Với hiệu ứng cộng hưởng việc Việt Nam đối phó hiệu quả làn sóng dịch Covid-19 lần 2, “sân chơi” bất động sản công nghiệp đang nóng lên từng ngày với sự tham gia của các “tay to” nước ngoài.

Số liệu Savills Việt Nam dẫn từ báo cáo gần nhất của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đứng đầu khu vực Đông Nam Á với GDP dự báo là 1,8% năm 2020 trong khi hầu hết các quốc gia Đông Nam Á khác sẽ suy giảm.

Bất động sản công nghiệp: “Sân chơi” đang nóng từng ngày - 1

Dịch bệnh được khống chế, nền kinh tế ổn định, dòng vốn FDI được duy trì tạo ra nhiều dư địa cho phân khúc BĐS công nghiệp tại Việt Nam

Còn tạp chí The Economist dẫn chứng, Việt Nam xếp thứ 12 trong số 66 thị trường mới nổi đạt những dự báo tích cực sau đại dịch. 

Cuộc chạy đua của những ông lớn 

Theo báo cáo thị trường M&A bất động sản công nghiệp tại Việt Nam sau 2 đợt dịch Covid-19 vừa được Savills công bố thì dù dịch bệnh khiến kinh tế toàn cầu khó khăn, hạn chế đi lại vẫn tiếp tục kéo dài, song hoạt động sáp nhập, thâu tóm, mua bán bất động sản công nghiệp tại thị trường Việt Nam lại có xu hướng được mở rộng với nhóm khách hàng quốc tế.

Ông John Campbell, Quản lý bộ phận dịch vụ Công nghiệp Savills Việt Nam, dẫn chứng 9 tháng đầu năm chứng kiến một số thương vụ sát nhập quan trọng. Điển hình như Tập đoàn Logos Property của Australia đã đầu tư 350 triệu USD cho thương vụ liên doanh bất động sản logistics để thâm nhập thị trường Việt Nam.

Ở một động thái khác, Tập đoàn GLP chuyên về kho bãi cũng đang lên kế hoạch hợp tác với SEA Logistic Partners Việt Nam hoặc tập đoàn SLP ra mắt liên doanh 1,5 tỷ USD tại Việt Nam.

Ngoài ra, công ty Mirae Asset Daewoo Co. và Naver Corporation của Hàn Quốc đã đầu tư 37 triệu USD vào một nhà kho ở trung tâm logistics LogisValley ở Bắc Ninh...

Trong lĩnh vực sản xuất, tập đoàn điện tử Pegatron (Đài Loan), nhà cung ứng linh kiện cho Apple, đã đầu tư hơn 19 triệu USD vào Hải Phòng cho giai đoạn đầu trong chuỗi kế hoạch mở rộng tại Việt Nam.

Bất động sản công nghiệp: “Sân chơi” đang nóng từng ngày - 2

Đang có làn sóng M&A bất động sản công nghiệp tại Việt Nam

Theo thống kê của Savills Việt Nam, trong quý III, tỉnh Hà Nam dẫn đầu thu hút FDI cao nhất cho lĩnh vực chế biến, chế tạo với hơn 447 triệu USD, tiếp đó là Hải Phòng với 438 triệu USD. Dự án sản xuất lớn nhất tại Hà Nam đã nhận được nguồn vốn đầu tư lên đến 273 triệu USD từ tập đoàn Wistron (Đài Loan).

Chia sẻ về những tín hiệu này, ông John Campbell cho rằng điều quan trọng hơn hết là một số nhà đầu tư và sản xuất logistics nổi tiếng nhất thế giới đang dần ủy thác và thể hiện niềm tin của họ vào tiềm năng lâu dài của Việt Nam, bất chấp những khó khăn hiện tại do đại dịch gây ra.

Cần bàn tay “nhạc trưởng”

Tiềm năng là vậy nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc phát triển bất động sản công nghiệp ở thời điểm hiện tại rất cần thiết nhưng cần bình tĩnh hơn. Quan trọng nhất là các địa phương, các doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp cần phải thay đổi tư duy, có tầm nhìn dài hạn để có sự chuẩn bị sẵn sàng hơn mới đón đầu được làn sóng dịch chuyển FDI vào phân khúc này. Trên tất cả cần phải có quy hoạch tổng thể, đồng bộ, lựa chọn vị trí phù hợp, không phát triển một cách tràn lan. 

Bà Bùi Nguyễn Huyền Trang - chuyên gia đơn vị nghiên cứu thị trường Jones Lang Lasalle Việt Nam cho biết, trên thực tế, không phải bất kỳ khu công nghiệp nào cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà sản xuất, do lựa chọn hàng đầu để xây dựng nhà xưởng sản xuất của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài chính là các khu công nghiệp đã được đầu tư đồng bộ về mặt hạ tầng. Nhưng hiện nhiều khu công nghiệp tại Việt Nam chỉ đơn thuần là san lấp mặt bằng và chờ nhà đầu tư nước ngoài tới. 

“Nếu chủ đầu tư dự án khu công nghiệp không có quy hoạch tốt, không có kết nối đồng bộ, không thực hiện đủ các thủ tục về pháp lý thì việc hưởng lợi từ những ưu đãi khác sẽ không có ý nghĩa gì đối với nhà đầu tư nước ngoài”, bà Bùi Nguyễn Huyền Trang lưu ý.

Ngoài những ưu đãi chung của Nhà nước cho từng khu công nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài còn quan tâm tới mạng lưới các nhà cung cấp nguyên liệu, vật tư phụ trợ có sẵn sàng cho hoạt động của nhà máy tại khu công nghiệp hay không. Đồng thời, họ cũng quan tâm tới cả thủ tục cấp phép đầu tư tại khu công nghiệp có thông thoáng không, thời gian cấp phép có đáp ứng được đủ tiến độ triển khai dự án hay không. 

"Trong bối cảnh hiện nay, để đón làn sóng đầu tư mới, rất cần một bàn tay “nhạc trưởng” định hướng phát triển khu công nghiệp bền vững theo chiều sâu, đạt hiệu quả kinh tế và thân thiện môi trường" - một chuyên gia nêu quan điểm.