Bài học về cách thưởng trà trong văn hóa trà đạo Nhật Bản
(Dân trí) - Trà đạo là một nghi thức được thực hiện theo tuần tự nhất định, đòi hỏi người thưởng trà phải có thái độ trân trọng và tỉ mỉ trong từng lá trà được pha.
Việc trồng chè bắt đầu ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ 12, sau khi thiền sư Eisai (1141-1215) trở về từ Trung Quốc vào năm 1191 đem theo hạt giống cây chè. Eisai coi trà như một loại thuốc. Ông thậm chí còn viết một chuyên luận về uống trà, "Kissa Yojoki" (uống trà vì sức khỏe) hiện tại vẫn được áp dụng và giới chuyên môn đánh giá cao. Eisai cũng được cho là người đầu tiên đưa ra khái niệm trà đạo, kết hợp trà, thiền và thiền định thành một nghi lễ chính quy.
Nơi Eisai trồng những cây chè đầu tiên là trên sườn phía bắc của núi Sefuri, nằm ở bên giới giữa hai tỉnh Fukuoka và Saga trên đảo Kyushu. Yêu cầu về nơi trồng Camellia sinensis - một loại chè - là cần thoát nước tốt, do đó quận Hoshino-mura của Yame, cách núi Sefuri khoảng 35 km về phía đông nam, chính xác là một khu vực rất phù hợp và đến nay, nơi đây vẫn luôn là trung tâm sản xuất trà của Nhật Bản.
Kiya Yasuhiko là chủ sở hữu của Kiya Horyouen, nhà sản xuất và cung cấp trà tốt nhất Nhật Bản từ năm 1930. Không những vậy, ông còn là một bậc thầy về trà, luôn mang trong mình lý tưởng giúp nhiều người hiểu thêm về trà xanh và chỉ dẫn cho họ về các nghi thức trà đạo.
Cửa hàng của ông tại ra Seisui-an, nơi nhìn thẳng ra sông Hoshino, Kiya Yasuhiko đã đem tới cho các vị khách trải nghiệm về một buổi trà đạo hậu hiện đại.
Giải thích động lực của chính mình trong việc trồng và phát triển loại trà xanh tốt nhất, Kiya nói rằng trong thời hiện đại của chúng ta, nhiều người không còn tự pha trà nữa mà thay vào đó họ mua trà được pha sẵn trong chai. Ông bắt đầu lo sợ rằng sự ra đời của sản phẩm hướng đến sự tiện lợi này đang khiến mọi người dần quên đi cách thưởng thức những loại trà chất lượng tốt. Vì vậy, từ 10 năm trước, ông đã tiến hành việc tạo ra một địa điểm ở Seisui - nơi người ta có thể uống những cốc trà chất lượng nhất.
Kiya bắt đầu mời các vị khách thưởng thức "một loại trà lạnh" được làm bằng lá shincha đặc biệt. Ông giải thích rằng các giống chè khác nhau được thu hoạch vào các thời điểm khác nhau như thế nào, vì thời điểm thu hoạch có ảnh hưởng nhiều đến hương vị của lá. Shincha thường được thu hoạch hàng năm vào khoảng tuần thứ ba của tháng 4, nhưng ở Hoshino thì thu hoạch muộn hơn một chút, vào khoảng Tuần lễ vàng. Đích thân Kiya là người đã chọn những lá trà ngon nhất cho shincha.
Khi Kiya bước ra khỏi phòng chuẩn bị của mình với một chai bia lạnh, các vị khách có thể trông thấy rõ ràng bên trong là những chiếc lá sẫm màu. Kiya giải thích rằng chất lỏng trong suốt này chính là để pha trà. Ông lưu ý hầu hết mọi người tin rằng o-cha (trà xanh Nhật Bản) phải có màu xanh lá cây, nhưng không phải vậy. Ngay cả chất lỏng rất nhạt cũng có thể là trà. Màu xanh mà mọi người quen thuộc bắt nguồn từ việc bẻ lá chè. Như để chứng minh, Kiya lắc nhanh chai và chất lỏng ngay lập tức đổi màu, trở thành màu xanh lục, đậm hơn trà xanh thông thường. Nhưng điều ngạc nhiên thực sự đã đến khi ông rót trà vào những ly rượu pinot noir. Ngồi trên thanh gỗ dưới ánh đèn hắt xuống, chất lỏng sáng lên một màu xanh vàng. Hương vị cũng đáng ngạc nhiên như màu sắc, thơm và không có chút đắng.
Kiya đổ nước gần sôi vào một cái nồi, kiểm tra nhiệt độ của nó, sau đó đổ vào một cái nồi khác và cuối cùng là bốn chiếc cốc, tất cả đều nhằm mục đích đo nhiệt độ nước chính xác. Trong lúc đó, ông ấy trò chuyện với các vị khách về những điều cần biết về trà và những trải nghiệm của bản thân với trà. Có lẽ quan điểm của buổi trà đạo hậu hiện đại này không phải là uống trà nhiều mà là để tận hưởng sự thú vị của "thời gian uống trà".
Mục tiêu của Kiya là làm cho nước ở 40 độ C đến 50 độ C, một nhiệt độ khá ấm, nhằm tạo ra vị umami của o-cha. Trong khi chờ đợi, Kiya cũng đo lượng trà cần thiết từ một hộp đựng được đậy kín.
Ông phục vụ những vị khách mỗi người năm tách trà làm từ những chiếc lá này. Chén đầu tiên được rót ra ngay khi lá trà ướt, chỉ cần nhấp vài ngụm trà với vị umami hơi đắng.
Mỗi cốc tiếp theo, được làm từ cùng một loại lá, có một hương vị khác nhau. Giữa cốc thứ ba và thứ tư, là lúc thưởng thức một món ngọt wagashi.
Sau tách trà thứ năm, Kiya tuyên bố rằng những chiếc lá cuối cùng đã nở hoàn toàn. Ông cẩn thận vớt lá ra khỏi bình trà, cho vào đĩa nhỏ và rắc các tinh thể muối từ Itoshima trên bờ biển Fukuoka lên chúng.
Đối với bữa trà vào buổi chiều, Kiya sẽ phục vụ hojicha, một loại trà rang nhẹ tốt nhất nên pha với nước gần nhiệt độ sôi. Kiya lưu ý rằng hojicha là một loại trà từ miền đông Nhật Bản không được biết đến nhiều hoặc phổ biến ở miền tây Nhật Bản. Đối với loại trà này, ông đã sử dụng một tách trà bằng đất nung cũng có hình dạng giống như một ly rượu pinot noir, nhưng không có thân. Những chiếc cốc này được đặc biệt đặt làm tại lò Takatori-yaki Onimaru ở Toho gần đó, sau khi ông quyết định rằng hình dạng này là phù hợp nhất trong việc giúp tỏa ra mùi thơm từ đất của món hojicha rang nhẹ.
Tại Seisui-an, tất cả đều có thể tự do lựa chọn các loại trà thưởng thức bằng chiếc ấm hoặc tách tách trà được thiết kế tinh tế để nâng cao trải nghiệm của mình về hương vị trà. Tuy nhiên, đối với những người chưa có cơ hội được đến tham quan trực tiếp, bạn hoàn toàn có thể truy cập vào cửa hàng trực tuyến của Kiya Horyouen để tìm hiểu thêm.