Bất động sản công nghiệp: Không nhanh sẽ mất cơ hội

Việt Nam không nhanh chóng chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng sẽ mất cơ hội đón làn sóng đầu tư vào Việt Nam sau dịch Covid-19.

Bất động sản công nghiệp: Không nhanh sẽ mất cơ hội - 1

Các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp nên biết "liệu cơm gắp mắm", hướng đến các doanh nghiệp phù hợp (Ảnh: KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng)

Ông Đặng Văn Quang - Giám đốc JLL Việt Nam cho biết, Việt Nam đang có rất nhiều dự án FDI. Đặc biệt sau khi ông Trump lên làm Tổng thống Mỹ, thương mại của thế giới đã có nhiều thay đổi, trong đó có chính sách liên quan đến quan hệ với kinh tế Trung Quốc. Và Việt Nam đã phần nào được hưởng lợi từ đó.

Liệu cơm gắp mắm

Việt Nam cùng với Malaysia và Indonesia ở khu vực Đông Nam Á và Mexico ở châu Mỹ rất may nằm trong xu hướng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc của Mỹ.

Bất động sản công nghiệp: Không nhanh sẽ mất cơ hội - 2

Ông Đặng Văn Quang - Giám đốc JLL Việt Nam

Ông Quang cho rằng, khi dịch chuyển đầu tư, các doanh nghiệp Mỹ muốn tìm đến thị trường tương đồng. Nhiều doanh nghiệp muốn tìm hiểu để dịch chuyển nhà xưởng. Tuy nhiên, khi dịch chuyển nhà máy có rất nhiều vấn đề phức tạp, liên quan đến những toan tính của các nhà đầu tư này và các ràng buộc khác như hệ thống cung ứng đang ở Trung Quốc, cộng thêm giai đoạn vừa rồi do COVID-19 nên việc sang thăm khảo sát gặp khó khăn.

“Chúng tôi ghi nhận nhiều sự quan tâm nhưng ký kết cụ thể chưa nhiều. Chúng tôi hy vọng khi COVID-19 được kiểm soát hoạt động này sẽ được đẩy mạnh hơn”, ông Quang kỳ vọng.

Tuy nhiên, chuyên gia JLL Việt Nam lo ngại, trung bình một dự án mất 3 - 5 năm để làm thủ tục; các dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng phải mất 2-3 năm. Sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế có, tuy nhiên gặp những rào cản từ luật, người thực thi luật và các văn bản dưới luật.

“Chính phủ Ấn Độ đã chi khoảng 30 tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển về nước này. Khi đó nếu Việt Nam không nhanh sẽ mất cơ hội như Thủ tướng đã nói dọn tổ cho đại bàng nhưng nếu không nhanh đại bàng sẽ bay mất”, ông Quang cảnh báo.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, quỹ đất cho phát triển khu công nghiệp của Việt Nam cũng rất hạn hẹp. Nếu muốn lấy đất mở rộng các khu công nghiệp cũng gặp các rào cản. Như được biết, có khu công nghiệp ở Bắc Ninh phải mất 10 năm mới hoàn thành thủ tục hạ tầng để cho thuê được.

Không những vậy, quỹ đất cho phát triển khu công nghiệp đã hạn chế nhất, quỹ đất có hạ tầng giao thông tốt lại càng hạn chế hơn. Do đó, ông Quang cho rằng, với hệ thống hạ tầng hiện tại, Việt Nam thực tế không thể đáp ứng được hết những yêu cầu của các ông lớn ngoại thay vào đó các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp trong nước cần có sự phân tích kỹ thị trường và đánh giá đúng năng lực bản thân.

“Theo tôi, Việt Nam không nhất thiết đón những doanh nghiệp hàng đầu, hãy đón những doanh nghiệp phù hợp với mình. Nói tóm lại hãy “liệu cơm gắp mắm”- ông Đặng Văn Quang khẳng định.

Có sự kết nối với các loại hình khác

Đồng quan điểm, theo ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Cty Shinec, để chuẩn bị đón các xu hướng đầu tư lớn hoặc xây dựng chuỗi cung ứng đã có 374 khu công nghiệp được hình thành trên cả nước và tỷ lệ lấp đầy cũng được trên 70%. "Như vậy nếu Việt Nam không nhanh chóng chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng thì mất cơ hội đón làn sóng đầu tư vào Việt Nam" - ông Điệp khẳng định.

Bất động sản công nghiệp: Không nhanh sẽ mất cơ hội - 3

Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Cty Shinec

Ngoài ra, theo ông Điệp, hiện nay tư duy về môi giới bất động sản đang bị bó hẹp ở các loại hình như nhà ở, bất động sản nghỉ dưỡng. Trong khi bất động sản công nghiệp đang rất tiềm năng nhưng lại chưa có sự bắt tay giữa bất động sản công nghiệp với các loại hình khác.

"Bất động sản công nghiệp phát triển thì bất động sản nhà ở mới phát triển. Tuy nhiên, các sàn bất động sản đang thiếu tầm nhìn về điều này", ông Phạm Hồng Hiệp cho biết.

Ông Điệp cũng nhấn mạnh, bởi lẽ chúng ta chưa có được sự tận dụng, kết nối giữa các loại hình bất động sản với nhau tạo nên những chênh lệch giữa các phân khúc. Không những vậy, việc này cũng khiến cho thị trường bất động sản công nghiệp dù rất nhiều tiềm năng nhưng cũng rất khó tiếp cận đến các nhà đầu tư.

Theo đó, ông Phạm Hồng Diệp cho rằng, các nhà môi giới bất động sản phải ngồi lại với nhau để tìm ra được lời giải cho bài toán đưa bất động sản công nghiệp gần hơn với các nhà đầu tư, có những góc nhìn mới hơn để đưa thị trường bất động sản phát triển.