Bán 2 mảnh đất mua căn hộ trung tâm, tiếc đứt ruột vì lỗ 3 tỷ đồng

Rất nhiều gia đình trẻ, để tiện lợi nhất cho việc học hành của con cái hoặc để đi làm gần hơn, đã quyết định sai lầm khi bán nhà, đất ngoại thành để mua căn hộ chung cư ở trung tâm thành phố.

Anh Bình chia sẻ, cách đây 7 năm, con gái lớn của anh bắt đầu học lớp 10. Vì định hướng cho con theo học tại một trường chuyên ở Thanh Xuân nên anh Bình đã bàn với vợ bán 2 mảnh đất đang có để mua một căn hộ chung cư 110m2, 3 phòng ngủ tiện lợi ở Thanh Xuân, Hà Nội.

 
Bán 2 mảnh đất mua căn hộ trung tâm, tiếc đứt ruột vì lỗ 3 tỷ đồng - 1

Vợ chồng anh Bình quyết định bán nhà, đất ngoại thành để mua chung cư (ảnh minh họa)

Nhà anh Bình cách Thanh Xuân gần chục km. Nghĩ con gái đi học bằng xe đạp điện xa nhà không yên tâm và muốn đầu tư để thuận tiện cho con ăn học nên vợ chồng anh chị quyết định bán căn nhà cấp 4 với diện tích 50m2 đang ở. Căn nhà này có vị trí rất đẹp. Đó là nhà nằm ngay giữa chợ dân sinh, trước mặt là đường rộng 4m, ô tô đi lại thoải mái. Anh bán với giá 2,2 tỷ đồng.

Vẫn chưa đủ tiền mua căn hộ chung cư rộng rãi, anh Bình quyết định bán tiếp một mảnh đất dịch vụ 50m2 ở Phú Lương với giá 1,3 tỷ đồng. Cách đây hơn 7 năm trước, đất dịch vụ Phú Lương giá còn rất rẻ nên mức đó cũng khá được giá.

Bán nhà cấp 4 và mảnh đất ở ngoại thành được 3,5 tỷ, vợ chồng anh Bình quyết định mua chung cư cao cấp 110m2 với giá 3,1 tỷ đồng. Số tiền 400 triệu còn lại, anh chị lấy vốn để kinh doanh đầu tư mỹ phẩm với ý nghĩ tiền đẻ ra tiền.

Từ khi chuyển nhà, cuộc sống của vợ chồng anh Bình an cư hơn khi có nhà đẹp, rộng rãi. Vợ chồng anh hàng ngày được đi làm gần, 2 con đi học cũng gần, sinh hoạt hàng ngày tiện lợi hơn. Thế nhưng, do tốc độ đô thị hóa, đất ven đô và ngoại thành tăng giá chóng mặt, trong khi nhà chung cư thì tăng không đáng kể. Sau hơn 7 năm chuyển nhà, tính ra vợ chồng anh Bình lỗ hơn 3 tỷ.

Bán 2 mảnh đất mua căn hộ trung tâm, tiếc đứt ruột vì lỗ 3 tỷ đồng - 2

Giờ giá đất tăng, anh chị lỗ 3,1 tỷ mà chung cư đang ở nếu bán cũng không được giá (ảnh minh họa)

 

Anh Bình ngậm ngùi kể: “Mình cũng từng ở nhà mặt đất ngay giữa chợ nên quanh năm ồn ào, xô bồ, rất bẩn vì rác nhiều. Buổi tối ngủ phải khóa cửa mấy lớp để an toàn và không có mùi rác, mùi than tổ ong vào nhà. Gần chục năm nay ở chung cư thấy bình yên và an toàn. Nhà cũng rộng thênh thang, con cái bố mẹ sinh hoạt chung một sàn nên rất đầm ấm. Thế nhưng, đất ngoại thành lên giá, nhất là đất dịch vụ nên tính ra sau 7 năm vợ chồng mình lỗ mất vài tỷ. Càng nghĩ càng thấy mình đã quyết định sai”.

Cụ thể, sau hơn 7 năm, mảnh đất thổ cư ở giữa chợ nhà anh bán đợt nào 2,2 tỷ giờ các hộ gia đình ở đó cho biết có giá 3,3 tỷ. Riêng mảnh đất dịch vụ 50m2 thì giá tăng phi mã. Trước đây, anh Bình bán được 1,3 tỷ nay có giá 3,3 tỷ. Tính ra, anh Bình mất trắng 3,1 tỷ đồng. Chưa kể chung cư đang ở sau gần 10 năm đã xuống cấp, mất giá, rao 2,7 tỷ đồng cũng khó bán. 

“Ngẫm lại mới thấy, vợ chồng mình vì quá cần chỗ ở để các con tiện học hành mà đã nóng vội bán đi 2 mảnh đất ở ngoại thành để mua căn hộ chung cư ở trung tâm thành phố. Nhưng 7-8 năm sau, khi các con lớn như hiện nay, có muốn bán căn hộ chung cư này đi để về quê sống thì tiền bán nhà cũng chỉ đủ để mua lại được 1 mảnh đất mà vợ chồng mình đã bán trước đó”, anh Bình lắc đầu tiếc nuối.

Khi nhắc tới bài toán kinh doanh này, người đàn ông 40 tuổi rút ra bài học thấm thía: Để đầu tư kinh doanh đất không bị tiêu sản đi thì phải tính toàn thật kỹ lưỡng, nhất là phải nhìn xa hơn để không tự mình làm cho cuộc sống của mình nằm trong cái vòng luẩn quẩn.