Hà Tĩnh:
5 lần đấu giá bất thành, dự án đô thị hàng trăm tỷ đồng thành nơi thả bò
(Dân trí) - Mặc dù, đã 5 lần tổ chức đấu giá nhưng đến nay dự án khu đô thị Đông Nam huyện Kỳ Anh vẫn chưa thể bán được bộ hồ sơ nào. Phía chủ đầu tư cho rằng do Hội đồng giá tăng lên 20 – 30% khiến người dân, doanh nghiệp không dám bỏ tiền mua.
5 lần đấu giá bất thành
Dự án Hạ tầng khu dân cư đô thị, thương mại và dịch vụ tổng hợp Đông Nam huyện Kỳ Anh có diện tích hơn 17 ha, thuộc địa bàn các xã Kỳ Thư, Kỳ Văn và Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh). Dự án được khởi công từ năm 2016 do Trung tâm Phát triển quỹ đất (PTQĐ) – Sở Tài Nguyên Môi Trường (TNMT) Hà Tĩnh làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 130 tỷ đồng được vay từ Quỹ đầu tư và phát triển Hà Tĩnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Dự án bao gồm các hạng mục hạ tầng hoàn chỉnh như san nền, hệ thống đường giao thông, hệ thống mương thoát nước, thoát thải, hệ thống điện nước…
Sau khi hoàn thiện hạ tầng, ngày 14/12/2017, Trung tâm PTQĐ đã tiến hành ký hợp đồng với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Hà Tĩnh tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất lần một đối với 88/160 lô. Theo Quyết định của UBND tỉnh phê duyệt, giá khởi điểm bán đấu giá quyền sử dụng đất tại dự án có mức giá từ 6 – 11 triệu đồng/m2, tùy diện tích và vị trí từng lô đất. Tuy nhiên, phiên đấu giá này không có bất kỳ hồ sơ nào tham gia. Sau đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất tiếp tục tổ chức phiên đấu giá lần 2 nhưng kết quả cũng không khác đợt 1.
Do vướng mắc hạ tầng nên nhiều hạng mục bị “nghẽn”.
Để tiếp tục đấu giá, phía chủ đầu tư đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh giá khởi điểm 88 lô đất với mức giá giao động từ 4,280 triệu đồng - 7,550 triệu đồng/m2, trung bình 4,85 triệu đồng/m2. Ngày 03/7/2018, Trung tâm Phát triển quỹ đất ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh để tổ chức đấu giá; tuy nhiên sau 2 lần thông báo nhưng vẫn không có người tham gia.
Đến ngày 10/9/2018, Trung tâm tiếp tục ký hợp đồng dịch vụ bán đấu giá với Công ty Đấu giá hợp danh Trường Thịnh để tổ chức bán đấu giá lần thứ 5 nhưng cũng không có người tham gia.
Sau 3 năm với 5 phiên đấu giá bất thành, đến nay dự án đã trở nên hoang hóa, cỏ dại mọc um tùm, người dân xung quanh tận dụng để chăn thả trâu bò. Hàng trăm tỉ đồng ngân sách đầu tư chưa thể thu hồi, khiến nguồn vốn Nhà nước bị ứ đọng, lãng phí.
Giá bị “thổi” trên trời?
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo Dân trí, ông Từ Hải Đường - Giám đốc Trung tâm PTQĐ Hà Tĩnh cho biết, nguyên nhân chính khiến 5 lần đấu giá đất đều bất thành là do liên quan đến mặt bằng và giá đất.
“Trước khi đấu giá, chúng tôi đã xây dựng mức giá sát với thị trường, thế nhưng khi đưa ra duyệt thì Hội đồng giá lại nâng giá lên từ 20 – 30%. Mức giá đó cao gấp nhiều lần so với thị trường nên chúng tôi không bán được”, ông Đường thông tin.
Cỏ mọc um tùm nơi đây trở thành điểm lý tưởng để người dân xung quanh chăn thả trâu bò.
Được biết, khi định giá đất UBND tỉnh Hà Tĩnh đã giao Sở TN&MT chủ trì, cơ quan này đã thuê công ty tư vấn giá độc lập cùng với Phòng giá của Sở căn cứ trên các quy định pháp luật để đưa giá hợp lý nhất. Tuy nhiên, hội đồng giá lại đưa ra mức giá cao gấp nhiều lần so với khu vực lân cận. Sau 2 phiên đấu giá không thành, đầu năm 2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh có điều chỉnh lại bằng mức giá tư vấn ban đầu nhưng giá bất động sản tại Kỳ Anh lúc này đã hạ nhiệt nên việc đấu giá vẫn không thực hiện được.
Ngoài ra, trong 17ha diện tích dự án có 2,6ha trước đây được cấp cho một doanh nghiệp khác quy hoạch xây dựng bến xe. Sau khi tách huyện Kỳ Anh thành 2 huyện thị, khu vực bến xe bị thay đổi quy hoạch. Do không còn phù hợp, UBND tỉnh ra thông báo dừng dự án để triển khai dự án hạ tầng khu dân cư.
Bảng niêm yết giá đất vào tháng 9/ 2018.
Qua nhiều lần đàm phán nhưng giữa các bên vẫn chưa thống nhất được mức giá đền bù nên 2,6ha đất này không thể triển khai xây dựng khiến dự án phải dừng lại không thể tiến hành nghiệm thu.
Ông Đường cũng đưa ra một số nguyên nhân khách quan như việc ảnh hưởng của sự cố môi trường biển nên nhiều nhà đầu tư rút khỏi thị trường Kỳ Anh khiến nền kinh tế trở nên “hạ nhiệt” cũng ảnh hưởng đến tâm lý của người mua tại khu vực này.
“Để giải quyết bài toán này, chúng tôi đã làm tờ trình gửi UBND tỉnh xem xét xây dựng lại giá. Về phía UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT chủ trì mời công ty tư vấn về xây dựng lại giá sát với thị trường. Thực ra, đến thời điểm hiện nay vẫn có rất nhiều người quan tâm đến dự án này, tuy nhiên sau khi xem bảng giá họ tỏ ra ái ngại. Vì vậy điều chỉnh giá hợp lý sẽ thúc đẩy dự án nghiệm thu sớm hơn. Đối với việc vướng mắc mặt bằng, chúng tôi sẽ tiếp tục sắp xếp để làm việc với doanh nghiệp, nếu vẫn không có kết quả thì sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật”, ông Đường khẳng định.
Phượng Vũ