1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Bảng giá đất mới của TP Đà Nẵng: Nhiều ý kiến trái chiều.

UBND TP Đà Nẵng vừa ký Quyết định 06/2019/QĐ-UBND, sửa đổi bảng giá đất chính thức có hiệu lực từ ngày 11/2/2019, trong đó bổ sung bảng giá của hàng loạt tuyến đường thuộc các quận, huyện trên địa bàn TP. Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến trái chiều về các quy định mới này.

Thiệt thòi cho người dân

Tuy nhiên, một số khu vực từng được cho là "sốt, nóng" như quận Sơn Trà, quận Ngũ Hành Sơn hoặc Liên Chiểu lại đang thấp hơn thị trường nhiều lần.

Cụ thể, khi giá thị trường đã ở mức hàng trăm triệu đồng/m2, thì giá nhà nước đưa ra thấp hơn nhiều – cao nhất là 98,8 triệu đồng/m2. Đơn cử như đường Võ Nguyên Giáp, trong khi giá đất cao nhất theo Quyết định 06 cho tuyến đường này tùy theo vị trí là 98,8 triệu đồng/m2 thì giá thị trường đang dao động quanh mức 250 triệu đồng/m2, thậm chí nhiều vị trí đẹp giá còn lên đến 330 triệu đồng/m2.

Hay khu vực nội thành như Bạch Đằng giá đất thị trường dao động khoảng 300 triệu/m2 – thậm chí còn cao hơn, song giá công bố theo Quyết định 06 chỉ từ 21,82 – 98,8 triệu đồng/m2. Tương tự, giá đất theo thị trường nhiều vị trí dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh đang dao động quanh mức 240 triệu đồng/m2 thì mức giá nhà nước đưa ra chỉ từ 19,8 – 98,8 triệu đồng/m2. Đáng chú ý, tại nhiều khu vực tại quận Ngũ Hành Sơn, quận Liên Chiểu, giá đất mới công bố cũng thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế.

1.jpg

Giá đất thị trường tại đường Bạch Đằng dao động khoảng 300 triệu/m2 song giá công bố chưa đến 100 triệu đồng/m2

 

Nói về bảng giá đất mới ban hành của UBND TP Đà Nẵng, một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đánh giá, mức giá đất công bố theo Quyết định 06/2019/QĐ-UBND có tăng nhưng chưa hợp lý vì giá đất đến nay cũng đã tăng khá nhiều và rắc rối cũng nảy sinh từ đây.

“Tôi lấy ví dụ, nếu áp dụng theo bảng giá đất công bố thì đất tại đường Võ Nguyên Giáp có giá thị trường khoảng 250 triệu đồng/m2 nhưng giá đất “niêm yết” là 98,8 triệu đồng/m2; đồng nghĩa nếu khu vực đó đền bù giải toả thì giá đền bù mỗi mét người dân sẽ mất 150 triệu đồng - rất thiệt thòi cho người dân”, vị này cho hay.

Doanh nghiệp băn khoăn

Đó là đối với người dân, còn về phía doanh nghiệp, giám đốc đầu tư một công ty bất động sản tại Đà Nẵng (đề nghị không nêu tên) cho biết: Hiện nay tồn tại 2 loại giá đất là do Nhà nước quy định và giá thị trường. Trong đó, giá đất do Nhà nước quy định chỉ bằng 30-40% so với thị trường. Tình trạng trên đã phát sinh khá nhiều rắc rối, tiêu cực trong đền bù, giải tỏa, thực hiện nghĩa vụ tài chính…

“Hiện nay, doanh nghiệp đang phải tự đi mua đất của người dân theo giá thị trường, rồi lại đóng tiền sử dụng đất cũng theo giá thị trường thì coi như mua đất đến hai lần. Trong khi đó, Nhà nước chỉ khấu trừ chi phí theo bảng giá đất lại thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường nên doanh nghiệp thiệt cả 3 đường – chứ đừng nói là đôi đường” - DN này cho hay.

2.JPG

Giá đất cao nhất theo Quyết định 06 cho tuyến đường Võ Nguyên Giáp là 98,8 triệu đồng/m2 nhưng giá thị trường đang dao động quanh mức 250 triệu đồng/m2, thậm chí nhiều vị trí đẹp giá còn lên đến 330 triệu đồng/m2

 

Dưới góc nhìn của mình, ông Đỗ Minh Dương – một chuyên gia bất động sản cho biết: Nhìn chung, việc tăng giá đất sẽ có tác động cả hai mặt là tích cực và tiêu cực: Về mặt tích cực, do nguồn thu từ đất đai hiện chiếm khá lớn trong tổng nguồn thu ngân sách nên tăng giá đất sẽ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách cũng như giúp cho việc quản lý, sử dụng đất đai được cân nhắc kỹ. Giá đất tăng sẽ hạn chế tình trạng phát triển các dự án bất động sản một cách tràn lan, lãng phí đất đai.

Tuy nhiên, theo ông Dương, tăng giá đất cũng dẫn đến nhiều tác động tiêu cực: Thứ nhất, với giá đất hiện nay công tác giải phóng mặt bằng đã khó thì tăng giá đất sẽ còn khó nữa. Thứ hai, có một thực tế không thể phủ nhận là giá đất để tính thuế, phí chuyển nhượng nhà đất thấp hơn giá thị trường giao dịch nhiều lần, gây thất thu hàng ngàn tỉ đồng tiền thuế nhưng không thể tăng giá đất chỉ để phục vụ mục đích tính thuế bởi giá đất tăng sẽ khiến chi phí đầu vào lớn, càng thêm gánh nặng khi doanh nghiệp đang phải đối mặt với một loạt quy định mới như ký quỹ, phí bảo lãnh…

“Bất động sản từ đó sẽ không thu hút được các nhà đầu tư, làm giảm năng lực cạnh tranh về thu hút đầu tư của tỉnh thành” - ông Dương nhấn mạnh.

Theo: Kiều Vũ

DDDN

banner_chan-bai.gif