5 điều cần biết trước làn sóng lây nhiễm Covid thứ hai ở Nhật

Châu Anh

(Dân trí) - Khi Tokyo, Osaka và Kyoto ban bố tình trạng khẩn cấp do Covid-19 tái bùng phát, người dân và du khách đều được khuyến cáo những vấn đề lưu ý khi di chuyển và sinh hoạt thường ngày.

Trong tuyên bố mới đây về tình trạng khẩn cấp ở một số thành phố lớn tại Nhật do dịch Covid-19 tái bùng phát nghiêm trọng, Thủ tướng Yoshihide Suga đã kêu gọi áp dụng các biện pháp hạn chế "có giới hạn và tập trung", trong đó lấy trọng tâm của lệnh giãn cách ở các nhà hàng và quán bar. Trường học vẫn có thể được xem xét mở cửa.

Tình trạng khẩn cấp này sẽ kéo theo điều gì?

Tại Tokyo, tình trạng khẩn cấp sẽ được giới hạn trong trung tâm đô thị và các tỉnh lân cận là Kanagawa, Saitama và Chiba. Các nhà hàng và quán bar phục vụ rượu sẽ bị giới nghiêm từ 20h tối, bắt đầu từ thứ 6. Chính quyền thành phố cũng khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài sau thời gian này.

So với tuyên bố phong tỏa năm ngoái được áp dụng trên toàn quốc, phạm vi lần này sẽ hẹp hơn nhằm giảm thiểu các vấn đề tác động tới kinh tế. Nguyên nhân là các chuyên gia tư vấn chính sách của chính quyền Thủ tướng Suga cho rằng phần lớn các ca lây nhiễm đều thông qua môi trường ăn uống hoặc trên các phương tiện giao thông. Trong khi đó, việc phần lớn người mắc bệnh đều ở độ tuổi 20-50 sẽ đẩy nhà ở và nơi làm việc thành các điểm nóng về dịch bệnh tiếp theo.

Trên thực tế, các biện pháp mới vẫn để chỗ trống cho hoạt động của trường học do kỳ thi tuyển sinh đại học vẫn tiếp tục theo đúng kế hoạch trong tháng này. Các cửa hàng bách hóa và rạp chiếu phim cũng có khả năng vẫn hoạt động kinh doanh.

5 điều cần biết trước làn sóng lây nhiễm Covid thứ hai ở Nhật - 1

Chính phủ Nhật Bản hy vọng tình trạng hạn chế khẩn cấp sẽ đủ để ngăn chặn các ca nhiễm đang tăng kỷ lục. Ảnh: Reuters.

Tại sao lại là thời điểm này?

Các trường hợp mắc Covid-19 tiếp tục tăng hàng ngày trong kỳ nghỉ lễ năm mới. Mức tăng đột biến của Tokyo và các ca nhiễm mới ở các quận xung quanh đã khiến giới chức Nhật Bản đặc biệt lo ngại.

Khi trên 50% các giường chăm sóc đặc biệt của bệnh viện kín chỗ, tình hình trở nên ngày càng căng thẳng. Trong khi đó, người dân vẫn tỏ ý muốn tới đền và nhà thờ để cầu nguyện trong năm mới theo đúng nghi thức truyền thống, và cuộc đua tiếp sức đường dài Ekiden hàng năm có khả năng vẫn thu hút lượng lớn người tham dự và khán giả đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho nỗ lực kìm chế dịch bệnh của chính quyền.".

Tình hình tại các bệnh viện nghiêm trọng đến mức nào?

Tính đến ngày 5/1, nước Nhật có 3.083 bệnh nhân không có chỗ nằm tại bệnh viện hoặc thậm chí là các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Công suất sử dụng giường bệnh cho bệnh nhân Covid-19 bị bệnh nặng đã tăng hơn 30% so với thời điểm cuối tháng 12 và ở Osaka, 65% giường bệnh đã bị lấp đầy.

Thiếu giường bệnh không phải là vấn đề duy nhất mà Nhật Bản phải đối mặt. Lượng nhân sự làm công tác y tế ở nước này cũng đang trong tình trạng cung không đủ cầu, bởi ngay trong thời kỳ chưa có Covid-19, Nhật đã là quốc gia hiếm hoi phải nhập khẩu điều dưỡng, do đặc điểm dân số già.

Tuyên bố "tình trạng khẩn cấp" có thể thay đổi căn bản vấn đề của Nhật?

Theo một số chuyên gia, nước Nhật đã bỏ qua thời cơ vàng để ngăn chặn làn sóng Covid-19 thứ 2. Khi tuyên bố hạn chế đi lại và giới nghiêm các địa điểm ăn uống vui chơi vào sát ngày giao thừa, người dân Nhật thực tế đã trải qua phần lớn kỳ nghỉ năm mới với lịch trình di chuyển dày đặc vào giữa tháng 12. Giáo sư Yasuda của đại học Nagasaki cho rằng giờ đây "rất khó để hạn chế sự lây lan của virus một khi nó đã xâm nhập sâu vào trong cộng đồng".

5 điều cần biết trước làn sóng lây nhiễm Covid thứ hai ở Nhật - 2

Người dân cầu nguyện tại đền Kanda Myojin của Tokyo vào ngày 4/1, ngày làm việc đầu tiên của năm 2021. Ảnh: Reuters.

Hiện tại, việc tuân thủ các quy định khẩn cấp và các hạn chế ngành nghề kinh doanh liên quan sẽ là tự nguyện, theo như luật pháp Nhật Bản. Kể cả khi không tuân thủ, các đơn vị kinh doanh cũng chỉ bị nêu tên và phê bình. Tuy nhiên, giới chức Nhật hiện đặt mục tiêu thay đổi lại luật vào đầu tháng 2, nhằm đưa vào các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn và mang tới hiệu quả thiết thực hơn cho lệnh giãn cách này. Dẫu thế, một đề xuất như vậy vẫn cần phải chờ đợi Quốc hội thông qua.

Một vấn đề khác được quan tâm là tốc độ tiêm phòng vaccine ở Nhật. Bất chấp sự gia tăng của các ca nhiễm gần đây, số ca mắc bệnh ở Nhật vẫn chưa bằng Hoa Kỳ hoặc một số nước châu Âu. Do đó, các chuyên giá cho rằng nước này không nên gấp rút quá trình phê duyệt vaccine. Các cơ quan quản lý cũng muốn xem xét mọi khả năng gây ra tác dụng phụ nào trước khi phê chuẩn ra thị trường. Đây là lý do tại sao thủ tướng Suga đề xuất việc tiêm chủng có thể bắt đầu vào cuối tháng hai.