5 loại cây phong thủy trong nhà vừa “hút” tài lộc, vừa mang đến lợi ích bất ngờ cho sức khỏe
(Dân trí) - Không chỉ mang đến những ích lợi cho sức khỏe, việc trồng cây xanh trong nhà còn có ý nghĩa về mặt phong thủy.
Việc đặt cây xanh trong nhà có rất nhiều lợi ích. Đầu tiên, cây xanh, chậu hoa sẽ là nhân tố tạo điểm nhấn trong ngôi nhà “toàn bê tông, sắt thép”.
Màu xanh cũng giúp căn nhà trở nên hài hòa, tươi mát hơn. Một số cây xanh trong nhà còn có thể làm sạch không khí và làm giảm độc tố, bức xạ của các thiết bị điện tử.
Đặc biệt, theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Sang (Hải Phòng) nếu biết cách bài trí, cây xanh còn là một yếu tố phong thủy đem lại may mắn, tài lộc cho gia chủ.
Dưới đây là những cây xanh bạn nên trồng trong nhà hoặc văn phòng.
Cây trầu bà
Cây trầu bà thuộc cây thân thảo, dạng leo, hình dáng mềm mại, có lá hình trái tim và giống cây trầu không. Đây là 1 trong 5 loại cây lọc khí hiệu quả, có khả năng hấp thụ chất độc từ khói thuốc, xăng xe, bức xạ điện tử…
Trồng một cây trầu bà trong nhà, không chỉ giúp căn nhà có thêm những khoảng không gian thoáng đãng mà còn giúp thanh lọc môi trường xung quanh, tốt cho sức khỏe.
Trong phong thủy, cây trầu bà còn là loại cây tượng trưng cho tài lộc, thịnh vượng và mang lại may mắn cho gia chủ. Là loại cây có hình dáng mềm mại, uyển chuyển nên trầu bà cũng thích hợp với những nhà quản lý, giám đốc doanh nghiệp… bởi nó tượng trưng cho sự không ngừng vươn lên trong sự nghiệp.
Bạn có thể đặt một chậu cây trầu bà trên bàn làm việc, tại ban công hay các góc nhà. Tuy nhiên, trầu bà sẽ độc nếu vô tình ăn phải. Do đó, không nên trồng hoặc đặt cây ở những nơi có trẻ em.
Cây kim tiền
Cây kim tiền là loài cây khóm (bụi) lá xanh mướt có sức sống mãnh liệt, dễ chăm sóc nên rất phù hợp để trồng trong nhà, văn phòng. Đây cũng là loài cây có tác dụng cung cấp oxy, thanh lọc không khí, phủ xanh không gian sống, giúp căn nhà trở nên thoáng đãng, chan hòa với thiên nhiên.
Trong phong thủy, cây kim tiền còn được mệnh danh là “cây kim phát tài”. Thân cây vươn cao, lá xanh hướng lên trên ý nghĩa như bàn tay hứng lộc trời cho, tượng trưng cho sự cầu tiến, không ngừng vươn lên. Đặc biệt, cây kim tiền cũng mang ý nghĩa tốt đẹp về tiền bạc, tài lộc.
Bạn có thể đặt cây kim tiền trên bàn làm việc, tại các không gian đón ánh sáng trong căn nhà để cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Cây lưỡi hổ
Đây là loại cây có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới, cây có thân dạng dẹt, mọng nước, trên thân thường có 2 màu xanh và màu vàng dọc từ gốc đến ngọn. Khi ra hoa, hoa lưỡi hổ thường nở thành từng cụm.
Theo các nghiên cứu, cây lưỡi hổ rất tốt trong việc thanh lọc không khí, loại bỏ độc tố trong khí thải, bụi bẩn… Ngoài ra, cây cung cấp lượng oxy lớn ra môi trường nên rất tốt cho sức khỏe. Bạn có thể trồng lưỡi hổ trong chậu hoặc làm các giá treo trang trí.
