3 lời khuyên dành cho môi giới mới vào nghề
(Dân trí) - Ông Nguyễn Công Linh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VNTC Việt Nam - chia sẻ những lời khuyên cho người môi giới mới vào nghề.
Môi giới bất động sản là nghề còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam, nhưng lại được ví như "thỏi nam châm" thu hút đông đảo lực lượng lao động, đặc biệt là những người trẻ bởi nhiều người trong nghề có mức thu nhập đáng mơ ước và mang đến nhiều cơ hội phát triển bản thân. Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), chỉ tính riêng tại khu vực Hà Nội có khoảng trên 70.000 môi giới đang hoạt động tại các công ty môi giới bất động sản, sàn giao dịch bất động sản hoặc hoạt động độc lập. Con số này cho thấy mức độ hấp dẫn và tiềm năng của nghề môi giới bất động sản.
Tuy nhiên, nghề môi giới bất động sản cũng có nhiều biến động khi số lượng nhân sự mới vào nghề nhiều nhưng số lượng bỏ nghề cũng không ít. Ông Linh chia sẻ: "Tôi đã thấy nhiều đồng nghiệp lúc đầu rất đam mê nhưng đã quyết định bỏ nghề khi mới tham gia vào lĩnh vực này được một năm. Một phần là do không đủ kiên trì, phần còn lại cũng vì không vượt qua được áp lực từ chính bản thân". Điều này đã phần nào cho thấy mức độ khắc nghiệt và áp lực của nghề môi giới.
Chuẩn bị đầy đủ trước khi bước vào nghề
Để thành công trong nghề môi giới, ông Nguyễn Công Linh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VNTC Việt Nam cho rằng, người mới vào nghề cần chuẩn bị cả về mặt tinh thần lẫn tài chính, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm.
Về mặt tinh thần, đầu tiên người làm môi giới cần xác định đây không phải là nghề dễ làm và không phải ai cũng làm hiệu quả.
"Tư vấn động sản là nghề khó nhất trong tất cả những ngành nghề tư vấn, vì bất động sản là sự hội tụ và tổng hợp từ 270 ngành nghề trên toàn thế giới. Lấy ví dụ đơn giản, khi xây một ngôi nhà bạn cần có vật liệu xây dựng, có nhân công, người thiết kế bản vẽ kiến trúc, nội thất... Chính vì vậy, người làm nghề môi giới phải là người có hiểu biết rộng", ông Linh chia sẻ.
Bạn cũng cần xác định rõ mục tiêu trong khoảng thời gian đầu mới vào nghề chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng và mối quan hệ nên tỷ lệ "chốt đơn" thành công sẽ rất thấp. Ông cho biết, việc 6 tháng đầu không chốt giao dịch được căn nào mặc dù đã đi gặp và chăm khách rất nhiệt tình là hoàn toàn bình thường.
"Các bạn trẻ mới vào nghề đừng sợ thất bại, đừng sợ sai. Vì những thất bại đó là những bài học quý giá và sẽ là bước đệm lớn giúp bạn đi đến những giao dịch thành công trong tương lai", theo Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VNTC Việt Nam.
Về mặt tài chính, thời gian đầu mới vào nghề chưa có thu nhập, người làm môi giới cần chuẩn bị tài chính dự trù để trang trải cuộc sống hàng ngày và các khoản chi phí phục vụ công việc như: trang phục, thẻ card visit, chi phí in ấn, chi phí quảng cáo, tiền cafe khi gặp khách hàng...
Nếu không phải là người có điều kiện tài chính tốt trước khi bắt đầu vào nghề môi giới bất động sản, bạn có thể sử dụng "đòn bẩy tài chính" trong ngắn hạn vào thời điểm chưa có được thành quả.
Ông Nguyễn Công Linh chia sẻ: "Môi giới bất động sản là một sự đầu tư, làm môi giới bạn phải có đòn bẩy tài chính để trải nghiệm và cũng có thể là trả giá khi làm sai. Tôi cũng từng sai rất nhiều lần, nhưng quan trọng từ cái sai đó, mình rút ra được kinh nghiệm để sau này không phải lặp lại".
Vượt qua định kiến và khẳng định bản thân
Cũng theo đại diện VNTC Việt Nam, nghề môi giới bất động sản được xã hội soi chiếu dưới nhiều góc độ khác nhau, cả về mặt tích cực và tiêu cực. Nhiều người hiện nay vẫn có cái nhìn sai lệch về nghề môi giới bất động sản, gọi họ bằng những từ như "cò đất" chỉ biết tư vấn sơ sài, hỗ trợ khách chút ít và sử dụng mánh khóe để chốt giao dịch.
Nhưng một người môi giới chuyên nghiệp phải là thực sự am hiểu về thị trường, sản phẩm, thấu hiểu khách hàng và có khả năng tư vấn toàn diện để đáp ứng những nhu cầu nhỏ nhất của người mua. Khi lựa chọn bắt đầu với nghề môi giới bất động sản, bạn cần vượt qua khỏi định kiến xã hội và liên tục trau dồi phát triển bản thân để khẳng định mình.
"Những định kiến hay ý kiến của người ngoài không quá quan trọng, chỉ cần bạn tin tưởng vào những việc mình làm và tập trung 100% vào nó thì chắc chắn sẽ có thành quả, có thương hiệu của chính mình", ông đúc kết.
Liên tục học hỏi và trau dồi phẩm chất, kỹ năng
Ông Linh cho rằng nghề môi giới bất động sản là một nghề khó và có tính chất đào thải khắc nghiệt. Nếu không xác định được mục tiêu rõ ràng, xây dựng cho bản thân một kế hoạch tương lai cụ thể và hành động bằng cách liên tục học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn, rèn giũa cho mình những kỹ năng mềm thì rất khó để gắn bó lâu dài với nghề.
"Nghề môi giới khi mới bắt đầu giống như một chiếc xe hơi chưa lăn bánh, phải dùng đến sức của 2-3 người mới đẩy được. Nhưng khi chiếc xe ấy đã có đà rồi thì chỉ cần một người đẩy nó cũng đi. Hãy là một người môi giới chân chính, luôn luôn nỗ lực và kiên trì để phát huy hết khả năng tiềm ẩn và khám phá sức mạnh của bản thân, chắc chắn sẽ thu được quả ngọt" ông Linh khuyến khích.
Thực tế, có rất nhiều người vào nghề với tâm thế vẫn còn đường lui, vừa làm vừa thăm dò, thử làm nếu được thì tiếp tục còn không sẽ quay lại làm nghề cũ với thu nhập ổn định. Chia sẻ về vấn đề này, ông Linh cho biết: "Quan điểm của tôi là một khi đã bước chân vào nghề thì hãy xác định không có đường lui. Một là bán được để sống và chiến đấu tiếp, hai là không bán được sẽ lụi. Phải kiên trì và cần quá trình rất dài, vì khó khăn đó sẽ tạo cho bạn nhiều kinh nghiệm".
Vị này nhận định, nghề môi giới bất động sản mang đến nhiều cơ hội để phát triển bản thân, mở rộng mối quan hệ, có thu nhập đáng mơ ước nhưng cũng là một nghề có nhiều thách thức và tỷ lệ đào thải cao. Những người môi giới chuẩn bị vào nghề hãy xây dựng cho mình các mục tiêu rõ ràng và kiên trì, nỗ lực theo đuổi đến cùng. "Bởi khi bạn nỗ lực càng nhiều thì phần thưởng bạn nhận được sẽ càng xứng đáng", ông Linh kết luận.