Với hình dáng sắc nhọn như lưỡi kiếm, cây lưỡi hổ trong phong thủy có ý nghĩa tượng trưng cho khí phách người quân tử, có chí hướng vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra, dáng vẻ uy nghi từ thân đến ngọn của cây còn là biểu tượng của sự uy quyền, danh gia vọng tộc, phú quý.
Người Trung Hoa trồng loại cây này trong nhà như một cây quý giá có ý nghĩa phong thủy hưng thịnh, vì tám vị thần sẽ ban tặng 8 đức tính quý giá của họ cho người sở hữu cây lưỡi hổ: Thịnh vượng, sắc đẹp, sống lâu, thông minh, sức khỏe, nghệ thuật, sức mạnh và thơ ca.
Cây lan ý
Cây lan ý hay còn gọi là bạch môn, vỹ hoa trắng, cây thường mọc thành bụi. Đây là loại cây rất được trồng trong nhà bởi đặc tính lọc bẩn trong không khí rất tốt.
Ngoài ra, nó còn hấp thụ năng lượng bức xạ nhân tạo phát ra từ tivi, điện thoại, lò vi sóng, máy tính, đài, đồng hồ điện tử… Vì thế, lan ý thường đường nhiều người đặt ở bàn làm việc, quầy lễ tân, ban công, cửa sổ… để đem lại những lợi ích cho căn nhà.
Trong phong thủy, lan ý là loài cây có ý nghĩa điều hoà và hấp thu những nguồn năng lượng xung khắc trong nhà, giúp gia chủ có một không gian sống hài hoà và yên bình.
Cây lan ý có thể sống tốt trong môi trường máy lạnh ở văn phòng, trong nhà kín dưới ánh sáng đèn quang. Tuy nhiên để cây sinh trưởng và phát triển tốt, bạn nên thường xuyên xoay chậu cây ra phía có ánh sáng mặt trời.
Thiết mộc lan
Cây thiết mộc lan hay còn gọi là cây phát tài, cây phất dụ thơm. Cây có hoa trắng và mùi thơm nhẹ nhàng. Không chỉ giúp nhà bạn hương sắc ngào ngạt, mà cây thiết thiết mộc lan còn có tác dụng thanh lọc không khí rất tốt. Cây có thể lọc bỏ các độc tố gây ô nhiễm không khí mang đến không gian thoáng đãng, trong lành và duy trì sức khỏe cho các thành viên.
Trong phong thủy, thiết mộc lan cũng là loài cây được cho là mang đến may mắn cho gia chủ về tài lộc và tiền bạc.
Hướng tốt nhất để đặt cây là hướng Đông hoặc Nam của căn nhà.
Lưu ý khi trồng cây trong nhà
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Sang (Hải Phòng) cho biết, để cây xanh sinh trưởng và phát triển tốt nên đặt cây ở những vị trí đón nhiều ánh sáng nhất là ban công, cầu thang, cạnh cửa sổ, cửa kính…
Khi trồng cây xanh trong nhà, gia chủ cần phải theo dõi “sức khỏe” của cây. Trong trường hợp héo úa thì nên lựa chọn vị trí khác để đặt cây.
Còn theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Hồng Sơn, tuyệt đối không được để cây xanh trong phòng ngủ: “Đây là điều tối kỵ nhất khi đặt cây phong thủy”. Ông Sơn cũng cho biết, nếu gia chủ đặt cây phong thủy là cây tự nhiên, cần phải đảo cây liên tục mỗi tháng một lần.
“Đã là cây tự nhiên, cây xanh thì cây nào cũng cần ánh sáng, cây sẽ không sống được nếu như để trang trí trong nhà. Chính vì vậy, gia chủ cần luân chuyển cây trong nhà ra ban công để đạt được hiệu quả tốt nhất”.
Việt Vũ